Bất ngờ với lý do rút bảo hiểm xã hội một lần

Theo Lao động Thứ bảy, ngày 11/03/2023 22:56 PM (GMT+7)
Nghỉ việc khi mới có vài năm tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều người lao động quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần với mục đích kinh doanh, hoặc đơn thuần là... mua vàng để tích trữ sau này.
Bình luận 0

Làm công nhân trong Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) được gần 3 năm, chị H quyết định nghỉ việc để đi làm kinh doanh tự do.

"Thời điểm đó, thấy công việc công nhân với thời gian gò bó, lại vất vả, không phù hợp khi có con nhỏ, nên tôi quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Sau đó, tôi kinh doanh online để có thu nhập" - chị H cho hay.

Khi công việc kinh doanh dần ổn định, thu nhập của vợ chồng (chồng chị vẫn làm công nhân) được tổng cộng khoảng 20 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống, nuôi 2 con ăn học.

Rút bảo hiểm xã hội một lần để kinh doanh, mua vàng dự trữ - Ảnh 1.

Chị Phương về quê tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái để mở cửa hàng kinh doanh. Ảnh: NVCC

Chị H có 3,5 năm tham gia bảo hiểm xã hội khi làm việc tại các công ty. Vừa qua, chị quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần, được tổng cộng hơn 40 triệu đồng.

"Tôi không bị thúc ép về vấn đề tiền bạc, cũng không cần thêm khoản tiền để đầu tư kinh doanh. Tôi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ là để lấy tiền ra, sau đó đi… mua vàng để tích trữ. Làm như vậy, tôi có cảm giác an tâm vì có khoản dành dụm sau này, nếu cần tiền gấp thì tôi có thể bán vàng đi" - chị H cho hay.

Có quãng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ít như chị H, chị Nông Thị Phương cũng quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần.

Sau 4 năm làm công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, chị Phương quyết định chọn hướng đi khác: Mở cửa hàng nail, make up ở quê tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái.

"Hơn 1 năm trước, khi về quê mở cửa hàng, theo tính toán, tôi phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau thời gian đi làm công nhân, tôi chỉ có thể dành dụm được vài chục triệu đồng. Bí tiền, tôi liền nghĩ đến quãng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tôi nhận về hơn 40 triệu đồng" - chị Phương kể lại.

Sau một thời gian cửa hàng đi vào kinh doanh, thu nhập của chị Phương đã ổn định hơn. "Thu nhập một tháng cao hơn lương làm công nhân" - chị Phương tiết lộ.

Rút bảo hiểm xã hội một lần để kinh doanh, mua vàng dự trữ - Ảnh 3.

Chị Nông Thị Phương rút bảo hiểm xã hội một lần để có tiền kinh doanh. Ảnh: NVCC

Giải thích lý do tại sao không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để sau này về già có lương hưu, chị Phương cho biết, chị có quãng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn, phải đóng một thời gian dài nữa mới đủ điều kiện nghỉ hưu. Ngoài ra, chị Phương sinh năm 1988, còn trẻ, rất lâu nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. "Không biết chờ đến bao giờ, trong khi đang cần tiền để kinh doanh, nên tôi rút bảo hiểm xã hội một lần" - chị Phương chia sẻ.

Theo chị Phương, chị không quá lo lắng sau này về già sẽ không có lương hưu để trang trải cuộc sống. "Tôi sẽ cố gắng làm việc để có một khoản tích luỹ đủ để "dưỡng già". Ví dụ, nếu gom được số tiền kha khá, tôi sẽ mua vàng để tích trữ lâu dài" - chị Phương bày tỏ.

Theo thống kê, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỉ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem