Áp dụng tiêu chuẩn WHO vào quản lý thuốc bảo hiểm y tế

Diệu Linh Thứ năm, ngày 04/06/2020 07:58 AM (GMT+7)
Ngày 2/6, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Khởi động hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực dược: "Gắn mã ATC và xác định liều DDD với thuốc kháng khuẩn".
Bình luận 0

Sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý

Theo đại diện Ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam), tại Việt Nam, chi phí thuốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với khoảng 35.000 tỷ đồng năm 2017; 39.600 tỷ đồng năm 2018 và 41.800 tỷ đồng năm 2019- tương ứng 34,9%, 35,9% và 35,55% chi khám chữa bệnh BHYT.

Quỹ BHYT thanh toán chi phí thuốc căn cứ danh mục, điều kiện và tỷ lệ thanh toán do Bộ Y tế quy định. Cơ sở y tế thực hiện mua sắm và cung ứng thuốc theo quy định của Luật Đấu thầu.

Hiện theo Thông tư 30, quy định danh sách thuốc do BHYT chi trả mới nhất có 1.030 thuốc hoạt chất và phối hợp, trong đó có 168 thuốc kháng sinh, tương ứng với hàng chục nghìn thuốc theo tên thương mại với hàm lượng, dạng bào chế khác nhau và cơ sở sản xuất khác nhau. Về tiêu thụ, thuốc kháng sinh chiếm tỷ trọng cao trong chi phí thuốc BHYT. Năm 2018, trong 50 thuốc chi trả BHYT lớn nhất, có 17 thuốc kháng sinh.

Áp dụng tiêu chuẩn WHO vào quản lý thuốc bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Gắn mã ATC với thuốc khánh sinh sẽ giúp thúc đẩy việc sử dụng thuốc hợp lý và hiệu quả. Ảnh minh họa Diệu Linh

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc kháng sinh vẫn còn nhiều bất cập như: Sử dụng chưa hợp lý; báo động tình trạng kháng thuốc kháng sinh dẫn đến phải sử dụng thuốc kháng sinh đắt hơn, thời gian điều trị dài hơn, dẫn đến chi phí điều trị cao, ảnh hưởng đến chi tiêu của quỹ BHYT cũng như phần người bệnh BHYT phải cùng chi trả, đặc biệt có nguy cơ không có thuốc điều trị.

Do vậy, cần phải có các công cụ để quản lý, giám sát tiêu thụ thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh. Từ đó, có các chính sách phù hợp để cải thiện tình trạng sử dụng thuốc trong bệnh viện, đảm bảo mục tiêu sử dụng hợp lý, giảm chi phí thuốc và đáp ứng tốt hơn cho người bệnh.

"Chi phí thuốc luôn chiếm tỷ trọng cao và là một trong những mối quan tâm của cơ quan BHXH, đảm bảo mục tiêu sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn. Trong đó, việc sử dụng và chi trả thuốc kháng sinh luôn là một thách thức trong quản lý, bên cạnh việc sử dụng và chi trả hợp lý, an toàn và hiệu quả, BHXH Việt Nam còn đồng hành với Bộ Y tế trong các chương trình kiểm soát chống kháng thuốc, bảo vệ quyền lợi cho người tham gia BHYT", ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận định.

Cần quản lý thuốc chặt chẽ hơn

Chính vì vậy, cần có các công cụ, chỉ số giúp cảnh báo, khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo mục tiêu trên.

"Việc phân loại ATC (mã ATC là một mã số đặt cho từng loại thuốc (theo tên chung quốc tế), được cấu tạo bởi 5 nhóm ký hiệu- PV) của WHO với 5 cấp độ cho phép quản lý thuốc được tốt hơn, khắc phục việc sử dụng mã thuốc (mã hoạt chất) như hiện tại. Việc xác định liều hàng ngày đối với thuốc kháng sinh là một công cụ để đánh giá thực trạng việc sử dụng thuốc kháng sinh tại các cơ sở y tế. Do đó, hoạt động gắn mã ATC và liều xác định trong ngày (DDD) cho thuốc kháng sinh được quỹ BHYT chi trả là một hoạt động cần thiết, hữu ích, góp phần quản lý thuốc hiệu quả", ông Sơn nhận định.

Theo ông Sơn, để hoạt động hiệu quả, BHXH Việt Nam đã thành lập nhóm nghiên cứu với sự tham gia của các cán bộ, chuyên gia về lĩnh vực dược của BHXH Việt Nam và sự phối hợp của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Vụ BHYT (Bộ Y tế), Trường Đại học Dược Hà Nội.

Đánh giá cao việc phối hợp giữa hai bên, ông Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, hoạt động gắn mã ATC đối với thuốc kháng sinh được quỹ BHYT chi trả là cần thiết. Điều đó sẽ góp phần giúp BHXH Việt Nam đưa ra được các quyết sách hiệu quả trong thanh toán BHYT.

Việc khởi động hoạt động này còn góp phần xây dựng những bước đầu tiên trong sử dụng thuốc kháng sinh nói riêng, tiến tới sử dụng thuốc một cách hợp lý và hiệu quả trong điều trị.

Cũng tại buổi làm việc ngày 2/6, BHXH Việt Nam cũng đã đề xuất WHO hỗ trợ triển khai nghiên cứu đánh giá thực hiện Luật BHYT từ năm 2015 đến nay, trong đó tiến hành xây dựng đề cương đánh giá; thu thập và phân tích số liệu thứ cấp; khảo sát tại địa phương; cung cấp kinh nghiệm quốc tế và thực hiện chính sách BHYT. Qua đó, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật BHYT và các các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả Luật BHYT. Đồng thời, BHXH Việt Nam mong muốn WHO hỗ trợ kỹ thuật đổi mới phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem