Bán sức khỏe cho cuộc mưu sinh

Thứ ba, ngày 11/12/2012 10:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vất vả, nguy cơ tai nạn rình rập... là thực tế của nghề đóng gạch táp lô, nhưng nhiều phụ nữ ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) chấp nhận bán sức khỏe để mưu sinh.
Bình luận 0

Lương rẻ mạt, việc hiểm nguy

Đoạn đường thuộc địa bàn xã Hoa Sơn và Tường Sơn (huyện Anh Sơn) được xem là nơi tập trung nhiều nhất các xưởng chuyên sản xuất gạch táp lô, với khoảng 20 cơ sở. Ghé vào cơ sở sản suất gạch của anh Nguyễn Hữu Hòa, xóm 1, xã Hoa Sơn, chúng tôi thấy có đến 7 phụ nữ làm nghề đóng gạch.

img
Những người phụ nữ với công việc đóng gạch táp lô.

Theo anh Hòa, sở dĩ anh và nhiều chủ xưởng sản xuất gạch khác chủ yếu thuê lao động nữ vì chị em cần cù, chịu khó, làm việc đều đặn hơn đàn ông. Hơn nữa, giá nhân công trả cho phụ nữ cũng rẻ hơn. “Phụ nữ ở đây rất chịu khó, làm được việc, ngày nào cũng đều đặn cho ra cả mấy ngàn viên gạch. Tôi rất hài lòng khi thuê chị em làm việc…” – anh Hòa tỏ vẻ mãn nguyện.

Tới gần chục xưởng sản xuất gạch tìm hiểu, chúng tôi thấy hầu hết môi trường làm việc ở đây đều ô nhiễm, độ ồn cao và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, vậy mà hầu hết các chị em ở đây vẫn hàng ngày, hàng giờ cần mẫn với công việc…

Chị Nguyễn Thị Hồng ở xã Tường Sơn – người có thâm niên 3 năm làm nghề đóng gạch tâm sự với giọng buông xuôi: “Vẫn biết làm việc này lâu ngày sớm muộn gì cũng mắc bệnh, nhưng đành phải chấp nhận thôi. Bệnh có đến thì cũng đến từ từ, còn giờ không làm thì chỉ có chết đói”. Cũng theo chị Hồng, làm việc nặng nhọc, trong môi trường đầy khói bụi thế này, chị và các đồng nghiệp thường xuyên đau ốm, bệnh tật, nhiều khi tiền công không đủ tiền thuốc.

Cần có sự hỗ trợ

Làm việc nặng nhọc, trong môi trường đầy khói bụi, nhưng họ là những lao động tự do nên không được đóng bảo hiểm, không có dụng cụ bảo hộ lao động, mỗi khi ốm đau, tai nạn họ phải hoàn toàn gánh chịu… Hầu hết công việc đóng gạch ở đây đều được các chủ xưởng thuê khoán theo sản phẩm, với giá mỗi viên gạch là 130 đồng. Chị Thu ở xóm 1, xã Hoa Sơn cho biết: “Chúng tôi thường đi làm từ 5 giờ 30 sáng, với giá 130 đồng mỗi viên gạch, chị em trong nhóm có làm hết công suất cũng chỉ được khoảng 70.000 đồng/ngày, thấp so với nhiều nghề khác”.

“Đàn ông phần lớn đi làm phụ hồ hoặc các việc khác có thu nhập cao hơn, chứ làm việc này một ngày chỉ thu nhập 60.000 - 70.000 đồng nên ít đàn ông làm lắm”.

Những chị em phụ nữ làm việc tại các xưởng sản xuất gạch đều được chủ giao khoán công việc từ xúc đá xay trộn đều xi măng, xúc những xẻng đá đã trộn vào máy, bấm máy ép gạch, cho gạch lên xe cho đến vận chuyển gạch ra bãi phơi… Vì công việc làm khoán sản phẩm nên để có thêm thu nhập, nhiều chị em ăn uống qua loa ngay tại xưởng rồi lại tranh thủ làm cả buổi trưa. Làm liên tục 9-10 giờ/ngày, sức khỏe của họ ngày càng bị vắt kiệt.

Tuy nhiên, cả đời chỉ quanh quẩn ở xóm làng, những phụ nữ này không hề biết mình có quyền đòi hỏi các vấn đề liên quan tới an toàn lao động, như phải có các thiết bị bảo hộ (găng tay chống xi măng ăn mòn, kính, khẩu trang chống bụi, chống dị vật bay vào mắt). Chị Nguyễn Thị Thanh- cùng xóm chị Thu thở dài: “Chúng tôi không biết, mà có biết nhưng chủ không cung cấp thì cũng đành chịu”.

Về phía chủ sử dụng lao động, hầu hết đều nghĩ đã trả lương khoán nên không cung cấp các thiết bị bảo hộ cho chị em. Và vì vậy, sự an toàn, sức khỏe của lao động nữ làm nghề đóng gạch táp lô này đang bị bỏ lửng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem