Khái niệm mơ hồ
Ông Lê Văn Lịch - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho biết, tại Đà Nẵng, tỉ lệ hộ nông dân tham gia BHYT rất ít. Bà con chỉ tham gia khi phát hiện bị bệnh. Lý do nhiều nông dân đưa ra là không có tiền, phải đợi đến vụ thu hoạch hay bán lúa. Vì vậy, chính sách hỗ trợ mua BHYT cho nông dân là việc làm cấp thiết.
Đó cũng là mong muốn của rất nhiều nông dân. Theo ông Lê Hoàng, 69 tuổi, nông dân huyện Hoà Vang: “Đây là niềm vui rất lớn mà nhiều nông dân như tôi trông đợi lâu nay”. Ông Hoàng hiện đau ốm triền miên, nhưng cả gia đình ông chỉ trông vào vài ba sào lúa nên việc chữa trị vô cùng khó khăn. Có điều, ông Hoàng không thuộc diện được hỗ trợ mua BHYT bởi Đà Nẵng chưa xác định được thế nào là “mức sống trung bình”.
Ông Lê Văn Lịch cho rằng, đây chính là rào cản khi triển khai chính sách bởi khái niệm này vô cùng mơ hồ và rất khác nhau giữa các vùng, chứ không phải là một khái niệm thống nhất…
Hơn nữa, để có danh sách nông dân “có mức sống trung bình” thì cần một cuộc tổng điều tra về mức sống của cư dân ở nông thôn, để lọc ra số hộ gia đình được hưởng chính sách ưu đãi này của nhà nước. "Bảo hiểm xã hội chúng tôi cũng phải tính đến điều đó vì không thể "bao" hết số đối tượng" - ông Lịch nói.
Gian nan chính sách đến với nông dân
|
Đăng ký mua BHYT tại Đà Nẵng. |
Sáng 13-12, Sở Y tế Đà Nẵng cũng đã tổ chức họp bàn về khả năng triển khai chính sách trên. Theo nhận xét của bà Trần Thị Hoa Ban- Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng: "Chính sách này hoàn toàn phù hợp với những chủ trương, đường lối lớn mà chúng ta đang theo đuổi. Hỗ trợ ban đầu của nhà nước như một "cú hích" để nông dân dễ tiếp cận hơn với BHYT, tạo ra một thói quen cho người dân khi sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ.
Cái khó nhất với Đà Nẵng là làm rõ khái niệm “mức sống trung bình”. Bà Ban dẫn giải, Đà Nẵng đã có chính sách hỗ trợ người thuộc hộ gia đình cận nghèo mua thẻ BHYT với một khoản ngân sách không nhỏ (700 tỷ đồng). Thế nhưng, tới giờ chương trình hỗ trợ này vẫn "án binh bất động" bởi gần đây các Bộ mới thống nhất được với nhau thế nào là "cận nghèo" theo tiêu chí mới.
Thống nhất rồi còn phải đợi các địa phương triển khai việc thống kê, điều tra và rà soát số đối tượng để lên danh sách. Chu trình này nhanh cũng phải mất vài ba tháng và như vậy có nghĩa phải tới sang năm người cận nghèo mới được cầm tấm thẻ BHYT trong tay.
Đó là trường hợp họ tự nguyện đóng 50% vì nhà nước chỉ hỗ trợ một nửa. Nếu BHYT vẫn chưa đủ sức để thu hút thì dù chỉ phải bỏ ra một nửa họ cũng sẽ không tham gia. Vì vậy, khả năng giải ngân được 700 tỷ đồng này cũng không mấy sáng sủa.
"Đối với BHYT cho nông dân chúng ta hiện nay cũng sẽ gặp phải tình trạng tương tự. Với riêng Đà Nẵng, địa phương chúng tôi rất hoan nghênh chính sách hướng tới nông dân nhưng việc triển khai thì còn phải đợi thêm từ Chính phủ quy định rõ ràng" - bà Ban khẳng định.
Theo Khoản 22, điều 12, và điều 13, Luật BHYT, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được nhà nước hỗ trợ đóng 1 phần BHYT (khoảng 30%). Như vậy, với mức đóng hàng tháng tối đa bằng 6% mức lương tối thiểu, đối tượng thuộc khoản 22 sẽ được hỗ trợ khoảng 180.000 đồng tiền BHYT/năm nếu họ tham gia BHYT.
Lê An
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.