Một “không gian văn hoá Thái”
Như là duyên kỳ ngộ, ngay lần đầu đến với Mai Châu năm 2003, hình ảnh và con người nơi đây đã “hút hồn” Kiều Văn Kiên (quê xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Để rồi, khi nên duyên chồng vợ với cô gái Thái người Xăm Khoè, tình yêu với văn hoá Thái càng nảy nở và lớn dần trong anh. Khi đã sống ở đây rồi, điều kỳ thú mà anh “phát hiện” đó là: Mai Châu chất chứa nhiều tầng văn hoá vật thể, phi vật thể, hiện đang có một đời sống bình dị tại mỗi gia đình, thôn bản. Những hiện vật này rất cần được lưu giữ, bảo quản và có một không gian trưng bày để chính người Thái, du khách xa-gần thấy được góc đời sống vật chất, tinh thần của người Thái phong phú và đa dạng như thế nào.
|
Khá nhiều du khách đến thăm “Ngôi nhà văn hóa Thái” của anh Kiên. |
Thế rồi, ý tưởng có một “không gian trưng bày văn hoá Thái” luôn xuất hiện trong tâm tưởng Kiên. Nhiều năm qua, Kiều Văn Kiên đã dành thời gian, kinh phí tổ chức hàng trăm chuyến rong ruổi cùng chiếc xe máy đến hết xóm gần, bản xa của huyện Mai Châu và các huyện lân cận có người Thái sinh sống, để tìm hiểu, sưu tầm hiện vật.
Mỗi lần gặp một hiện vật “ngủ yên” qua lớp bụi thời gian, anh như thấy tầng tầng thời gian của bao thế hệ người Thái trong cuộc sinh tồn nơi vùng cao trở về, và anh khao khát được “chạm” vào đời sống tâm hồn của người Thái qua các dụng cụ lao động sản xuất, thắp sáng hay các bộ nhạc cụ dân tộc, đồ trang sức…
Đặc biệt, với bộ sách cổ mà anh có được, mong rằng một ngày nào đó, các chuyên gia sẽ “giải mã” hết được những điều mà người xưa để lại. Hiện nay, ông Hà Công Tín (dân tộc Thái ở xóm Mỏ) đang giúp anh “dịch” số sách cổ này.
Sẽ là “địa chỉ đỏ”…
Nói về công việc của người anh ruột, anh Kiều Đăng Trường thổ lộ: Hồi đầu lên thăm Mai Châu, thấy anh lặn lội đi về các xã, các bản vùng cao vất vả quá, gạn hỏi nhưng anh chỉ cười cười và vẫn một mực làm công việc của mình. Đi về lại tỉ mẩn sắp xếp tủ nọ, thùng kia. Hiện giờ, cả nhà đã hiểu được ý nghĩa và ủng hộ công việc anh làm...
“Sắp tới, công ty sẽ mở các lớp dạy tiếng Thái (nói và viết) miễn phí cho bà con. Nỗ lực làm điều gì để góp phần quảng bá văn hóa Thái, là tâm nguyện của tôi trong nhiều năm qua”.
Anh Kiều Văn Kiên
Sau gần 10 năm sống ở Mai Châu và kiên trì, âm thầm làm công việc của một nhà sưu tầm, nghiên cứu nghiệp dư, giờ Kiều Văn Kiên đã phần nào toại nguyện giấc mơ của mình: Một công ty đã được cấp phép và đi vào hoạt động. Nhiều người Thái ở các bản làng nơi đây đã thầm cảm ơn và cảm phục vì những tâm huyết mà Kiên đã dành cho Mai Châu.
Qua nhiều năm tìm kiếm, bộ sưu tập của Kiên hiện đã có trên 1.000 hiện vật. “Tiếng lành đồn xa”, đã có hàng trăm lượt du khách tìm về “Ngôi nhà văn hóa Thái” ở xóm Mỏ, và nhiều người đã thốt lên “thú vị quá” khi thấy những hiện vật một thời như tiền cổ, sách… Đây là điều Kiều Văn Kiên đã từng ấp ủ chỉ với mong ước: Du khách đến Mai Châu sẽ có dịp tìm hiểu, khám phá văn hóa Thái từ những hiện vật đang được trưng bày.
Văn Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.