Ao làng, sâu lắng hồn quê

Thứ bảy, ngày 03/08/2013 06:35 AM (GMT+7)
Men theo con đường làng khẩn đất từ thưở cha ông, sẩm tối dừng chân, tôi chợt gặp bóng trăng vàng về tắm ao làng. Mảnh ao làng trong treo với nguyên sơ bờ cây, ngọn cỏ. Ao làng còn đó, sâu lắng hồn quê.
Bình luận 0

Mỗi dịp về làng, tôi lại vội thu vén công việc để lặn lội tìm vào những hồn quê, tìm lại một dáng kiến trúc, một nghi thức phong thủy hay một vết chạm mờ trên mặt gỗ.

Nhưng đến một ngày, men theo con đường khẩn đất cha ông, sẩm tối dừng chân, tôi chợt gặp bóng trăng vàng về tắm áo làng. Mảnh ao làng trong veo với nguyên sơ cây cỏ. Ngày râm ran tiếng vàng khuyên, đêm ộp oạp tiếng ếch nhái, gợi cảm giác tưởng xa lắm mà như mới hôm qua của ông bà mình. Ao làng còn đó, lắng đọng hồn quê.

img

Ao làng có từ thuở nào cũng có nhiều thuyết. Cụ Thuần giờ đôi mắt đã mờ đục, trong hồi ức nhớ lại hơn 90 mùa vụ đã qua mà bảo, chắc ao làng có từ thời ông bà, ông vải lên đây lập làng Lữ, đào ao nung gạch. Nhưng, hôm qua xóm dưới, lại có người kể ao có từ khi những ông tổ của dòng họ đặt chân tới. Mải dõi mắt theo những cánh rừng đất Ninh Viễn mà chân đã đặt ở mép nước từ lúc nào không hay.

Ao làng lúc đó đen sẫm huyền bí dưới tán cổ thụ. Man dại một màu nước nguyên sinh. Rồi khi, trải qua bao đời người, đầm rừng xưa đã thành ao làng lành như một chiếc ao khơi. Bao loại rắn, ếch độc, bao loại lá cây gai ngứa từng nhuộm đen dòng nước đã biến mất để lại màu xanh thuần hậu của bóng tre, bóng vối. “Vết chân hổ” giờ cũng đã mờ, chỉ còn lạch nước rô ngược mỗi trận mưa rào lên mép đường gạch nghiêng cũ kĩ.

Thay vì những câu chuyện rùng rợn về lam sơn trướng khí một thời là chuyện con trắm con chuối lưu truyền từ thời ông Mười, bác Khoa, về cái tài câu của những người con làng Lữ.

Những năm bom đạn, mặt ao làng từng hiện bóng máy bay giặc. Những vạt đồi xanh đỏ lửa của những khẩu đội cao xạ. Người làng chẳng còn mấy ai được thơ thẩn ra bờ ao thả câu dưới bóng tre rợp mát, trai gái làng không còn hát đối bên cầu ao đá xanh như ngày nào. Bom đạn thời ấy đã lấy đi bình yên, lấy đi những tấm lưng trai tráng vẫn ở trần kéo lưới bao mùa cá. Mặt nước dường như quặn thắt lại thành một màu xám xịt, căm hờn.

Những ngày bình yên trở lại, lớp trẻ con chúng tôi đã lần lượt lớn lên quang chiếc ao ấy, với bao nhiêu kỉ niệm đẹp, buồn, vui. Ao làng vừa là người mẹ nuôi chúng tôi bằng những con cá tròn núc nắc thịt, những con tôm, con lươn bất ngờ bắt được, đổi món bữa cơm chiều. Ao làng cũng là “trường đời” dạy chúng tôi học bơi, học lặn, biết gắn bông hoa mướp, cọng cỏ để thả mồi con ếch, biết bỏ thòng con cá mè ngáp nước ngày hè…

Nhưng, mặt nước kia cũng từng lấy đi của chúng tôi những người bạn không lặn qua được bè muống, bị xảy chân ngã xuống vũng sâu khi còn nhỏ. Để rồi đêm, từ những bờ tre, gốc vối, bất giác lại ngỡ như hồn vía những người đã khuất nhập vào tiếng ếch râm ran, trưa hè tiếng cuốc khắc khoải như đang cố tìm một cửa thủy cung trở về với dương gian mà chẳng được.

Khi đâu đó, những hồ đầm bị vùi lấp để xây biệt thự, khách sạn thì ao làng tôi vẫn yên ả như chưa từng biết đến những đổi thay. Dẫu tầm mắt không còn vời xa tít tắp bởi bóng nhà cao đã thấp thoáng xa xa nhưng ao làng vẫn đủ sức hút bởi vẻ đẹp nguyên sơ đã phôi phai ở những làng châu thổ miền xuôi. Chẳng có chút gì cầu kì, tô vẽ, cứ vẹn nguyên bờ đất, con thuyền mộc mạc nhưng đậm đà một cảnh sắc quê hương.

Có lẽ, với bất cứ ai cũng cần có một mảnh gương trong soi chiếu, một mặt nước tắm gội những buồn vui cuộc đời. Ao làng sẽ là nơi để phơi trải, gột rửa những điều như thế. Khi những chiếc lá tre vàng như ngòi bút kia thả xuống mặt ao tựa như đang muốn ghi thêm những câu chuyện mới vào pho sử thủy mặc vô hình đó.

Ao làng tôi là thế, chẳng có gì lớn lao nhưng đủ sức giữ chân những người dân quê thuần hậu ở lại với đất đai từ thuở ông bà.

Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem