Ai “giữ lửa” cho các nghệ nhân?

Thứ năm, ngày 13/10/2011 17:14 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ca trù đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Danh hiệu lớn và uy tín như thế, nhưng đời sống của các nghệ nhân ca trù vẫn còn nhiều bộn bề, lo toan.
Bình luận 0

Đến nay, ca trù vẫn là một trong những loại hình âm nhạc truyền thống đặc sắc nhất của VN.

img
Theo thống kê, cả nước hiện chỉ còn 21 nghệ nhân ca trù.

“Báu vật” bán... quán cóc

Hình ảnh ca nương ngồi hát và giữ nhịp phách, thầy đàn luyến láy với cây đàn đáy và quan viên giữ nhịp trống chầu gợi nên một không gian sinh hoạt văn hóa rất riêng và tao nhã của người Việt. Nhưng cũng giống như những loại hình di sản phi vật thể khác, ca trù đang đứng trước nguy cơ bị thất truyền, bị sai lệch với bản gốc do lớp nghệ nhân phần lớn đã tuổi cao sức yếu, trí nhớ đã phai nhạt.

Lớp nghệ nhân cao tuổi cứ vắng bóng dần, trong khi Nhà nước vẫn chưa có những chính sách động viên kịp thời cho thế hệ nghệ nhân trẻ. Theo thống kê, cả nước hiện chỉ còn 21 nghệ nhân ca trù, trong đó có 12 nghệ nhân còn đủ sức khỏe để tiếp tục truyền dạy.

Còn nhớ ở Liên hoan CLB Ca trù toàn quốc cách đây 3 năm cũng tại Hà Nội, ca nương Nguyễn Thị Vượn (84 tuổi), ở thôn Chanh, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội vẫn làm khán giả mê mải khi cụ cất lên một giọng hát trong veo. Cùng với em họ là cụ Khướu (83 tuổi), 2 cụ được mệnh danh là 2 “báu vật” của liên hoan và vinh dự được trao Huy chương Vàng trong liên hoan lần đó.

Đời sống của ca nương Nguyễn Thị Vượn hết sức vất vả, hàng ngày cụ vẫn phải bán hàng trong cái quán nhỏ để kiếm đồng ra đồng vào và truyền dạy ca trù cho lớp cháu con mà chẳng được một chút thù lao nào.

Chị Nguyễn Thị Ngoan- Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn cho biết: Mặc dù ca trù đã được công nhận là Di sản văn hoá của nhân loại từ năm 2009, nhưng cho đến nay CLB chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về kinh phí cũng như chuyên môn từ phía Nhà nước. Hiện CLB duy trì hoạt động được là do những người dân Chanh Thôn yêu môn nghệ thuật này tự nguyện tham gia, đóng góp”.

Chờ một chủ trương

Ở ngay giữa trung tâm 36 phố phường Hà Nội, các CLB ca trù cũng đang gặp khó vì sự thờ ơ của khán giả. Hiện chỉ có 3 địa điểm biểu diễn ca trù sáng đèn hàng tuần là CLB Ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ ở 28 Hàng Buồm và 87 Mã Mây và CLB Ca trù Hà Nội của ca nương Bạch Vân ở đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc).

Liên hoan sẽ diễn ra từ 13 đến 16.10 với sự tham gia của 23 đơn vị (gồm đại diện 15 tỉnh, thành có ca trù, các CLB, nhóm, cá nhân), đăng ký tổng số 140 người, thực hiện 28 chương trình.

Thế nhưng tiền thu từ các suất diễn này hầu như còn không đủ cho các ca nương, kép đàn một bữa tối đạm bạc, vì khách hầu như chẳng có. Ca nương Bạch Vân cho biết: “Có được điểm diễn ngay trong phố cổ nhưng nhiều khi 5-7 ca nương, kép đàn hát để phục vụ 1-2 khách nghe, có những ngày mưa còn không có khách nào”.

Liên hoan ca trù lần này sẽ là một dịp vui và hàn huyên gặp gỡ của các ca nương, kép đàn của 15 tỉnh, thành, họ sẽ quên đi những nhọc nhằn thường nhật trong 4 ngày, và rồi hết liên hoan, di sản văn hóa độc đáo này lại tiếp tục... đối mặt với những khó khăn trước mắt. Một chủ trương, những chính sách, sự đầu tư tiền của, nhân lực... để bảo vệ lấy ca trù là những đòi hỏi bức thiết để những nghệ nhân gắn bó với ca trù không còn cảm thấy thiệt thòi, tủi phận.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem