Theo ông Nguyễn Văn Chí- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, thành phố đã chọn 2 huyện làm điểm BHNN là Chương Mỹ (chọn 3 xã là Đại Yên, Tốt Động, Trung Hòa) với đàn lợn và Ba Vì (chọn 3 xã là Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, sau đó triển khai ra các xã khác) với đàn bò.
Tháng 11.2011, UBND thành phố đã ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo về BHNN TP. Hà Nội. Theo quy định, Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho các hộ chăn nuôi là hộ nghèo; hỗ trợ 80% phí bảo hiểm cho các hộ nông dân cận nghèo; hỗ trợ 60% phí bảo hiểm cho các hộ chăn nuôi không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo; hỗ trợ 20% phí bảo hiểm cho các tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Đối với bò sữa đã mua bảo hiểm, khi gặp rủi ro bị chết trong phạm vi bảo hiểm là thiên tai như bão lụt, rét đậm, rét hại, xâm nhập mặn, sóng thần hoặc dịch lở mồm long móng sẽ được hưởng số tiền bảo hiểm là 35 triệu đồng/con. Phí bảo hiểm cho 1 con bò sữa 1 năm bằng 4% giá trị con bò khi mua bảo hiểm.
Đánh giá kết quả bước đầu của Ban chỉ đạo, các địa phương triển khai thí điểm BHNN đã làm tốt khâu đào tạo, tập huấn cho các ban, ngành thuộc xã và các hộ nông dân. Hiện đã có trên 1.100 hộ chăn nuôi bò sữa của huyện Ba Vì và 6.500 hộ chăn nuôi lợn của huyện Chương Mỹ được tập huấn về BHNN để người chăn nuôi tham gia. Ban chỉ đạo thành phố cũng đã hoàn thiện tờ rơi giới thiệu và tuyên truyền BHNN.
Mặc dù mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng thực tế, việc thí điểm BHNN ở Hà Nội đã nhận được sự tham gia của người dân, bước đầu thay đổi nhận thức trong sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Sơn (Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội), khó khăn nhất của các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm hiện nay là nông dân chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi của họ khi tham gia bảo hiểm.
Trong giai đoạn thí điểm, Công ty Bảo hiểm Đông Đô thuộc Tổng Công ty Bảo Việt được chỉ định làm BHNN ở Hà Nội. Công ty sẽ xây dựng hệ thống đại lý bảo hiểm và tổ chức triển khai thí điểm bảo hiểm cho đàn bò sữa và đàn lợn trên địa bàn huyện Ba Vì và Chương Mỹ.
“Vì vậy trong giai đoạn tới, hoạt động tập huấn, tuyên truyền để người dân nhận thức về BHNN là mục tiêu quan trọng, hàng đầu để thực hiện thành công thí điểm BHNN trên địa bàn Hà Nội. Bên cạnh đó, việc triển khai BHNN còn có một số hạn chế khác là: Đối tượng, điều kiện và phạm vi bảo hiểm, trước hết bảo hiểm thí điểm đợt này mới thực hiện thí điểm ở 6 xã”- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, người nông dân nếu muốn tham gia BHNN, về điều kiện vật nuôi phải được nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi theo quy định của Bộ NNPTNT (hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền ở địa phương). Còn về số lượng vật nuôi tham gia bảo hiểm, phải đạt được những điều kiện như trường hợp chăn nuôi cá lẻ là bảo hiểm toàn bộ số vật nuôi của hộ và trâu bò, lợn thịt, số lượng vật nuôi trong xã…
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.