Ai ngờ được loài cây miền Tây này cho trái đã ngon lại chống sạt lở

Thứ năm, ngày 10/10/2019 14:30 PM (GMT+7)
Hình ảnh hàng dừa nước soi bóng dòng sông đã đi vào những tác phẩm nghệ thuật văn hoá, văn nghệ. Cây dừa nước từ lâu gắn liền với tập quán sống, sinh hoạt của người dân Nam Bộ. Cùng với cung cấp vật liệu làm nhà ở, làm vật dụng và món ăn tuyệt vời từ trái, hàng dừa nước ven sông còn là lá chắn tích cực, ngăn sóng, ngừa sạt lở do dòng chảy, bảo vệ các tuyến đê, con lộ ven sông.
Bình luận 0

Mọc rất dày, rễ bám chặt

Đặc trưng của những vùng quê sông nước như Phú Tân là phần lớn lộ đều được xây dựng dọc theo các tuyến sông, rạch. Ven sông nền đất yếu, tàu bè đi lại nhiều, dòng chảy thay đổi, triều cường… nên dễ sạt lở, ảnh hưởng lộ. Thực tế rất nhiều tuyến lộ vừa đưa vào sử dụng vài năm đã hư hỏng do đất chân lộ bị sạt lở.

img

Ông Võ Văn Kiệt trồng được hàng dừa nước vừa đẹp, vừa bảo vệ con lộ.

Để hạn chế tình trạng sạt lở đất ven sông, chỉ thị về phòng chống sạt lở ở huyện Phú Tân ra đời nhằm phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các biện pháp chống sạt lở. Nay chỉ thị này được nâng lên thành Nghị quyết chuyên đề số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Tân về việc chống sạt lở các công trình giao thông trên địa bàn.

Có nhiều giải pháp để chống sạt lở, như làm bờ kè bê tông, tấn đá tảng, cặm cây bao lưới mành, trồng cây chắn sóng… Những hộ có điều kiện kinh tế thì làm bằng bê tông, song theo nhiều người dân, bê tông cũng không bền vững do triều cường, sóng đập... Với lại, không phải ai cũng có điều kiện kinh tế, nhất là ở nông thôn nhiều hộ đất rộng, làm bờ kè bê tông phải tốn đến bạc trăm triệu đồng… Chính vì vậy, giải pháp phù hợp và bền vững với nông dân nhất vẫn là trồng cây chống sạt lở.

Có nhiều loại cây để trồng ven sông nhằm chống lở như dừa nước, mắm, đước... Riêng cây dừa nước, một khi đã phát triển thì rất dày, rễ bám chặt và giữ đất hiệu quả, vì đặc điểm này mà dừa nước được nhiều người chọn trồng.

Với mặt tiền đất ven sông dài gần 100 m, nếu kè bằng bê tông phải tốn rất nhiều tiền. Chính vì vậy, ông Võ Văn Kiệt, ấp Phú Thành, xã Phú Mỹ chọn cây dừa nước để chắn sóng, chống sạt lở. Cũng như ông Kiệt, nhiều bà con ở đây thực hiện biện pháp này theo sự vận động của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể ở địa phương.

Cần gia cố, thực hiện thường xuyên

Theo ông Kiệt, so với cây mắm, cây đước, dừa nước chống sạt lở tốt hơn. Bởi một khi cây lớn, rễ ăn sâu và nhiều vào đất nên rất vững chắc.

Tuy nhiên, lúc đầu trồng dừa nước gặp khó vì cây con chưa bám rễ, tàu bè qua lại cộng với triều cường thì đất lở và cây sẽ trôi. Để khắc phục tình trạng này, người dân phải có giải pháp để giữ đất cho cây dừa nước con phát triển.

Ông Kiệt dùng cây cặm bên ngoài, mỗi mét một cây, trong chắn lưới mành. Sau đó múc sình đổ lên, lấy dừa nước đã lên mọng khoảng 1-2 tấc trồng 2 hàng xen kẽ nhau. Để đảm bảo cho cây không bị sóng đánh trôi, khi bộ rễ chưa bám chặt cần thường xuyên bồi đắp đất và gia cố bờ. Đến khi lá phát triển tầm 1,5-2 m trở lên đã có khả năng chắn sóng.

Trên địa bàn huyện Phú Tân hiện có hơn 800 km lộ nông thôn. Trong đó có hơn 640 ngàn mét lộ bê tông ven sông đã và đang sạt lở. Hiện nay, các xã, thị trấn trong huyện huy động Nhân dân chống sạt lở trên 420 ngàn mét, đạt trên 65%. Giải pháp chủ yếu vẫn là trồng cây ven sông, giải pháp rẻ tiền nhưng bền vững và hiệu quả. Việc trồng cây, kè chống sạt lở là việc phải làm thường xuyên để đảm bảo công trình được sử dụng lâu dài, an toàn cho việc đi lại.

Hình ảnh hàng dừa nước ven sông hiện hữu ở nhiều nơi, không chỉ là lá chắn hiệu quả cho các tuyến lộ mà còn là hình ảnh thân thuộc, gắn liền với đời sống của người dân vùng sông nước./.

Quốc Hiệp (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem