Ẩn họa từ nhậu say tự lái xe

Thứ tư, ngày 08/05/2019 16:03 PM (GMT+7)
Hầu hết khách rời quán trong bộ dạng "chân đăm đá chân chiêu" đều leo lên xe, tự cầm lái về nhà. Chỉ một số ít người đi taxi hoặc sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ
Bình luận 0

Vào một ngày cuối tháng 4-2019, nhiều người đang lưu thông trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP HCM) đã hốt hoảng khi phát hiện một người đàn ông úp mặt xuống đường, nằm bất động trên vũng máu, bên cạnh là chiếc xe tay ga còn rồ ga inh ỏi.

Không biết tự chạy xe về bằng cách nào

Thấy ông ta còn cựa quậy, nhiều người khiêng vào lề đường. Khoảng 5 phút sau, mặc dù máu còn chảy ra từ vết thương trên đỉnh đầu, ngồi không vững vì say mèm, ông ta vẫn nói không sao và đòi tự chạy xe về nhà ở tận xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Lo ngại, nhiều người giấu chìa khóa, kiểm tra điện thoại rồi liên lạc với gia đình đến đưa đi bệnh viện.

img

Người đàn ông tự gây tai nạn trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp, TP HCM) sau khi uống say và chạy xe máy về Ảnh: Phạm Dũng

Đây chỉ là một trong số hàng ngàn "ma men" sau khi tàn cuộc nhậu tự lái xe về nhà rồi gây tai nạn cho bản thân. Còn rất nhiều "ma men" khác dù uống không biết trời đất gì vẫn lái ôtô để rồi gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm cho những người vô tội mà mới đây nhất là 2 vụ tai nạn giao thông làm chết 3 phụ nữ - 3 người mẹ của các con nhỏ vừa xảy ra tại Hà Nội.

Hai ngày cuối tuần qua (3 và 4-5), chúng tôi ghi nhận dọc hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa (kéo dài qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình), đại lộ Phạm Văn Đồng (kéo dài qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức), đường Thành Thái (quận 10)..., hàng trăm quán nhậu san sát nhau mở cửa từ khi phố lên đèn đến rạng sáng hôm sau nhưng lúc nào cũng đông khách đến nâng ly. Đáng nói là hầu hết khách rời quán trong bộ dạng "chân đăm đá chân chiêu" đều leo lên xe máy, tự lái về nhà. Chỉ một số ít người đi taxi hoặc sử dụng dịch vụ đặt xe công nghệ.

Nói về lý do thích nhậu đến mức uống không có ngày nghỉ và tự phong là "thần sầu", anh Lê Khoát (28 tuổi, kỹ sư điện) cho biết công việc của anh ban ngày phải đi lại khá nhiều trong cảnh nắng nóng, buổi tối mới có dịp nghỉ ngơi, gặp bạn bè tâm sự. Theo quan điểm của anh, nếu trò chuyện ở các quán cà phê thì chưa đến 15 phút đã nhạt nhẽo, về nhà trọ chẳng biết làm gì. Vì vậy, những chai bia có thể gắn kết bạn bè nhiều giờ, qua đó "xả" hết những chuyện bức xúc hằng ngày.

"Sau mỗi cuộc vui, anh sẽ về nhà bằng phương tiện gì?". Trả lời câu hỏi trên, anh Khoát cho biết dùng xe máy cá nhân vì "đủ kiểm soát được". Tuy nhiên sau đó, anh thừa nhận có những bữa tiệc đến hôm sau tỉnh dậy không biết đêm trước tự chạy xe về nhà bằng cách nào.

Theo quan sát của chúng tôi, tại quán nhậu T. (đường Thành Thái, quận 10), trong vòng 1 giờ đã có 40 trường hợp bước đi trong tình trạng xiêu vẹo nhưng vẫn leo lên xe tự chạy. Trong khi số người sử dụng xe ôm công nghệ, taxi chỉ 3 người. Đáng nói, khách đã vào quán thì uống phổ biến từ 5-6 chai bia trở lên, không có ai uống 1-2 chai rồi nghỉ.

"Lao động cả tuần mới có lương, một phần mang về cho vợ, phần còn lại hùn với anh em bạn và cai thầu đi nhậu giải khuây sau một tuần làm việc mệt nhọc. Hơn nữa, ai cũng nhậu, mình không đi lại bị nói này nói kia. Mà đã uống thì... tới bến, đâu thể uống 1-2 ly rồi về, coi sao được?" - anh Lê Văn M., khách hàng thân thiết của một quán lẩu dê bình dân, nói.

Khó xử lý "ma men" lái xe

Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết trong năm 2018 có 23.589 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó trên 1.200 trường hợp điều khiển ôtô khi có rượu bia. So với tổng số liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, tỉ lệ xử lý trường hợp say xỉn lái xe chỉ chiếm hơn 5%.

Trong thời gian thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn, chất kích thích đối với tài xế của Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM, trong 4 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã xử lý 6.204 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 31 trường hợp sử dụng chất kích thích, trong đó chủ yếu là tài xế xe container sử dụng ma túy.

Còn theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải, qua công tác phối hợp liên ngành và độc lập, đơn vị đã tham gia 13 đợt, kiểm tra 579 phương tiện và phát hiện 15 trường hợp sử dụng chất kích thích, chủ yếu là ma túy và 29 tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Theo lực lượng chức năng, phần lớn các đối tượng say xỉn thường kéo dài thời gian khi làm việc với cơ quan chức năng để giảm bớt nồng độ trong người, gây khó khăn cho công tác xử lý. Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM thường xuyên khảo sát, nắm bắt các tuyến đường địa bàn có dấu hiệu phức tạp về tình hình trật tự an toàn giao thông, từ đó tổ chức các đợt kiểm tra hành chính từ 21 giờ đến rạng sáng hôm sau. Hiện nay, người dân vẫn có thói quen sử dụng bia rượu để giao tiếp, sinh hoạt, sau đó sử dụng phương tiện cá nhân để trở về nhà. Từ những hành vi chủ quan này dễ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Giải pháp đơn vị đưa ra ngoài việc tăng cường kiểm tra thì kết hợp tuyên truyền nâng cao ý thức đối với từng cá nhân.

Trong khi đó, theo Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, trước tình trạng quán nhậu mọc lên như nấm, CSGT đã tăng cường kiểm tra nồng độ cồn trong máu ở gần quán nhậu. "Tuy nhiên, trường hợp vượt quá nồng độ cồn bị xử lý không nhiều vì khi thấy CSGT, dân nhậu đậu xe bên đường không đi tiếp, "thi gan" với CSGT. Một số khác khi biết CSGT làm nhiệm vụ đo nồng độ cồn thì tìm đường khác đi" - một lãnh đạo Phòng CSGT cho biết. 

Nhóm PV (Người lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem