Bánh Gật gù - bạn đã ăn chưa?

Thứ năm, ngày 11/10/2012 09:52 AM (GMT+7)
Không thấy ở đâu có một tên gọi thật thú vị, đầy sự liên tưởng như bánh Gật gù ở Tiên Yên. Mà quả tình, cầm cái bánh ấy lên, nó cứ gật gù, gật gù.
Bình luận 0

Quán ông “Có ngay! Có ngay!” ở thị trấn Tiên Yên -Quảng Ninh, sau khi mời mọi người thưởng thức món Gà Tiên Yên luộc chấm muối trắng chanh ớt, nhắm rượu hay uống bia tuỳ, tiếp đó đưa ra một món, tôi đoán chắc ai cũng nếm thử, nhiều người ăn luôn thay cơm, đó là món bánh Gật gù.

Nó là món bánh phở (nghe nói bột tráng bánh - bột gạo tẻ - có pha bột cơm nguội), tráng xong thì đem cuốn lại, chứ không thái, màu trắng, tròn, to bằng ngón chân cái, cắt khúc dài chừng mươi mười lăm xăng ty. Một đĩa xếp ngồn ngộn. Khi ăn chấm với nước lèo, một thứ nước chấm do nhà hàng pha chế, có nhiều hành khô đập dập, băm qua, nhẫy mỡ, vị mặn và dậy mùi nước mắm, hình như có thoảng cả mùi địa liền nữa.

img
Bánh Gật gù ăn mát, có vẻ rã rượu, đỡ thèm phở.

Lại nói, hôm có ông bạn ở Nam Định ra chơi. Ông ta vốn trước làm ở Ty Văn hoá Quảng Ninh (nay là Sở VH-TT&DL), mới đi dò tìm một cô gái cùng cơ quan mà trước đây ông ta thầm yêu trộm nhớ, mới đụng vào nhà ông Tý, cũng là đồng nghiệp hồi xưa đó.

Vợ ông Tý làm ở Trường Cao đẳng VHNT-Du Lịch Quảng Ninh. Bữa ăn dọn ra, bà ấy mời bánh Gật gù. Tôi hơi ngạc nhiên, sao ở TP Hạ Long lại có bánh Gật gù? “Không! Của Tiên Yên đấy. Có đứa học trò quê ngoài ấy nó gửi biếu”. Vậy đấy! Bánh Gật gù còn là một món quà quê.

Gửi bánh Gật gù họ gửi kèm theo luôn nước lèo. Nước lèo này có vẻ ngon hơn ở Quán ông “Có ngay! Có ngay!”, vì thấy có cả thịt nạc băm. Khi chấm thì lựa miếng bánh xúc lấy thêm một ít thịt. Vì đến đột xuất, gia chủ có sai con đi mua đĩa thịt chân giò ở quán về đãi khách, nhưng cuối cùng chúng tôi uống rượu với bánh Gật gù, ra chiều thú vị hơn. Bánh không cắt sẵn, nó dài chừng 40-50 cm, ăn đến đâu thì véo, ngắt đến đấy.

Chuyện bánh Gật gù Tiên Yên tôi hay kể cho lũ trẻ nghe. Một lần, ở Hà Nội, chúng bảo, phố Ngũ Xã gần Hồ Tây có bánh Phở cuốn: “Bố có muốn nếm thử không, biết đâu chả giống bánh Gật gù”. Ờ thì đi. Chao ôi! Cơ man nhà hàng là nhà hàng. Người làm công các nhà hàng ấy túa ra chèo kéo khách. Họ chặn cả ngay đầu xe.

Lũ trẻ quen ăn ở một nhà hàng Hưng Hằng gì đấy, chúng giúp tôi đến đó. Đúng là bánh phở cuốn thật. Cũng to bằng ngón chân cái, tròn, trắng, dài đúng mười xăng ty. Khác ở chỗ trong lõi có cuốn kèm thịt bò xào tái, nhẫy mỡ và hành khô đập dập băm qua, cùng với một mảnh rau xà lách và vài cọng húng láng (mà dân Hà Nội gọi là rau thơm).

Chấm với nước mắm dấm ớt pha, có những lát đu đủ và hành tây ngâm chua giôn giốt. Một ngàn rưỡi một cái. Ăn bao nhiêu gọi bấy nhiêu. Cũng ngon. Có khác chăng với Gật gù Tiên Yên là lượng bánh phở của một cái ít (vì chúng có nhân) và không có nước chấm riêng như nước lèo.

Ai dè, vẫn chưa hết, hôm đi chơi theo kiểu “ta ba lô”, 4 đứa đi bằng ô tô khách. Chơi miết ở cả Huế, Đà Nẵng, Hội An. Đi từ Hà Nội chiều tối thứ hai đến sáng chủ nhật lại đã có mặt ở Hà Nội, 7 đêm 6 ngày. Hết mỗi đứa 1,7 triệu. Tiền di chuyển và tiền nếm các loại “cao lương mỹ vị” mọi miền là tốn hơn cả. Thì ở đây (Huế), chúng tôi lại được thưởng thức món bánh Ướt thịt nướng. Cũng là món bánh phở cuốn với thịt lợn nướng, có đọt bạc hà, ăn thơm thơm mùi bạc hà, chấm với nước lèo hơi ngọt do đường và cay. Khoảng 1 ngàn 1 cái.

Thì ra, món bánh mà trong đó có bánh phở cuốn là chủ đạo không hiếm ở mọi miền quê. Có khác chăng là lối ăn. Có kèm với gì không, có cuốn với gì không, nước chấm thế nào.

Nhưng không thấy ở đâu có một tên gọi thật thú vị, đầy sự liên tưởng như bánh Gật gù ở Tiên Yên. Mà quả tình, cầm cái bánh ấy lên, nó cứ gật gù, gật gù. Không biết ai đã đặt tên cho nó đầu tiên nhỉ!

Theo Quảng Ninh Online

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem