Bảo tàng Đồng quê (Nam Định): Giữ lại hồn quê một thuở

Thứ tư, ngày 19/12/2012 10:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bà Ngô Thị Khiếu (57 tuổi), giáo viên nghỉ hưu đã dành hết tâm huyết cho ước mơ lưu giữ hồn quê Bắc bộ khi mượn 5.000m2 đất của xã Giao Thịnh (Giao Thủy, Nam Định) trong 30 năm để xây dựng “Bảo tàng Đồng quê”.
Bình luận 0

Xót lòng nhìn hiện vật

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Giao Thịnh (Giao Thủy), bà Khiếu thấu hiểu tất cả những gì mà người nông dân chân lấm tay bùn phải trải qua. Lấy chồng rồi theo chồng, những ký ức về một thời quê mùa luôn theo đuổi, để đến bây giờ, ông bà quyết tâm dựng lại một “Bảo tàng Đồng quê”, với mong muốn giữ lại những hình ảnh cũ của nông thôn Bắc Bộ một thời.

img
Bà Ngô Thị Khiếu tại khu vực trưng bày nông cụ sản xuất và sinh hoạt của người dân nông thôn xưa.

Chồng bà - Thiếu tướng Hoàng Kiền, hiện là Giám đốc Ban Quản lý đường tuần tra biên giới, đã 42 năm nay gắn bó với công binh. Còn bà, như là định mệnh, suốt một đời luôn để tâm tìm lại những hiện vật gắn bó với một thời tuổi thơ nơi quê nhà. Cuối năm 2009, ông bà được mời về quê bà (xã Giao Thịnh) nhân dịp khánh thành trường mầm non của xã. Trong chuyến đi này, bà đề xuất với ông mang tủ sách của gia đình về quê lập thư viện để các thế hệ con cháu đọc, tham khảo... Và ý tưởng thành lập bảo tàng bắt nguồn từ tủ sách quý mà ông bà đã dày công sưu tầm.

Bà kể: “Từ gần 20 năm trước, nhân chuyến về quê, thấy mọi người bán như cho những chiếc thau đồng, chậu đồng, nồi ba, nồi bảy, mâm đồng,… tôi xót ruột lắm. Họ mua phế liệu để bán sang Trung Quốc với giá đồng nát”. Từ đó, giấu chồng, bà nhờ cô em dâu Nguyễn Thị Đồng sưu tầm, mua lại những thứ mà theo bà “nó in hằn cả tuổi thơ tôi trong đó”. Hai chị em trở thành “liên minh” sưu tầm những gì mà họ cho rằng có thể lúc nào đó sẽ không thể tìm lại nổi. Kỳ công sau nhiều năm, bà Khiếu đã gom được số lượng lớn những hiện vật gắn liền với đời sống người nông dân qua các thời kỳ. Từ những hiện vật này, bà có ý tưởng mở bảo tàng tại quê hương.

Theo bà Khiếu, ngay từ đầu, vấn đề xây mặt bằng trưng bày là nan giải nhất. Năm 2009, ông bà đề xuất ý tưởng với UBND xã Giao Thịnh, UBND huyện Giao Thủy và được địa phương hết sức ủng hộ, tạo điều kiện cho mượn 5.000m2 đất trong 30 năm. “Sau nhiều lần vợ chồng tôi mò mẫm viết dự án, chỉnh sửa, cuối năm 2010, Phòng Tài nguyên môi trường huyện Giao Thủy đồng ý giao đất và công trình được khởi công vào ngày 12.3.2011. Toàn bộ việc xây dựng công trình được bà con địa phương toàn tâm, toàn ý góp công sức ủng hộ. Đến ngày 12.12 vừa qua, bảo tàng đã khánh thành giai đoạn 1”- bà Khiếu cho biết.

Chỉ trưng bày, không kinh doanh

Cổng vào bảo tàng được xây theo lối cổng làng Bắc Bộ cũ, hai bên cổng dựng mô hình ruộng lúa, ruộng đay, chính giữa là một hồ nước nuôi các loại cá, tôm, cua… Lối bên trái là 2 dãy nhà tranh, tái hiện nguyên trạng nhà của giai cấp bần nông, trung nông thời phong kiến với đầy đủ những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày: Chum, vại, cối xay, cối giã gạo…

Bên phải là ngôi nhà địa chủ cũ có thiết kế 5 gian, sân rộng, đúng nguyên bản được mua lại từ một gia đình trong xã Giao Thịnh với đầy đủ trang thiết bị đi kèm: Tủ chè, sập gụ, rương, tráp, tràng kỷ… Phía trước gian nhà địa chủ là mô hình ngôi nhà được xây dựng sau năm 1954 có giường tre, võng gai, bàn trà… tất cả đúng kết cấu theo lối cũ.

“Toàn bộ các công trình phục dựng kiến trúc cổ trong bảo tàng cho đến nay tiêu tốn khoảng trên 4 tỷ đồng. Số tiền này một phần do gia đình tôi quyên góp, còn chủ yếu do các doanh nghiệp hảo tâm trong cả nước khi nghe thông tin đã ủng hộ và bà con, chính quyền huyện, xã hết sức giúp đỡ về thủ tục, nhân công”- bà Khiếu tâm sự.

“Điều tôi trăn trở nhất là sẽ giới thiệu, duy trì và lưu trữ những hiện vật ra sao. Bởi cho đến giờ, chúng tôi chưa tuyển được nhân viên chuyên ngành bảo tàng”.

Gây ấn tượng nhất có lẽ là khu vực trưng bày những hiện vật phản ánh chân thực tất cả các mặt của cuộc sống nông thôn trước đây. Được xây 3 tầng khang trang, rộng rãi, khu này bày biện rất nhiều chậu đồng, thau đồng, mâm đồng qua các thời kỳ, cùng vô số nông cụ như liềm, gàu tát nước, cày cuốc, thúng mẹt, chày cối… Chưa kể đến những chiếc tủ bày chật kín những hũ tiền cổ, con dấu, triện, đèn cổ… Bên cạnh đó, không thể thiếu là những kỷ vật chiến tranh.

“Tâm nguyện của chúng tôi là dựng lên một quần thể để nhân dân, học sinh, sinh viên gần xa được tham quan, tìm hiểu về những gì mà nền văn minh lúa nước, văn hóa đồng quê để lại. Trong tương lai, quy mô trưng bày hiện vật sẽ rộng rãi hơn, khoa học hơn. Chúng tôi chỉ trưng bày phục vụ khách tham quan chứ không kinh doanh”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem