Bài dự thi Tết đoàn viên: Về gian bếp cũ ngửi mùi nhà quê, ăn bữa cơm quê mùa mẹ nấu
Bài dự thi Tết đoàn viên: Về gian bếp cũ ngửi mùi nhà quê, ăn bữa cơm quê mùa mẹ nấu
Dũ Tuấn
Thứ năm, ngày 02/02/2023 13:00 PM (GMT+7)
Gian bếp cũ mềm trống huơ trống hoác, thiếu trước hụt sau, nó không sang trọng, bóng bẩy mà ngược lại rất chật hẹp, nghèo nàn… nhưng đấy là nơi chất chứa cả miền ký ức vô giá.
Những bữa cơm độn khoai sắn, nồi cá rô đồng kho đến cháy xém, rồi mùi khói rơm, vị nước cơm… tất cả hoà quyện, nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ nhà nông như tôi.
Chuyến xe đêm 30 Tết, chật ních dòng người tha hương vội vã, khắc khoải… cầm trên tay tấm vé cuối cùng, về quê đón Tết.
Tôi sinh ra ở miền quê nghèo vùng đông huyện Thăng Bình, Quảng Nam, mảnh đất được bao bọc bởi dòng sông Trường Giang hiền hoà, uốn lượn. Trong thời khắc gian khổ, dòng sông vỗ về, cưu mang biết bao phận người khó nhọc, cần lao.
Bỏ lại sau lưng cuộc mưu sinh đầy chật vật nơi xứ người, chuyến xe cuối ngày đưa tôi về nơi chôn rau cắt rốn với đầy ắp hoài niệm, nơi đó có người thân, gia đình, bạn hữu và cả những con người tôi mang ơn, trân quý.
30 Tết, mẹ tôi vẫn ngồi đấy co ro trong thời tiết giá lạnh, miệt mài bên lò mì Quảng truyền thống, bà là người phụ nữ đúng kiểu thôn quê, cả cuộc đời tần tảo hy sinh, chịu thương chịu khó, dáng dấp gầy rộc, bàn tay gân guốc vì công việc cực nhọc, vất vả.
Là người giản dị, quen thuộc với cuộc sống khốn khó ở quê nên Tết với mẹ đơn giản chỉ là khoảnh khắc hạnh phúc nhìn con cháu, quay về nhà đoàn viên.
Bà lắc đầu từ chối sắm sửa quà cáp, tiệc tùng hay tất bật làm đẹp cho bản thân đón Tết, mà chỉ muốn bình dị quây quần bên con cháu ngày cuối năm. Mẹ trầm ngâm thấu hiểu nỗi khổ sở, vất vả của con đã trải qua trong cuộc sống mưu sinh, cùng ôn lại câu chuyện cũ và cầu nguyện điều may mắn, an yên cho năm mới.
Tôi học ở mẹ đức tính đơn giản nhất có thể, sinh ra từ những luống rau, thửa ruộng chất chứa đầy giọt mồ hôi vất vả của cha, lớn lên nhờ những bữa cơm quê mùa do chính bàn tay gân guốc mẹ nấu…, vậy nên mùi vị nhà quê luôn quyện trong từng hơi thở, thớ thịt của chính tôi.
Tuổi thơ trải qua nhiều mùa giáp hạt thiếu đói, ngôi nhà tôi thời gian khổ không có tiền để xây xi măng tô vữa, thiếu thốn đến mức cha tôi cùng họ hàng phải tìm cây xâu gạch, làm tường nhà bằng đất thịt, lợp tranh lá tạm bợ, để gia đình có chỗ nương náu, ẩn nấp mưu sinh.
Mùa mưa lớn, cả gia đình tôi bị đánh thức giữa đêm khuya bởi những trận dột, nước mưa thấm qua mái rơi lộp độp xuống nền, cha mẹ tôi phải đi tìm xô, thau hứng nước dột để nước khỏi loang lổ ra mặt sàn.
Tôi nhớ da diết mùi khói lam lan toả trên mái tranh nghèo khi trời chập choạng tối, tiếng nồi cơm đang nấu sôi sùng sục, tuôn trào trên bếp lửa. Bố mẹ tôi quần áo lấm lem rời đồng ruộng quay về nhà, tất cả các thành viên hối hả chuẩn bị giờ sum họp cuối ngày, để quên đi một ngày lao động vất vả, cố gắng.
Gian bếp cũ liêu xiêu, mẹ tôi nấu cơm bằng than củi và lá dương liễu, nhà đông con thường xuyên thiếu gạo nên bữa cơm lúc nào cũng được độn thêm khoai sắn, vị bùi bùi của khoai sắn kèm với vị ngọt của cơm gạo quê, là món ngon không lẫn đi đâu được.
Cơm mẹ nấu bằng xoong gang nên mùi vị rất thơm, tôi khoái khẩu với món nước cơm, nếu không muốn nói là "nghiện", khi lửa đến độ chín gạo nở ra, nồi cơm sôi sùng sục, nước được chắt ra tô có màu đục trắng giống sữa, thơm đầy mùi gạo khiến những đứa trẻ như tôi, ai cũng thèm thuồng.
Sau khi để nguội, bỏ vài hạt muối hột mẹ đã rang sẵn, thì có thể dùng ngon lành, như loại nước uống thượng hạng.
Gian bếp cũ là nơi cảm nhận rõ nhất về mùi vị của cuộc sống nhà quê, những mảng tường bong tróc loang lổ, rổ chén bát sành bị sứt mẻ, vật dụng xưa cũ… tất cả đều chất chứa, gói gọn trong miền ký ức.
Bữa cơm quê mùa với cá rô đồng kho cháy xém, đậu bắp luộc, canh chua gai xương rồng, lá mồng tơi, rau diếp cá trong vườn nhà… do chính bàn tay mẹ nấu, nó khác biệt và ngon vô vàn, so với những món ăn mà tôi từng nếm qua.
Gã trai với cá tính bụi bặm như tôi rất khó để rung động, nhưng đặt chân đến gian bếp cũ của mẹ, mọi ký ức tuổi thơ ùa về nhanh đến bất chợt. Từ xúc giác, vị giác, khứu giác… đều có thể cảm nhận rõ mồn một, tất cả kỷ niệm thân thương thời khốn khó, giây phút đoàn viên hạnh phúc gia đình, như đang chảy trong dòng máu của chính con người tôi.
Tôi loay hoay trong gian bếp cũ của mẹ để thoả thích tận hưởng mùi vị nồng nàn nhà quê, cái mùi riêng biệt mà ở nơi tất bật xô bồ, phố thị xa hoa nơi xứ người, không thể nào có được. Ở gian bếp cũ, ký ức quê hương, cảm xúc tình thân quây quần… đầm ấm, mến thương đến vô ngần.
Nó được gầy dựng, vun vắn bởi bàn tay thô kệch của cha tôi, bởi lòng vị tha của mẹ tôi và trên cả là tình yêu, sự hy sinh vất vả… mà những đứa con như chúng tôi, chưa bao giờ cảm nhận hết được.
Mẹ tôi đã đi qua hơn sáu mươi mùa xuân với biết bao gian truân, thăng trầm, buồn vui, tủi cực của cuộc đời, ở đó cha tôi - người đàn ông vững chãi vẫn ở cạnh mẹ, bảo vệ bà như một sứ mệnh đặc biệt. Sóng gió bất chợt kéo đến bởi sự nghèo khó, gian khổ… nhưng cha mẹ tôi vẫn thuỷ chung, son sắt cạnh nhau.
Từ hồi thanh xuân cho đến khi già đi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ dành thời gian cho niềm vui riêng của mình mà dành hết sức lực, lo lắng nuôi dưỡng chúng tôi.
Cái bóng dáng gầy gò của người mẹ hiền hoà, gắn liền với từng góc bếp, chân kiềng, xoong gang và cả đàn con líu nhíu bám lấy chân, làm nũng đòi mẹ vỗ về.
Bà ngoại tôi vừa mới mất hồi năm ngoái sau thời gian dài chịu đựng đau đớn bệnh tật, cụ đi khi chỉ còn tầm mươi ngày nữa là Tết Nguyên đán.
Ngoại mất khiến không khí gia đình ảm đạm, xót xa đến nao lòng, từ đó mẹ tôi cũng ít cười và bắt đầu lo âu, mặt bà xuất hiện đầy nếp nhăn, nỗi buồn ngày càng nhiều, in hằn trên hốc mắt.
Thời khắc đêm giao thừa, ngồi bên gian bếp cũ, ăn bữa cơm quê mùa mẹ nấu, hương vị thơm ngon vẫn vậy, giống hệt với ngày xưa cũ.
Phận con nghèo tha phương cầu thực, cầm chén cơm cuối năm trên tay, nhìn bóng dáng mẹ gầy gò, tuổi tác, thời gian, bệnh tật đã làm thân xác bà ngày càng rệu rã, xanh xao khiến sống mũi đứa con như tôi cay cay, dòng nước mắt chực chờ, cơm hôm nay vẫn vị ngày xưa, nhưng sao mặn chát!
Nhằm tạo cơ hội cho những người con từng phải đón Tết xa quê vì dịch bệnh, vì công cuộc mưu sinh… trải lòng về những cảm xúc, tâm tư, nỗi niềm được đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Quý Mão và cả những câu chuyện mình trải qua hoặc chứng kiến về Tết đoàn viên, báo điện tử Dân Việt tổ chức cuộc thi viết "Tết đoàn viên". Với cuộc thi này, Ban Tổ chức sẽ nhận tất cả các bài viết thuộc các thể loại: phản ánh, ghi chép, bút ký, tản mạn chưa đăng tải trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, có kèm hình ảnh, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email banvhxh.ntnn@gmail.com trong thời gian 13 ngày, từ ngày 18/1 (tức 27 Tết) tới hết ngày 31/1 (tức mồng 10 Tết Nguyên đán Quý Mão), điện thoại liên hệ: 0979270846. Các bài viết có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.
Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Tết đoàn viên" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, số CMT hoặc CCCD, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng. Trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất.
Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.