Bài ca “được mùa mất giá” hát đi hát lại dù không được cấp phép!

Thứ sáu, ngày 09/06/2017 17:44 PM (GMT+7)
Diễn tả một cách ví von, hình ảnh về những bất cập trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói: “Bài ca ‘được mùa mất giá, được giá mất mùa’ đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép”.
Bình luận 0

img

Cà chua Lâm Đồng từng lâm cảnh rớt giá thảm hại, chỉ còn từ 400 - 1.500 đồng/kg lại không bán được nên bà con đành đổ bỏ ra đường. Ảnh: T.L

Sự can thiệp của Nhà nước còn chậm

Phát biểu về nội dung phát triển kinh tế xã hội, trong đó nhấn mạnh đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Đoàn Văn Việt (Lâm Đồng) đánh giá, mô hình tăng trưởng nông nghiệp hiện nay đang bộc lộ nhiều điều đáng lo ngại về chất lượng và giá trị của hàng nông sản.

“Cử tri, nhất là nông dân vẫn đang rất lo lắng trước thực trạng sản lượng cao, dẫn đến nguồn cung dư thừa và điệp khúc buồn ‘được mùa rớt giá’ luôn lặp đi, lặp lại”, vị đại biểu phản ánh.

Theo ông, trong thời gian qua, các biện pháp tình thế, giải cứu hàng nông sản lại được đặt ra nhưng chưa thể làm yên lòng bà con nông dân, như những sự việc liên quan tới thịt heo, dưa hấu, chuối. Như ở Lâm Đồng, người trồng cà chua cũng có lúc phải bỏ cà chua chín rục trên cây vì giá cả quá thấp.

Ngược lại, có một số nông sản khác được giá xong mất mùa do tình trạng sâu bệnh hoành hành và không kịp thời giải quyết, khắc phục. Ví dụ, trong tháng 4/2017, tỉnh Lâm Đồng và một số các tỉnh lân cận, riêng Lâm Đồng có đến 11.000/14.000 hecta cây điều là năng suất không đạt được và do dịch bọ xít, muỗi hoành hành và gần như thất thu trắng.

img

Theo đại biểu Đoàn Văn Việt, các biện pháp tình thế, giải cứu hàng nông sản lại được đặt ra nhưng chưa thể làm yên lòng bà con nông dân.

Tình trạng trên có phần do đa số bà con nông dân sản xuất quy mô nhỏ lẻ, tự phát không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch của nước ta còn nhiều hạn chế dẫn đến giá trị nông sản thấp thu nhập của một bộ phận nông dân chủ yếu vẫn là lấy công làm lời.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) trăn trở: “Cử tri khá bức xúc với kiến nghị đã được đề cập tại nhiều lần của kỳ họp nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, như tình trạng giá cả vật tư nông nghiệp không ổn định, kém chất lượng, vẫn còn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng tồn tại trên thị trường, gây thiệt hại cho nông dân”.

Theo đại biểu, tình trạng được mùa mất giá và sản phẩm ế thừa không tiêu thụ được đã làm cho người nông dân gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giá lợn hơi năm nay rớt giá kỷ lục, trong khi đó giá thịt lợn trên thị trường lại không giảm, hoặc có giảm nhưng không đáng kể nên người nuôi thua lỗ nặng.

“Cử tri cho rằng, sự quản lý can thiệp của Nhà nước trong việc tiết giảm chi phí trung gian và sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán thịt heo trên thị trường còn rất chậm”, bà Ry phản ánh.

Phải "doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp"

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì không khỏi bức xúc khi cho rằng, đa số nông dân vẫn chật vật lo toan với nhiều nỗi gian truân. “Bài ca ‘được mùa mất giá, được giá mất mùa’ đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép”.

img

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt câu hỏi: Ai là người được lợi trước cảnh được mùa mất giá?

Nêu hiện trạng “thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ”, ông Cương cho biết đang chứng kiến nỗi đau của người chăn nuôi, nhưng đáng tiếc là trong báo cáo của Chính phủ không đánh giá cụ thể về việc này.

Vị đại biểu đặt câu hỏi: “Hiện nay giá thịt lợn trong siêu thị gấp 3 - 4 lần thì có được coi đó là do bị thao túng giá? Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu? Ai là người được lợi trước cảnh được mùa mất giá?”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về thiệt hại và hậu quả rất lớn này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) cho rằng, để khắc phục tình trạng này, nông nghiệp công nghệ cao là một yêu cầu tất yếu mà theo hướng đi này cần có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế và phải có vốn.

Cùng quan điểm, đại biểu Đoàn Văn Việt cũng góp ý, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ và cụ thể hơn nữa để hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, phải tạo bước chuyển biến trong sản xuất và kinh doanh nông sản như ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, nông nghiệp đã từng đề xuất: “doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp”.

Nội dung này, chính sách này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết trung ương 5 khóa XII vừa qua để phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có các chính sách hỗ trợ nông nghiệp để khởi nghiệp, hỗ trợ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt phải có cơ chế để phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

“Chúng tôi nghĩ rằng đây là khâu quan trọng để chúng ta giải quyết bài toán về giá trị hàng nông sản, một trong những giải pháp căn cơ để giải quyết bài toán được mùa mất giá mà chúng ta thường gặp trong thời gian vừa qua”, ông Việt nhấn mạnh.

Bích Diệp (Dân Trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem