Tết Nguyên Đán đã in sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt bởi: Dù đi xa đến đâu, Tết đến, ai ai cũng muốn trở về bên những người thân thương nhất, nơi có bóng mẹ cặm cụi gói bánh chưng cùng tiếng em thơ reo hò, xúng xính trong tấm áo mới. Hạnh phúc của ngày tết đơn giản là thế mà thôi. Chính sự hạnh phúc ấy mà có một ngày… những công việc đang dang dở phải tạm ngưng, những chuyến xe trở nên vui hơn, những người dân chen lấn bên những chiếc ghế ngồi, tất cả đều chờ đợi để trở về bên người thân của họ để tận hưởng sự ấm áp bên gia đình.Đặc biệt hơn, Tết Nguyên Đán chính là thời điểm linh thiêng, đánh dấu sự khởi đầu cho một năm mới khi nàng tiên Xuân với cây đũa thần trong tay để ban nhựa sống giúp vạn vật sinh sôi. Trong tâm trí người Việt, Tết luôn là những hình ảnh vui tươi, quây quần đầy màu sắc.
Từ xa xưa, xin chữ đã là món quà tinh thần mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho mong ước về một năm mới bình an, tốt đẹp. Tuy nhiên, khi thời thế đổi thay cùng với sự phát triển hội nhập của đất nước, văn hóa này đã ngày càng mai một và biến tướng. Tôi nhớ ngày học lớp 9 khi được phân tích hình ảnh ông đồ trong tác phẩm cùng tên của nhà thơ Vũ Đình Liên. Khi Nho học còn phát triển, ông đồ giữ vị trí "trung tâm", được mọi người kính nể, xin chữ để treo trong nhà. Đây là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của nhân dân từ lâu đời. Nhưng khi nền Hán học suy tàn, ông đồ bị đẩy ra vị trí ngoại diên, đứng bên lề của cuộc đời. Mọi người không còn xin chữ của ông nữa. Ông đồ đã bị lùi vào dĩ vãng, bị màn mưa bụi giăng mắc kia phủ mờ, bị lãng quên... Bài thơ khép lại bằng những hình ảnh, câu thơ mang nặng nỗi buồn tha thiết của tác giả Vũ Đình Liên bằng câu hỏi tu từ.
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Tết năm nay có lẽ già hơn, chiêm nghiệm thấy dòng thời gian bất tận, mọi thứ sẽ lùi vào dĩ vãng mịt mờ,tôi thấy tiếc nuối những vẻ đẹp "tài hoa", "vang bóng một thời" dần bị lãng quên.
Năm nay trước Tết, tôi được bạn bè rủ thăm gia Hội chữ Xuân Quý Mão 2023 khai mạc sáng ngày 15/1 (ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần) tại Hồ Văn, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Với chủ đề "Sư đạo tôn nghiêm", Hội chữ Xuân tôn vinh truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu nghĩa, hiếu học, trọng thầy, trọng chữ của người dân Thủ đô...Nhưng vì nhiều lý do tôi không đến được. Dặn lòng về quê ăn Tết sẽ lên Hà Nội để tham gia Hội chữ Xuân Quý Mão 2023. Bước vào không gian giáo dục thi cử truyền thống khi xưa, hòa cùng dòng người xin chữ du xuân đầu năm, tôi có những cảm xúc khác nhau. Đó là niềm vui khi thấy nét đẹp truyền thống được lưu truyền và phát huy, xen lẫn lại niềm tự hào về truyền thống hiếu học có từ ngàn xưa, hòa lẫn sự tươi vui khi thấy nụ cười của các bạn nhỏ. Được sự kết nối của một người bạn, tôi được gặp Thầy đồ Nguyễn Duy Đức, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Tâm Bút. Được thầy tặng chữ "Tâm". Thầy chia sẻ: "Cho chữ, xin chữ là truyền thống từ ngàn xưa, ông cha chúng ta vẫn có một cái tục lệ là đi xin chữ đầu năm để cầu cho sự may mắn, cầu cho ý nguyện của người xin chữ được thành công trong cuộc sống và còn đem lại niềm vui đem lại an lạc cho con người. Xin chữ này là hầu như ai cũng muốn và họ rất chú trọng việc này trong những dịp đầu năm mới".
Nhìn các bạn nhỏ được bố mẹ đưa đến Văn Miếu xin chữ, tôi nghĩ còn nhiều học sinh vì lý do khác nhau không đến được, với mong muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa trường tồn xa xưa, tôi lên kế hoạch cho học sinh Tiểu học nơi mình đang giảng dạy tại trường Tiểu học Archimedes, bằng việc mời thầy hướng dẫn học sinh viết thư pháp. Sáng mùng 9, ngày buổi đầu khai xuân đầu năm, tôi và thầy Sơn - một thầy viết chữ thư pháp đến lớp hướng dẫn các em học sinh về cách cầm bút, cách đặt bút viết chữ thế nào cho đẹp cho có hồn. Thầy hướng dẫn thế nào là thư pháp, cách cách viết thư pháp. Những đôi mắt ngây thơ rạng rỡ thích thú nhìn theo từng nét chữ không giấu nổi sự tò mò. Những bàn tay bé con run run cầm cây bút, hồi hộp viết những nét chữ trên giấy, chữ tiềng ồ, à xen tiếng cười giòn tan làm sắc xuân thêm thắm thêm hồng. Những sản phẩm đầu tay con nghuệch ngoạch chưa thành hình nhưng những kỉ niệm đẹp về buổi đầu khai xuân sẽ in sâu trong tâm trí mỗi bạn học sinh.Nhìn học sinh, tôi thêm yêu nét đẹp truyền thống.
Tôi biết, bánh xe thời gian cứ lặng lẽ quay, hoa đào kia vẫn nở mỗi dịp tết đến xuân về. Một năm mới lại đến, những thầy đồ lặng lẽ giữa lòng Hà Nội giữ gìn những nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa cũng mong mỗi chúng ta có thể bớt chút thời gian trong guồng quay cuộc sống để nâng niu gìn giữ nét đẹp xin chữ đầu năm, giúp văn hóa xin chữ sẽ mãi trường tồn, vượt qua tất cả giới hạn của thời gian, không gian và phát huy theo đúng ý nghĩa nhân văn của phong tục lâu đời.
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.