TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: Cơ sở pháp lý đã sẵn sàng
Trong quy hoạch tổng thể về xây dựng bảo tàng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2010-2020 đã hết sức chú trọng phát triển các bảo tàng khoa học kỹ thuật và chuyên ngành hơn là bảo tàng xã hội. BTNN vừa mang tính chất của bảo tàng khoa học kỹ thuật lại vừa mang tính chuyên ngành, thế nên có thể nói cơ sở pháp lý đã hoàn toàn sẵn sàng.
Vì vậy chúng ta rất nên xây dựng ngay một BTNN. Khi xây dựng BTNN, VN sẽ thể hiện quan điểm của Chính phủ và nhân dân về chú trọng phát triển nông nghiệp, tôn vinh cây lúa, điều đó sẽ có tác động rất tốt đến an ninh lương thực quốc gia sau này vì người dân phải hiểu được: Lịch sử dân tộc VN hình thành từ nền văn minh lúa nước.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: Sẽ là một bảo tàng rất hấp dẫn
Nhu cầu có một BTNN ở nước ta là thực sự rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà nông dân đang mất đất, mất nghề, nếu không làm thì sẽ mất đi cơ hội để các thế hệ sau biết được những tinh hoa trong nghề trồng lúa nước của tổ tiên.
Tôi cho rằng, nếu làm được, BTNN sẽ là một trong những bảo tàng hấp dẫn nhất trong số các bảo tàng tại VN bởi đó không chỉ là nơi trưng bày cái cày, cái cuốc mà còn là nơi để giới thiệu kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, những tri thức dân gian và kinh nghiệm dân gian của người VN. Chúng nằm trong đầu các lão nông từ bao đời nay, vô cùng quý giá mà chúng ta chưa có dịp khai thác.
Trong BTNN phải thể hiện cho được lịch sử tiến triển của nông nghiệp VN từ xưa đến nay cũng như sự thay đổi của bộ mặt nông thôn, đời sống của người nông dân VN qua từng thời kỳ. Những vấn đề đó nằm trong khả năng của chúng ta, chỉ cần có chủ trương, đường lối đúng đắn là có thể làm được.
Nhà sử học Dương Trung Quốc- Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN: Người Pháp đã nghĩ tới cách đây hơn 100 năm
Lật lại lịch sử có thể thấy, khi vào VN, người Pháp đã nghĩ tới chuyện cần phải có những cuộc trưng bày giới thiệu sản phẩm kinh tế quốc dân trong đó có nông nghiệp để khích lệ nhân dân từ năm 1887 qua việc tổ chức các cuộc hội chợ đấu xảo tại quảng trường (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội).
Tại hội chợ ấy, nông dân được trưng bày con lợn lớn nhất, con bò, con trâu đẹp nhất hay trình diễn những kỹ thuật làm mũ cói, thêu ren... đó chính là một cách trình diễn rất thực tế của BTNN thuở ban đầu mà chúng ta phải suy nghĩ và học hỏi.
Đặt vấn đề xây dựng BTNN theo tôi là một ý tưởng hay, rất đáng để các cơ quan chức năng suy nghĩ và xem xét nhưng cũng không dễ dàng. Bởi vì cần phải suy nghĩ thấu đáo xem chúng ta sẽ trưng bày gì trong đó, đương nhiên ngôn ngữ của bảo tàng chính là các hiện vật, nhưng cũng cần phải nghĩ cách làm sao để bảo tàng này sống động.
Trước mắt, nếu chưa thể xây dựng một BTNN cấp quốc gia, chúng ta có thể xem xét đưa phần trưng bày này vào Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang xây dựng, hoặc Bảo tàng Dân tộc học.
GS-TS Bùi Chí Bửu- Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp VN: Chứa đựng văn hóa dân tộc
Về việc cần thiết phải xây dựng BTNN VN, Viện chúng tôi đã đề cập nhiều lần rồi, nhưng các lãnh đạo không có ai quan tâm nên mới chỉ dừng lại ở đó.
Theo tôi, rất cần thiết phải xây dựng một BTNN, càng sớm càng tốt vì chúng ta đã chờ đợi quá lâu rồi. Tất cả các nước lân cận đều đã có BTNN, điều đó thể hiện họ tôn trọng hạt lúa và nền văn minh của họ. Còn ở VN, ngoài hạt lúa và các sản phẩm nông nghiệp ra, chúng ta có gì để tự hào với thế giới? Công nghiệp thì chúng ta chủ yếu đang làm gia công, điện tử, công nghệ thông tin thì chúng ta tụt hậu, thua kém...
BTNN là một bảo tàng đúc kết mấy ngàn năm lịch sử của cả dân tộc, nên nhớ, những di chỉ về lúa nước đã xuất hiện ở VN từ 7.000 - 8.000 năm trước, vậy thì thiếu gì hiện vật để trưng bày? Chúng ta cần phải tiến hành xây dựng ngay một BTNN trước khi quá muộn.
Lê Tâm (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.