An Giang: Nông dân tỷ phú, triệu phú giúp gần 400.000 lượt hộ nông dân khó khăn thoát nghèo

Thu Hà Thứ sáu, ngày 28/05/2021 16:54 PM (GMT+7)
Tổng doanh thu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2020 ở An Giang đạt gần 13.800 tỷ đồng. Trong đó, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh có thu cao nhất hơn 26,2 tỷ đồng/hộ/năm.
Bình luận 0

Điều đáng quý, không chỉ làm giàu cho riêng mình, những nông dân giỏi này đã hướng dẫn, giúp đỡ hơn 399.000 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.

Xuất hiện nhiều tỷ phú nông dân

Trao đổi với PV Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết: "Tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, hàng chục ngàn hộ nông dân An Giang phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đầu tư vốn, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Từ đó, các mô hình kinh tế hợp tác tham gia mô hình "Cánh đồng lớn", chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, sản xuất đa canh, chăn nuôi bò, thủy sản, phát triển kinh tế trang trại, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp... từng bước được nhân rộng.

Nông dân giỏi giúp gần 400.000 lượt hộ thoát nghèo - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang (bìa phải) thăm mô hình trồng cây ăn quả VietGAP của hội viên nông dân giỏi. Ảnh: T.H

Năm 2021, các cấp Hội ND tỉnh An Giang đã tổ chức cho 98.689 hộ nông dân đăng ký danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Để chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi ngày càng được nâng lên cả về chất và lượng, các cấp Hội ND An Giang tích cực vận động nông dân tham gia các mô hình kinh tế hợp tác, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các doanh nghiệp và tập trung xây dựng, nhân rộng những mô hình tiên tiến, phù hợp với từng địa phương.

Điển hình có thể kể đến mô hình trồng rau tía tô xuất khẩu Hàn Quốc có sự đầu tư về kỹ thuật, tìm hiểu thị trường và liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp của nông dân giỏi Nguyễn Hoàng Duy Luân (ở ấp An Quới, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới). Với diện tích sản xuất 2,7ha, ông đã liên kết, vận động nông dân trong vùng để mở rộng quy mô lên 20ha. Mỗi tháng cho thu hoạch từ 100 - 200 tấn lá với doanh thu 3 tỷ đồng/năm.

Hay ông Nguyễn Thành An (ở xã Tân Tuyế, Tri Tôn) là một trong những nông dân giỏi tiên phong tìm kiếm những mô hình nông nghiệp mới, hiệu quả. 9 năm liền ông An được công nhận danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.

Ông An từng được phong danh hiệu "Vua dưa hấu" khi trên vùng đất phèn xã Tân Tuyến, ai cũng trồng lúa nhưng ông trồng dưa hấu và thắng lớn. Khi dưa hấu không còn "ngon ăn", ông chuyển sang trồng lúa Nhật, lúa sạch theo hướng liên kết sản xuất.

4 năm trở lại đây, ông An lại mạnh dạn đầu tư vốnn để trồng giống nhãn Ido với diện tích 5ha. Thấy được lợi ích từ cây nhãn, ông An vận động thêm 4 hộ xung quanh cùng tham gia trồng nhãn Ido, thành lập tổ hợp tác có diện tích 13,35ha, với 16 thành viên. Ngoài ra, ông An còn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới phun điều khiển bằng thiết bị di động để giảm công chăm sóc.

Còn ông Nguyễn Lợi Đức (ở xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn) với mô hình trồng chuối cấy mô kết hợp chăn nuôi bò, doanh thu đạt 9,850 tỷ đồng/năm…

Tích cực đóng góp xây dựng NTM

Theo báo cáo Hội ND tỉnh An Giang: Năm 2020, tổng doanh thu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh đạt trên 13.785 tỷ đồng. Hộ ông Phan Văn Thụ (ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn có thu nhập cao nhất hơn 26,2 tỷ đồng/hộ/năm. Hộ nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh có thu nhập thấp nhất trên 150 triệu đồng/hộ/năm. Những nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh đã hướng dẫn, giúp đỡ hơn 399.350 lượt hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.

Đặc biệt, lực lượng nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh đã đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM) với giá trị gần 7,2 tỷ đồng và hơn 434.655 ngày công lao động. Theo đó, Hội ND các cấp đã đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen cho 235 nông dân và 9 tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phát triển kinh tế và xây dựng NTM tại địa phương.

"Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu của các cá nhân và tập thể nông dân SXKD giỏi. Toàn tỉnh có 207 mô hình tiêu biểu, góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương, nhiều mô hình áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư và tăng thu nhập cho nông dân.

Hiện nay, có 128 sản phẩm lợi thế, được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh năm 2020 và những năm tiếp theo, như: Tung lò mò, bưởi da xanh, cá thát lát, đường thốt nốt, nhãn xuồng, dâu tằm…" - ông Nguyễn Văn Nhiên cho hay.

Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang cho biết thêm: Năm 2020, Hội ND tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội Câu lạc bộ doanh nhân nông thôn tỉnh An Giang nhiệm kỳ 2020-2025, với sự tham dự của các nông dân giỏi tiêu biểu, là lực lượng nòng cốt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở nông thôn, với thu nhập từ 1,2 tỷ đồng/năm trở lên. Những doanh nhân nông thôn này đã tham gia giải quyết việc làm cho người lao động địa phương, góp phần cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tại An Giang.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem