Bài dự thi Tết đoàn viên: Sum vầy quanh bữa cơm quê

Nguyễn Thành Phong Thứ ba, ngày 31/01/2023 10:03 AM (GMT+7)
Làng bây giờ của thời mới rồi, chẳng còn xa ngái như ngày xưa nữa. Những lũy tre xanh um, cái chỉ dấu làng xưa đã mất đi nhiều, giờ chỉ còn mờ mờ trong tâm tưởng.
Bình luận 0
Bài dự thi Tết đoàn viên: Xum vầy quanh bữa cơm quê - Ảnh 1.

Cơm quê. Ảnh: ST

Nhưng làng vẫn là làng, vẫn còn nhiều chỉ dấu khác, vẫn là nơi tôi thường trở về, là nơi gắn bó trong tâm tưởng, là nguồn cảm xúc mới mẻ, khi thấy vơi cạn thì về tiếp lấy, rồi lại tiếp tục ra đi, hòa vào lớn rộng.

Về làng, tôi thường thích thú khi được ngồi cùng mọi người ăn bữa cơm quê. Bữa cơm với những món ăn làm từ những nguồn nguyên liệu không hề xa lạ, nhưng với không gian riêng, với cách chế biến và phối hợp riêng mà thành đặc sắc, chẳng ở đâu có được như vậy.

Trai làng tôi ai cũng biết nấu ăn và làm món rất ngon. Bữa cơm ngày thường là do đàn bà nấu, nhưng mỗi khi chuẩn bị cỗ bàn đánh chén hay đãi khách thì đàn ông là người soạn sửa và nấu chính, các bà các chị lui xuống hàng sau, chỉ là người phụ giúp. Món ăn ở bữa cỗ cơm làng cũng chẳng mấy cầu kỳ. Có món thì làng nào ở quê tôi cũng có, lại có món chỉ riêng là của làng tôi, đi khắp nơi chưa bao giờ thấy, dù nhang nhác giống...

Đã biết bao nhiêu chuyến đi đi về về làng, có nhiều bận kéo theo khách, người sang danh nổi như cồn cũng có, còn đa số chỉ là bạn hữu thân quý của mình. Thế rồi, tôi nhận thấy, không phải dễ đâu mà đã có được một làng quê chôn rau cắt rốn gần gũi như thế này. Mảnh đất nơi mình đang ngồi đây đã có lịch sử khai khẩn qua hàng ngàn năm rồi. Mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu nóng của của biết bao nhiêu thế hệ, đã rỏ xuống để làm nên thành quả cho mình hưởng hôm nay.

Làng có chiều sâu hàng ngàn năm thì bữa cơm quê giản dị trước mặt mọi người đang sum vầy đây cũng có chiều sâu như thế. Mâm cơm này là làm từ những sản vật từ ngày lập làng đã có, vẫn đầy sẵn ra đấy, chỉ qua tay mấy trai làng chế biến, là thành miếng ngon, đã truyền qua bao nhiêu thời gian.

Bài dự thi Tết đoàn viên: Xum vầy quanh bữa cơm quê - Ảnh 2.

Cơm quê nhà. Ảnh: ST

Vừa ăn cơm quê lại vừa nói được chuyện lịch sử lập nên làng thôn của mình qua những món ăn trên mâm. Món chạch ruộng béo bùi om với củ chuối non thái sợi trắng ngần thơm mùi mẻ. Món cá rô, cá giếc láu tháu kho nồi đất nung có thêm mấy lát riềng non, vài quả chay chua đậm đà, thơm nục, ăn vào tan cả vây xương. Ngay cả con gà choai choai luộc lên chỉ bày đầy một đĩa, còn lòng với tiết thì để ra mà xào thân cây chuối non. Món lá rau diếp bánh tẻ thái sợi nhỏ, rửa mấy lần qua nước mưa, thêm các loại rau thơm, mùi tàu nhặt quanh vườn, ăn với cà chua chưng tóp mỡ… Tất cả những món ấy, là đều đã có ngay từ ngày mới lập làng, mang đầy những dấu ấn của thời gian khó còn đồng hành đến tận thời hiện đại hôm nay mà vẫn không mất đi hương vị và sự hấp dẫn truyền đời…

Còn một món chỉ ở làng tôi có. Tôi đã đi ăn mòn bát thiên hạ, chưa thấy ở đâu có cả. Làng tôi gọi đó là món gỏi sụn, cũng có người gọi là món nộm lòng. Tôi đặt tên mới cho nó, gọi là món "Gỏi lòng Phú La". Tất cả các bộ phận của bộ lòng con lợn, thêm sụn, thêm tai, luộc chín lên rồi thái nhỏ biến, trộn bóp với các loại rau thơm, mắm tôm, chanh ớt, thêm chút lá tỏi tươi thái nhỏ, là thành. Gỏi lòng Phú La bày đĩa, dùng miếng bánh đa vừng nướng xúc lấy mà ăn, thêm hớp rượu quê nút lá chuối, là ngon không tả xiết. Có mấy nhà văn tiếng tăm đã đến làng tôi, được ăn món này, đều thốt lên đầy thán phục: "Tuyệt! Tuyệt! Cũng chỉ là từ bộ lòng con lợn thôi, vậy chế biến, gia giảm làm sao đó mà trở nên thần kỳ, đầy hương vị như vậy chứ!".

Tôi mới thư thả kể rằng, món gỏi lòng Phú La này có từ thời tướng quân Nguyễn Phục được triều đình cử mang mười vạn quân đến vùng Thái Bình luyện tập binh mã, kêu gọi dân chúng tích góp quân lương để đánh quân xâm lược phương Bắc đang theo đường biển kéo vào. Nhân dân cả vùng, trong đó có làng tôi, đã góp gần hết trai đinh, lương thảo tham gia đánh giặc ngoại xâm. Giặc chạy rồi, làng đón trai tráng trở về trong cảnh nghèo xác nghèo xơ. Cả làng mổ một con lợn nhỏ để ăn cùng chung vui chiến thắng. Con lợn nhỏ tí, nên người ta đã nghĩ ra cách thái nhỏ biến tất cả rồi trộn đều nắm lại chia cho mỗi nhà một nắm, gọi là ăn cỗ làng chung, để ai cũng cảm thấy mình được ăn đều chia sòng trong ngày vui chiến thắng. Không ngờ thế mà thành món ngon đặc biệt. Từ sau đó cứ thế mà làm theo, thành ra miếng ngon riêng của làng tôi, mỗi khi mổ lợn làm cỗ là không thể thiếu.

Ăn bữa cơm làng mà ngẫm ra, mà thấm thía những câu chuyện dọc dài lịch sử thăng trầm của làng của nước như thế, thì sẽ thấy như là được tiếp thêm những xúc cảm. Rồi mai đây, con cháu chúng ta lớn lên, chúng còn tung cánh bay xa, đi đến khắp nơi trên thế giới. Nếu có dịp trở lại làng, chúng lại được sum vầy quanh những bữa cơm quê như thế này thì đấy chính là cách chúng thấm lấy lịch sử, gốc tích của làng, của cha ông mình, để giữ mãi mối dây gắn bó, để càng mạnh bước hội nhập mà không lo lắng là sẽ bị hòa tan…

Xuân Quý Mão, 2023

Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.

Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.

Thông tin thêm về thể lệ cuộc thi tại đây.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem