Bà Chu Thị Bình nêu 3 lý do yêu cầu Eximbank trả ngay 245 tỷ đồng

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 27/04/2018 06:30 AM (GMT+7)
Trước thềm đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB), dự kiến diễn ra vào sáng nay; tối ngày 26.4, bà Chu Thị Bình đã phát ra thông báo trình bày 3 lý do yêu cầu Eximbank phải trả ngay cho bà số tiền 245 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Bà Chu Thị Bình trình bày với báo chí về cách ứng xử của Eximbank với khách hàng (Ảnh: Quốc Hải)

Theo bà Chu Thị Bình, từ thực tế diễn biến quan hệ gửi/rút tiền tiết kiệm và thông tin từ kết quả điều tra vụ án, bà yêu cầu Eximbank phải thanh toán ngay số tiền 245 tỷ đồng bị mất trong tiền gửi tiết kiệm mà không phải chờ phán quyết của tòa án. 

Yêu cầu này dựa trên những căn cứ pháp lý và thực tế như sau: 

Thứ nhất, Eximbank trong quan hệ với bà Chu Thị Bình, là tổ chức tín dụng có chức năng nhận và bảo đảm an toàn tiền gửi tiết kiệm của khách hàng. Mặt khác, Eximbank được pháp luật cho phép nhận tiền gửi từ người dân để kinh doanh thì đồng thời có nghĩa vụ đảm bảo kiểm soát, tổ chức chặt chẽ, nhân sự quản lý có chất lượng quản trị theo tiêu chuẩn của một tổ chức tín dụng niêm yết, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ ngân hàng để đảm bảo an toàn tiền gửi và quyền lợi của Khách hàng.

“Tôi gửi tiền tiết kiệm tại Eximbank với mong muốn thông qua việc gửi tiền để nhận được lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Do đó, khi tiền bị rút ra khỏi tài khoản một cách bất hợp pháp, bất luận vì lý do gì Eximbank đều phải chịu trách nhiệm phải trả lại tiền ngay cho tôi. Eximbank phải thực hiện nghĩa vụ theo luật định, trả lại tiền gửi gốc và lãi cho tôi bởi cho đến thời điểm hiện nay, cả 3 thẻ tiết kiệm nói trên đều là bản gốc hiện do tôi nắm giữ, thể hiện toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm chưa bị rút”, bà Bình nêu. 

Thứ hai, ông Lê Nguyễn Hưng là một cán bộ làm việc tại Eximbank TP.HCM lâu năm, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Sở giao dịch 1 Eximbank TP.HCM, sau đó là Phó Giám đốc Eximbank TP.HCM và được phân công phụ trách tài khoản của một số khách hàng lớn, trong đó có tài khoản của bà Bình. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, ông Lê Nguyễn Hưng với sự tiếp tay của một số cán bộ Eximbank TP.HCM đã làm giả 2 Giấy ủy quyền dưới danh nghĩa của bà Bình ủy quyền cho Nguyễn Đăng Phong (ủy quyền rút 6 thẻ tiết kiệm) và Nguyễn Thị Hồng Lê (ủy quyền rút 25 thẻ tiết kiệm).

Bà Bình đã khẳng định trước Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn toàn không quen biết, không có bất cứ giao dịch hay thỏa thuận, ủy quyền cho những cá nhân trên làm bất cứ việc gì liên quan việc rút tiền trong các Thẻ tiết kiệm của bà Bình tại Eximbank TP.HCM.  

Theo bà Bình, việc tạo lập giả 02 Giấy ủy quyền nói trên của ông Lê Nguyễn Hưng và một số cán bộ Eximbank TP.HCM đã vi phạm Khoản 1, Điều 18, Quy chế về tiền gửi tiết kiệm (ban hành kèm theo quyết định số 1160/ 2004/QĐ-NHNN, được sửa đổi, bổ sung bởi quyết định số 47/2006/QĐ-NHNN ngày 25/9/2006 và Thông tư số 14/2017/TT-NHNN ngày 29/9/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Với sự tiếp tay của một số cán bộ Eximbank, việc giả mạo Giấy ủy quyền này còn trái với Khoản 2, điều 16, Quyết định ban hành quy chế tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank Việt Nam số 5356/2014/EIB/QĐ-HĐQT ngày 08/09/2014 của Hội đồng quản trị Eximbank Việt Nam quy định thủ tục ủy quyền tiền gửi tiết kiệm. Theo đó, khi ký giấy ủy quyền do nhân viên Eximbank tự lập mà hoàn toàn không có mặt của người ủy quyền là bà Bình và người nhận ủy quyền là bà Lê, ông Phong tại Eximbank theo quy định; cũng như không trực tiếp kiểm tra các giấy tờ nhân thân của người được ủy quyền và người ủy quyền. Do đó, giao dịch ủy quyền này không có giá trị pháp lý và việc rút tiền, chiếm đoạt tiền được thực hiện bởi các nhân viên của Eximbank TP.HCM nên Eximbank phải chịu trách nhiệm trả lại số tiền gửi tiết kiệm trên 245 tỷ đồng (chưa kể lãi) cho bà Bình. 

Ngoài ra, các nhân viên của Eximbank TP.HCM cũng đã vi phạm quy định tại Điều 11 và Điều 15 Quy chế tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 1160/2004/QĐ-NHNN khi thực hiện việc rút tiền và chuyển tiền ra khỏi Thẻ tiết kiệm mà không có thẻ tiết kiệm gốc do chủ sở hữu thẻ xuất trình, vì rõ ràng, bản gốc 3 Thẻ tiết kiệm mà bà Bình đang nắm giữ không ghi nhận bất kỳ giao dịch rút tiền nào mà hệ thống Eximbank đã ghi nhận. Thêm vào đó, các nhân viên của Eximbank còn vi phạm trong việc sử dụng tài khoản tiết kiệm khi vẫn cho phép thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản tiết kiệm của bà Bình sang tài khoản của người khác không phải của bà Bình (cụ thể là tài khoản của bà Lê và Huân). Điều này hoàn toàn trái với quy định về việc sử dụng tài khoản tiền gửi tiết kiệm nêu trên.  

Thứ ba, Eximbank phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền gửi tiết kiệm khi đến hạn cho khách hàng gửi tiền theo quy định của pháp luật, quy chế của Ngân hàng Nhà nước cũng như Điều lệ hoạt động của Eximbank. Việc thực hiện nghĩa vụ không bị miễn trừ và không liên quan đến rủi ro của Eximbank trong việc quản lý, sử dụng tiền gửi.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 464 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật Dân sự 2015, sau khi nhận tiền gửi, Eximbank sẽ trở thành chủ sở hữu của số tiền đó và phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng cũng như mất mát, rủi ro của số tiền, nên Eximbank phải có nghĩa vụ hoàn trả tiền gửi cho bà Bình. Rõ ràng, khách hàng gửi tiền không thể và không có nghĩa vụ phải chịu các rủi ro như tiền bị mất cắp, bị chiếm đoạt hay thua lỗ bởi sau khi Eximbank nhận tiền thì phải chịu toàn bộ trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng tiền.  

Đồng thời, căn cứ khoản 1 Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 và Khoản 2 Điều 67 Điều lệ của Eximbank, khi nhân viên của Eximbank thực hiện nhiệm vụ được Eximbank giao mà gây thiệt hại cho bên thứ 3, Eximbank phải chịu trách nhiệm về hành vi của nhân viên Eximbank, bao gồm hành vi của ông Lê Nguyễn Hưng và các nhân viên khác, đối với khách hàng và với bên thứ ba. Rõ ràng, Eximbank không thể buộc bà Bình là khách hàng gửi tiền phải chịu trách nhiệm về hành vi lừa đảo, sử dụng giấy tờ giả mạo để rút và chiếm đoạt tiền của ông Lê Nguyễn Hưng hay các hành vi tiếp tay của nhân viên Eximbank khi làm sai quy trình, thủ tục để tạo điều kiện cho Hưng sử dụng giấy tờ giả và rút tiền được.

Đó chính là 3 lý do bà Chu Thị Bình yêu cầu Eximbank phải trả ngay số tiền gốc trên 245 tỷ đồng, do Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C44) đã xác định Eximbank là người bị hại, bà Chu Thị Bình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Quyết định khởi tố vụ án số 07 ngày 4/12/2017; đồng thời, thông báo yêu cầu Eximbank thực hiện trách nhiệm của Ngân hàng đối với Khách hàng theo quy định của pháp luật. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem