Không ai nhớ bánh quai vạt có xuất xứ từ đâu và từ bao giờ. Ngay cả cái tên bánh là “vạt” hay “vạc” cũng có chuyện bàn cãi. Và trên Google thì chữ “vạt” được nhiều sự đồng tình hơn vì có gần 4 triệu kết quả, trong khi “vạc” chỉ cho con số kết quả tròn trịa 210.000.
Tuỳ theo vùng miền, bánh quai vạt có nhân mặn, nhân ngọt, làm chín theo cách hấp, chiên hay nướng nhưng đều có hình bán nguyệt, mép bánh xếp theo nếp. Phan Thiết có bánh quai vạt hấp nổi tiếng với nhân tôm thịt, con tôm đỏ au ẩn hiện dưới lớp vỏ bằng bột lọc trắng trong, ăn với nước mắm pha sanh sánh như mật, điểm thêm chút ớt đỏ cay cay.
Ở khu người Hoa – Chợ Lớn bánh quai vạt còn có tên khác là bánh xếp. Bánh xếp nhân mặn hấp, bán chung với há cảo, xíu mại… Còn bánh xếp ngọt nhân đậu phộng hoặc dừa thường được chiên vàng, bán trong các ngày lễ cúng.
Bánh quai vạt mỗi vùng miền làm một kiểu và loại bánh nướng công phu hơn cả có lẽ chỉ có ở Bạc Liêu. Bánh quai vạt không chỉ đòi hỏi sự khéo léo của người làm bánh mà khi ăn cũng cần phải… khéo.
Riêng bánh quai vạt nướng xuất xứ ở miền Tây mà thịnh nhất là vùng Bạc Liêu lại có hương vị lạ và công phu hơn cả. Phần vỏ bánh làm từ bột mì, phần ruột là bột năng trộn dầu, nhân có thêm bột dẻo. Bánh có màu trắng, ửng chút vàng đặc trưng của bánh nướng. Bánh ngon, đạt yêu cầu là vỏ bánh khi nướng chín có nhiều lớp bột mỏng bên trong và giòn. Bánh nướng chín, thơm phức cả nhà.
Bà Nguyệt, 55 tuổi, ở quận Bình Thạnh, vốn là dân xứ Bạc Liêu, chia sẻ bí quyết: “Công phu nhất là khâu cán bột. Phải cán bột dài ra, trét lên lớp bột ruột, cuốn tròn lại rồi ép dài ra. Sau đó xếp miếng bột lại làm ba, cán dẹp ra, thao tác khoảng ba lần”. Ngoài ra, cái khéo léo còn ở chỗ xếp làm sao cho mép bánh có đường gấp khúc đều và đẹp.
Bà Nguyệt kể: “Bánh này hồi xưa thường được cho vào mâm quả bưng sang nhà gái trong ngày cưới. Bây giờ lò nướng điện nhiều nhưng bánh này hiếm quá, chỉ những người lớn tuổi mới bỏ công làm”.
Hiện nay ở Bạc Liêu chỉ còn vài nơi bán, có khi phải đặt mới có. Còn ở Sài Gòn bánh quai vạt có bán ở chợ Bến Thành, khoảng 100.000 đồng/kg. Bánh chợ chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, mép bánh không xếp, hở vỏ thấy cả ruột bên trong.
Người bán nói rằng, vì bánh nhỏ và sản xuất số lượng nhiều nên không đủ công xếp mép bánh. Có nơi bán bánh quai vạt biến tấu hình dáng như cuốn chả giò. Dù là ăn bánh chợ hay bánh nhà, phải vừa ăn vừa kê tay hứng, ăn sao cho khéo để lớp vụn bánh không rơi vãi.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.