Chủ động đa dạng hóa cây trồng
Ông Ngô Xuân Tam (xã Ea Yông, huyện Krông Păk, Đăk Lăk) cho biết, với việc trồng xen 100 cây sầu riêng trong 1ha cà phê, mỗi năm ông có thêm từ 400-800 triệu đồng trên cùng diện tích này. Không chỉ thế, sầu riêng còn làm cây che bóng cho cà phê phát triển tốt hơn.
Với việc trồng xen canh tiêu và sầu riêng trên mỗi ha cà phê, bà Hòa Thị Dinh tăng thêm thu nhập gấp 3 lần. Ảnh: D.H
"Hiện nay, ở nhiều nơi nông dân đã bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất cà phê đúng kỹ thuật để tiết kiệm chi phí đầu vào. Tuy nhiên, nông dân cần phải tiết kiệm thêm chi phí nữa bằng cách thành lập các tổ hợp tác, mua sắm chung dụng cụ lao động, tổ chức đổi công… để giảm đến mức thấp nhất có thể”.
Ông Trịnh Đức Minh
|
Còn bà Hoàng Thị Dinh (xã Dray Sap, huyện Krông Ana, Đăk Lăk) nhiều năm qua đã trở thành "đại gia" nhờ mô hình trồng xen tiêu, sầu riêng vào vườn cà phê. Theo bà Dinh, việc trồng xen đã giúp mảnh đất của bà tăng thu nhập lên gấp 3 lần so với trồng thuần cà phê.
Bà Nguyễn Thị Thái Hà (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'Gar, Đăk Lăk) cũng cho biết, bằng việc trồng xen hồ tiêu, sầu riêng, bơ vào vườn cà phê, hàng năm, trên mỗi ha bà thu về gần 400 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với việc chỉ trồng thuần cà phê.
Ông Lê Văn Thành - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đăk Lăk cũng khẳng định, hiện nay mô hình trồng xen hồ tiêu, cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh đang cho thấy những ưu điểm vượt trội.
Thống kê sơ bộ, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có gần 40.000ha cà phê trồng xen các loại như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều và các loại cây ăn trái khác. Các mô hình này đều cho thu nhập vượt trội, mở ra nhiều cơ hội để nông dân làm giàu.
Tại một hội nghị vào giữa năm 2018, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, việc trồng xen với cà phê đã đa dạng hóa nhiều sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao và ổn định thu nhập, hạn chế rủi ro về giá cả và biến động thị trường. Ngoài ra, trồng xen còn che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cây cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Doanh, việc triển khai trồng xen gặp phải một số vấn đề như: Chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, thổ nhưỡng, loại cây trồng xen... Quy trình trồng xen canh trong vườn cà phê cho từng loại cây như hồ tiêu, sầu riêng, bơ, điều… mới bước đầu được tổng kết.
Do vậy một số kỹ thuật, như giống, mật độ, phân bón, tưới nước, tạo hình cho cây trồng xen và cây cà phê chưa rõ, ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng chính là cà phê. Chưa kể, việc trồng xen thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp về đầu ra khiến hiệu quả trồng xen chưa cao...
Bằng việc liên kết sản xuất, nông dân xã Ea Kiết, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk) đã tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình.
Một cán bộ công tác hàng chục năm trong ngành nông nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk vừa nghỉ hưu nhận định, vấn đề mà Thứ trưởng Doanh đưa ra chính là điểm mấu chốt của việc trồng xen canh. Để tiếp tục phát triển mô hình này thì việc nghiên cứu, lựa chọn cây trồng xen phù hợp cho từng vùng đất cụ thể là hết sức cần thiết. Cần xác định vùng trồng xen, cơ cấu cây nông nghiệp, cây ăn quả trồng xen; chú trọng vấn đề về nước tưới và chất lượng về giống cây trồng xen.
"Làm sao để cây cà phê không bị tranh chấp nước, không bị ảnh hưởng về sản lượng và nhiễm bệnh từ cây trồng xen. Có như vậy thì việc trồng xen mới thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao" - Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.
Tăng cường liên kết, nâng cao giá trị cà phê
TS Đặng Bá Đàn - Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên - người có nhiều năm gắn bó với cây cà phê, cho biết: "Dù muốn hay không, thì vẫn không thể phá bỏ, thay thế hàng trăm ngàn ha cà phê ở Tây Nguyên. Với vùng đất đỏ bazan, không có cây trồng gì phù hợp hơn cây cà phê. Vấn đề là làm sao để nông dân yên tâm với cây cà phê trong điều kiện khó khăn hiện nay".
Theo TS Đàn, việc trồng xen canh là xu hướng phù hợp trong thời điểm hiện nay nhằm giúp nông dân giữ cây cà phê và tăng cao thu nhập. Tuy nhiên, song song với đó cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác liên quan. Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy, hiện nông dân vẫn đang đầu tư quá mức cho cây cà phê, việc sử dụng phân bón, nước tưới chưa phù hợp làm tăng chi phí không cần thiết.
Trong khi đó, sản phẩm của nông dân làm ra do bán nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết nên giá rất thấp. Để bán được sản phẩm với đúng giá trị của nó thì cần liên kết, sản xuất theo chuỗi để có đầu ra ổn định. Nhà nước nên hỗ trợ nông dân hình thành các tổ liên kết, các hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp để có đầu ra ổn định hơn.
"Hiện nay, giá cà phê bột vẫn không giảm, trong khi giá cà phê nhân lại hết sức bấp bênh và đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Vậy làm sao để chia lợi nhuận này cho nông dân?” – TS Đàn nêu câu hỏi.
Theo ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tình hình khó khăn của cà phê hiện nay cũng là cơ hội để tổ chức sắp xếp, ổn định diện tích cà phê. "Lâu nay chúng ta vẫn muốn giảm diện tích cà phê để tập trung phát triển bền vững nhưng chưa làm được. Chính vì thế, đây là giai đoạn tốt để giảm bớt diện tích cà phê không phù hợp, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng" - ông Minh nói.
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam:
Tái canh phải song hành với chế biến
Để giữ sản lượng ổn định, giá trị xuất khẩu cà phê cần phải thực hiện phương châm “năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng”; đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết các khó khăn cho ngành cà phê.
Tài chính, nguồn giống và kỹ thuật canh tác đang là những rào cản khiến quá trình tái canh cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng là hiện nay các tỉnh Tây Nguyên đã sử dụng phần lớn các giống cà phê mới để trồng tái canh hoặc ghép cải tạo trên toàn bộ diện tích cà phê già cỗi.
Hiệp hội đã xây dựng chiến lược mới theo chu kỳ phát triển của cây cà phê với hai mục tiêu. Trước hết là tái canh và tăng năng suất, chất lượng để tiếp tục giữ vững vị trí nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới. Hai là, đẩy mạnh đầu tư chế biến cà phê rang xay và hòa tan… để nâng giá trị gia tăng lên gấp đôi cho chu kỳ mới của cây cà phê.
Trong đó, lấy định hướng chế biến sâu, chuyển từ xuất khẩu nhân thô sang xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan để tăng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 6 tỷ USD (thay vì 3,5 tỷ USD như hiện tại).
Ông Võ Văn Phu - Phó Tổng giám Đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền:
Hỗ trợ phát triển cà phê Buôn Ma Thuột
Từ năm 2017, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã ký kết chương trình “Hỗ trợ Phát triển Cà phê Buôn Ma Thuột”. Chương trình được thực hiện trong 5 năm với tổng kinh phí là 1 tỷ đồng.
2 năm qua chúng tôi đã gom được các hộ đang canh tác nhỏ lẻ thành một vùng để nâng cao năng suất cho 6 thôn và 6 buôn tại xã Ea Tu, TP.Buôn Ma Thuột.
Với các mô hình trong chương trình, Bình Điền sẽ hướng vào mục tiêu là canh tác bền vững, cung cấp cây giống tốt, sử dụng quy trình bón giảm lượng phân hóa học, gia tăng phân hữu cơ và các giải pháp kỹ thuật canh tác tối ưu nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho người sản xuất. Song song đó, đối với mô hình tái canh đầu tư 100%, Bình Điền cũng đã hỗ trợ cung cấp thiết bị hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nước cho mô hình...
Ngọc Minh - Nguyên Vỹ (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.