Bất chấp tái đàn, người nuôi lợn gặp “quả đắng”

Trần Quang Thứ tư, ngày 01/01/2020 06:00 AM (GMT+7)
Trước tình hình giá lợn hơi tăng cao kỷ lục, nhiều hộ dân tại các tỉnh miền Bắc như Thái Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hưng Yên... đã liều tái đàn tự phát, hậu quả là không ít hộ chịu "quả đắng" khi mua phải lợn giống nhiễm dịch tả lợn châu Phi, phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.
Bình luận 0

Đánh liều tái đàn

Vào những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đang phải gồng mình chống đỡ với dịch tả lợn châu Phi khi mua đàn lợn giống 40 con được cho là của Công ty CP Mavin Tuyên Quang về thả nuôi.

Anh Mạnh cho hay, ngày 14/11, sau khi anh mua 40 con lợn giống ở Tuyên Quang đưa về, anh đã cho thả chung với đàn lợn gần 100 con để nuôi thì 2 ngày sau, những con lợn giống mới mua về xuất hiện dấu hiệu ốm yếu, mệt mỏi, bỏ ăn và chồng lên nhau chết dần. Đến giờ, những con lợn khác trong chuồng cũng bắt đầu chết theo khiến vợ chồng anh vô cùng hoang mang.

img

Anh Lê Văn Tình ở Yên Mỹ (Hưng Yên) thu dọn, sửa sang lại các chuồng lại sau khi bị dịch để chuẩn bị tái đàn và mong thu hồi được vốn đã thua lỗ. Ảnh: Trần Quang

"Các trại ở khu xóm nhà tôi biệt lập với các khu dân cư khác nên chưa xuất hiện dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, nhưng bây giờ tôi lại thành kẻ rắc dịch về làm hại bà con, gia đình, đau xót quá" - anh Mạnh ngậm ngùi nói.

Theo dự tính của anh Mạnh, cùng với đàn lợn giống 40 con trị giá 1,7 triệu đồng/con, các con lợn trong đàn gần 100 con thương phẩm, nái của anh cũng đang chết dần theo từng ngày, thiệt hại rất lớn.

"Đổ tội cho dân chúng tôi tham cũng không hẳn, bởi trong lúc giá lợn tăng cao như hiện nay, chúng tôi cũng muốn tăng đàn để thu hồi vốn, đưa gia đình vượt qua khó khăn. Hơn nữa để tránh rủi ro dịch bệnh, chúng tôi đã chọn địa chỉ được cho là uy tín nhất hiện giờ là các doanh nghiệp, công ty chăn nuôi hiện đại. Vậy mà vẫn không thoát được dịch tả lợn châu Phi. Thực sự chúng tôi đang trải qua những ngày tháng quá bi kịch" - anh Mạnh chia sẻ.

Cùng trong tình trạng với anh Mạnh, gia đình anh Đinh Văn Hường ở Hưng Hà (Thái Bình) và gia đình ông Hà Quang Đạo, một chủ trại lợn ở Phú Thọ cũng đang chịu thiệt hại nặng nề khi vội vàng tái đàn. Tại gia đình anh Hường, dù trại của nhà đang nuôi 40 nái và 160 con lợn thương phẩm, nhưng thấy giá lợn hơi tăng nhanh, vợ chồng anh đã bàn nhau thông qua trung gian để mua thêm 200 con giống của Công ty CP Mavin Tuyên Quang với giá 1,7 triệu đồng/con đưa về nuôi nhằm mong kiếm lời nhanh. Tuy nhiên, lợn giống mua về được vài ngày thì bỏ ăn, ốm yếu, cơ thể có dấu hiệu tím tái, sau đó chết la liệt.

Sau khi hết dịch tả lợn châu Phi, các trại lợn của tỉnh đã vào lợn nhưng công suất còn hạn chế. Bên cạnh đó, có nhiều vùng của Thái Bình có trình độ chăn nuôi tốt thì bà con vẫn duy trì được đàn lợn không bị dịch bệnh như Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ), Hồng Lý (Vũ Thư)... Tuy nhiên, phần lớn bà con chăn nuôi nhỏ lẻ chưa có vốn để tái đàn nên đã chuyển đổi sang nuôi gia cầm hoặc đi làm thuê.

Ông Phạm Thành Nhương

Khó kiểm soát tái đàn tự phát

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) cho biết, so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi, giá lợn hơi ở mức thấp và biến động liên tục, nhưng bây giờ thì tăng cao nhất trong lịch sử ngành nuôi lợn.

"Tại Yên Hòa, lái buôn đang lùng mua lợn với giá từ 90.000 đồng đến trên 95.000 đồng/kg, nhưng cũng khan hàng. Cả xã tôi giờ chỉ còn 2-3 hộ còn nhiều lợn và khoảng 10 hộ tái đàn thử nghiệm, chưa thể phục hồi kịp" - ông Thuần nói.

Là địa phương bị dịch tả lợn châu Phi sớm nhất tỉnh Thái Bình, đến giờ các hộ dân chăn nuôi ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà vẫn chưa kịp phục hồi, nhiều hộ đã không còn vốn để chăn nuôi, nhưng vẫn có hộ "lao như con thiêu thân" vay vốn, tái đàn và chịu hậu quả nghiêm trọng.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Tạo - Chủ tịch UBND xã Đông Đô cho biết, dù địa phương đã tăng cường tuyên truyền, giám sát nhưng xã vẫn không thể kiểm soát được việc người dân tái đàn tự phát.

"Dù chúng tôi đã có quy hoạch khu chăn nuôi ngoài khu vực cánh đồng, xa khu dân cư và rộng tới 18ha, nhưng đến giờ vẫn chưa có ai chịu chuyển ra chăn nuôi mà vẫn nuôi lợn, gà gần nhà ở. Chúng tôi rất khó xử lý" - ông Tạo nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thành Nhương - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Thái Bình cho biết, dù đã có quy định và các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn tái đàn nhưng do người dân thấy giá lợn hơi tăng cao quá nên đã đánh liều, tự ý tái đàn và không báo cáo chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, khi vào đàn do không đủ điều kiện vệ sinh phòng dịch, con giống không đảm bảo nên bà con bị thiệt hại nghiêm trọng.

Hiện, đàn lợn của Thái Bình đang biến động ở ngưỡng 750.000 con. Theo dự đoán của ông Nhương, từ nay đến Tết việc tái đàn của bà con vẫn gặp nhiều khó khăn, phải sang tháng 1/2020, may ra đàn lợn mới có thể phục hồi được cơ bản.

Nói thêm về quan điểm của địa phương trong việc tái đàn lợn, ông Nhương cho hay: Vừa qua cơ quan thú y của Thái Bình đã trình và tham mưu cho UBND tỉnh về việc quy định, hướng dẫn bà con, người chăn nuôi tái đàn sau dịch tả. Theo đó, bên cạnh việc đảm bảo các vấn đề về vệ sinh, các quy định về chăn nuôi an toàn sinh học, người dân muốn tái đàn phải khai báo và được sự cho phép, hướng dẫn, giám sát của chính quyền, cơ quan thú y.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem