Theo Báo cáo đánh giá mới nhất của Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được thực hiện bởi Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (GAHP) cấp nông hộ đến thời điểm này đã đem lại những hiệu quả khác biệt. Có thể nói đây là giải pháp hoàn hảo cho chăn nuôi quy mô nông hộ ở Việt Nam.
GAHP là viết tắt của cụm từ Tiếng Anh “Good Animal Husbandry Practice” có nghĩa là Thực hành sản xuất chăn nuôi tốt. Quy trình GAHP được thực hiện bởi Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (viết tắt là Lifsap) được áp dụng với các nông hộ chăn nuôi lợn và gà. Đây là điểm khác biệt đối với quy trình VietGAP được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành năm 2008 đối với các đối tượng vật nuôi khác nhau chủ yếu được áp dụng ở quy mô cấp trang trại.
Thông qua việc áp dụng quy trình GAHP, các sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu sản xuất như chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn, nước uống, thú y, chăm sóc, nuôi dưỡng, ghi chép, xuất bán sản phẩm… nhờ đó không những cộng đồng được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi “an toàn” mà các hộ chăn nuôi cũng nâng cao được hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Theo báo cáo mới nhất của Ban quản lý Dự án LIFSAP, đến tháng 10/2013,
các mô hình GAHP được triển khai trong 49 Vùng chăn nuôi ưu tiên với hơn
10.000 hộ chăn nuôi tham gia đang đem lại những hiệu quả kỹ thuật rất
đáng khích lệ: Tỷ lệ tiêm phòng vacxin đối với các bệnh thông thường tại
các Vùng chăn nuôi ưu tiên đạt trên 80%, đối với các hộ GAHP đạt trung
bình trên 90%; tỷ lệ lợn, gà mắc bệnh, chết đã bắt đầu giảm mạnh ở lứa
nuôi thứ 2 từ 13,7% xuống còn 1,06%. Có thể nói đây là tỷ lệ nuôi sống
lý tưởng đối với chăn nuôi ở cấp nông hộ.
Khoảng một thập niên qua,
dịch bệnh trong chăn nuôi xuất hiện nhiều hơn, lan rộng và nhanh hơn,
như dịch cúm gia cầm, heo tai xanh, lở mồm long móng… làm ngành chăn
nuôi không ít lần lúng túng, người chăn nuôi lao đao vì bị thiệt hại
kinh tế nặng nề, không còn khả năng tái đàn. Mặc dù công tác tiêm phòng
vắc xin là một trong những giải pháp tích cực, chủ động và có hiệu quả
nhất trong phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhưng vẫn chưa được
các hộ chăn nuôi thực hiện triệt để.
Các đợt tiêm phòng tập trung thường
đạt tỷ lệ chưa cao, tiêm phòng bổ sung hàng tháng lại càng thấp. Thế
nhưng kể từ khi áp dụng quy trình GAHP, tại 49 vùng chăn nuôi ưu tiên
chưa xảy ra bất kỳ đợt dịch nào mặc dù trong năm 2011, 2012 tình hình
dịch bệnh diễn biến rất phức tạp trên địa bàn 12 tỉnh dự án nói riêng và
cả nước nói chung. Đây là điểm sáng của dự án, thông qua công tác tuyên
truyền, vận động, ý thức của người chăn nuôi ở quy mô nông hộ đã được
thay đổi lớn về vấn đề tiêm phòng vacxin và áp dụng các biện pháp phòng
chống dịch bệnh.
Không chỉ thế, xét trên góc độ kinh tế, những hộ
chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP tiết kiệm về chi phí thức ăn hơn khoảng
3.000 đồng/kg hơi so với những hộ chăn nuôi không GAHP thông qua việc
sử dụng các loại thức ăn chất lượng cao, đúng chủng loại, giảm tiêu tốn
thức ăn.
Kết quả về tỷ suất lợi nhuận cho thấy hầu hết các hộ chăn nuôi
áp dụng quy trình GAHP đều thu được hiệu quả kinh tế lớn hơn 20%, trong
khi các hộ ngoài GAHP chỉ thu được hiệu quả kinh tế trung bình khoảng
8%. Hiện nay, Dự án đã và đang tiếp tục tạo mối liên kết trực tiếp giữa
các hộ chăn nuôi với các Tổ chức tín dụng để tiếp cận nguồn vốn vay với
lãi suất ưu đãi, liên kết với các Nhà cung cấp dịch vụ đầu vào như
giống, thức ăn, thuốc thú y để cung cấp các sản phẩm này với giá tốt
nhất không phải qua trung gian, các sàn giao dịch, siêu thị để tiêu thụ
các sản phẩm đầu ra thì hiệu quả kinh tế mà các hộ chăn nuôi thu được sẽ
tiếp tục được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.
Trong khoảng
thời gian cuối năm 2012, đầu năm 2013, đứng trước tình hình lạm phát
kinh tế, giá cả sản phẩm chăn nuôi rất bấp bênh, đã có nhiều hộ chăn
nuôi quyết định dừng sản xuất nhưng các hộ áp dụng quy trình GAHP vẫn
tiếp tục tái đàn, tăng quy mô chăn nuôi. Những sản phẩm chăn nuôi sạch
đầu tiên đã được đưa ra thị trường với hơn 174 triệu kg thịt lợn hơi và
gần 43 triệu kg thịt gà. Ở nước ta hiện nay, một người dân trung bình
tiêu thụ khoảng 48 kg thịt/năm, như vậy bước đầu đã có hơn 4,5 triệu
người dân đã được sử dụng các sản phẩm thịt lợn, gà sạch từ dự án. Đây
là kết quả bước đầu góp phần tham gia vào chuỗi giá trị lâu dài của dự
án cũng như chiến lược phát triển của ngành chăn nuôi trong cả nước.
Một
lợi ích nữa mà thông qua việc áp dụng quy trình GAHP các hộ chăn nuôi
đã đầu tư hệ thống xử lý môi trường phù hợp với quy mô chăn nuôi của
mình như hầm biogas, hầm ủ phân compost…góp phần bảo vệ môi trường, tiết
kiệm năng lượng thông qua việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm
khí phát thải nhà kính, nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình. Khí thải
tạo ra từ hầm Biogas được sử dụng để đun nấu đã tiết kiệm cho hộ chăn
nuôi của dự án trung bình khoảng 3,4 triệu/1 năm.
Như vậy, với quy
trình chăn nuôi GAHP nông hộ, khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi
được nâng cao thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm
chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và người tiêu dùng
lại có được các sản phẩm thịt sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây chính
là mục tiêu chiến lược mà Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đặt ra đối với
Ngành Chăn nuôi và Dự án LIFSAP đang quyết tâm góp phần thực hiện các
mục tiêu này.
P.V (P.V)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.