Người tiêu dùng khó lựa chọn
Thực tế cho thấy, mặc dù các lực lượng chức năng trong tỉnh đã tăng cường nhiều giải pháp trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với mặt hàng thực phẩm hay các loại nước giải khát, bia, rượu, nhất là trong những dịp cận tết, nhưng vẫn còn tình trạng một số mặt hàng không đảm bảo chất lượng được tiêu thụ trên thị trường.
Đội Quản lý thị trường số 1 TP.Sơn La phát hiện cơ sở chế biến thạch rau câu không đảm bảo quy định ngay tại phường Chiềng Sinh. Ảnh: Quốc Tuấn
Tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục sử dụng dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong các mặt hàng thực phẩm, nông sản, nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng. |
Chị Nguyễn Tuyết Minh, phường Chiềng Lề, TP.Sơn La, cho rằng: Rất nhiều sản phẩm bày bán ngoài chợ đều dùng chất phụ gia để chế biến nhằm tăng mùi vị hoặc bảo quản được lâu hơn. Đặc biệt là những ngày giáp tết, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm đông lạnh hoặc hàng bánh kẹo, giải khát, bia, rượu tăng mạnh nên việc xuất hiện những mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có thể xảy ra. Chúng tôi gặp không ít khó khăn khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình mình, nhất là hàng trái cây.
Theo ông Nguyễn Viết Thông - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sơn La: Thời điểm giáp Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ hàng hóa thực phẩm thường tăng cao hơn ngày thường. Do đó, nguy cơ thực phẩm mất an toàn từ các cơ sở sản xuất mùa vụ, nhỏ lẻ hay các hàng quán vỉa hè là rất lớn. Đơn vị đã phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tuy nhiên cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán và vận chuyển một số loại thực phẩm không an toàn.
Được biết, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, các lực lượng chức năng của Sơn La gặp không ít khó khăn bởi địa bàn rộng, phức tạp, dụng cụ, công cụ trang bị, phục vụ cho công tác còn thiếu. Do vậy hiệu quả công việc chưa cao, tình trạng sử dụng các chất phụ gia trong chế biến, bảo quản thực phẩm ở một số mặt hàng vẫn còn tồn tại.
Cũng theo ông Nguyễn Viết Thông: Theo khoản 3, Điều 31, Nghị định 119 năm 2017, đối với hàng hóa quá hạn sử dụng chỉ xử phạt hành chính, không thu, nộp tiêu hủy. Do vậy, đây cũng là kẽ hở để hàng hóa kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Công tác phối hợp, tổ chức đấu tranh triển khai nhiệm vụ của một số ngành, lực lượng thực thi đôi khi còn chậm, hiệu quả chưa cao, tổ chức lực lượng đấu tranh còn phân tán, chồng chéo.
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện nay, phần lớn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở Sơn La đều nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ thủ công lạc hậu, điều kiện cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường rất hạn chế nên khó triển khai và duy trì các quy trình công nghệ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, phân phối...
Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ cỏ vẫn còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Quá trình kiểm tra cho thấy vẫn còn phát hiện hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
“Việc chuyển đổi cơ chế quản lý an toàn thực phẩm từ hình thức “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” và có sự thay đổi hàng loạt các văn bản pháp luật về quản lý trong lĩnh vực đảm bảo an toàn thực phẩm dẫn đến việc triển khai cấp phép quảng cáo, công bố và tự công bố tiêu chuẩn sản phẩm thực phẩm gặp khó khăn, các quy trình, thủ tục hành chính liên tục phải thay thế hoặc bổ sung” - ông Hà thông tin thêm.
Được biết, trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, ngoài việc chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành của các cơ quan chức năng, tỉnh Sơn La còn tập trung chỉ đạo các huyện, thành phố thành lập các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục sử dụng dụng cụ chuyên ngành, test nhanh để kiểm tra chất cấm, chất tạo nạc, tồn dư kháng sinh trong các mặt hàng thực phẩm, nông sản, nhằm xử lý vi phạm và cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, đảm bảo không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây mất an toàn cho người tiêu dùng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.