Bắt sạch, giết sạch để... nhậu

Thứ hai, ngày 03/10/2011 18:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vào bất kỳ một quán nhậu nào ở các tỉnh ĐBSCL, kêu món “cá ròng ròng” hay “cá rô hột bí” - chủ quán đều “Ok, có ngay”. Chính việc đánh bắt theo kiểu tận diệt, bất cần bảo tồn dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản như hiện nay...
Bình luận 0

Cá con cũng giết!

Nhiều năm trước đây, xã Bình Hòa Trung (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) được coi là “rốn cá đồng”. Bởi vùng đất này nằm cặp sông Vàm Cỏ, các ao, hồ tự nhiên còn rất nhiều. Thế nhưng, ba - bốn mùa lũ vừa qua dân Bình Hòa Trung “chủ yếu ăn cá biển” bởi nguồn cá đồng cạn kiệt. Khắp nơi, người ta dùng lưới lỗ nhỏ (loại 3mm) xây dớn dày đặc, rồi dùng lưới cào xung điện để vét đến con cá cuối cùng…

img
Ông Hai Thương và mớ cá tạp ít ỏi từ việc giăng lưới.

Ông Hai Thương (ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung) lái chiếc xuồng gỗ chở tôi băng qua vạt đồng mênh mông nước để “tận mục sở thị” cách người dân đánh bắt thủy sản theo kiểu truy cùng giết tận. Ông Thương cho biết, từ đầu mùa lũ, người dân địa phương có “cam kết” với chính quyền sẽ không đánh bắt cá trái quy định. Tuy nhiên, dân ở nơi khác kéo tới làm ăn thì không “cam kết” nên họ mặc sức khai thác bất chấp việc bảo tồn.

Giữa mênh mông nước lũ, nhưng từ con cá rô non nhỏ bằng hạt bí đến bầy cá ròng ròng (cá lóc con) đến các loại cò, chim, rắn, rùa… đều bị trận đồ ngư cụ bủa vây không có đường thoát. Từ các dụng cụ khai thác “thân thiện với môi trường” như nò, lờ, lọp, dớn, vợt, câu cần, câu giựt, lưới kéo, lưới giăng, vó bật, kéo côn... đến các ngư cụ bị cấm như xung điện, thuốc cá bằng thảo mộc và cả hóa chất, dớn lỗ nhỏ… đều được khai thác triệt để. Cá tạp, cá con nhỏ bằng hạt dưa cũng không thoát khỏi hàng trăm, hàng ngàn cái dớn giăng dày đặc như thiên la địa võng.

“Dân địa phương như tôi giăng lưới cũng chỉ kiếm ăn chứ không bán chác gì được. Bởi cá lớn, cá bé đều bị mấy người đánh bắt trái luật vét sạch rồi” – ông Hai Thương buồn bã nói. Thăm hết mấy tay lưới chỉ được chừng 1kg cá tạp, ông Hai Thương nói số cá này ông dùng làm mồi, tối tối sang đất Campuchia câu ếch.

“Bên đó họ cấm ngặt nghèo lắm nên nguồn lợi thủy sản còn nhiều. Cá lóc loại 5 – 6 ký, một con bên đó không phải là hàng hiếm. Ếch tôi câu bên đó cũng to bằng hai, ba lần ếch bên mình. Tuy nhiên, họ chỉ cho giăng lưới, cắm câu nên dân mình chỉ khai thác đủ sống chứ không giàu được” – ông Hai Thương nói…

Xuồng kế bên, ông Tư Tân cũng đang gỡ mấy con cá sặt nhỏ xíu mắc lưới thảy vô cái thau. Đưa mắt nhìn hàng dớn giăng phía xa xa, ông Tân nói với giọng trách móc: “Thủ phạm là nó đó. Mấy năm trước, tui chỉ giăng lưới khúc sông sau nhà mà cá ăn không hết. Lớp làm mắm, lớp phơi khô, rồi còn làm mấy khạp nước mắm để ăn quanh năm. Năm nay, giăng lưới nhiều bữa kho mặn ăn còn không đủ. Cá tôm Đồng Tháp Mười sắp tuyệt chủng hết rồi”.

Theo ông Tân, dân câu xứ này hầu hết giải nghệ, “nhường” lãnh địa cho cánh đánh bắt chuyên nghiệp kéo qua từ An Giang, Đồng Tháp…

Bó tay với khai thác trái phép

Ông Nguyễn Văn Quang – nông dân ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, Long An kể lại, nhiều lần ông và “đồng nghiệp” khác giăng lưới bị đám ghe cào lướt ngang cuốn mất lưới nhưng không làm gì được.

“Chúng tôi phát hiện họ dùng xung điện, dùng lưới lỗ nhỏ có gọi điện báo công an xã mấy lần nhưng chẳng thấy ai xuống nên chúng tôi đành bỏ mặc, ai muốn làm gì thì làm” – ông Quang bức xúc.

Cặp theo các tuyến kênh Hồng Ngự, kênh 79 và nhiều tuyến kênh khác thuộc vùng Đồng Tháp Mười, ban ngày các ghe cào điện, ủi điện buộc dây đậu sát bờ đất. Theo tập tính, cá đồng thường kiếm ăn vào ban đêm. Các ghe trang bị xung điện cũng chỉ hoạt động vào ban đêm, vừa đánh được nhiều cá vừa… né cơ quan chức năng. Hầu hết ghe cào và ghe ủi đều gắn động cơ xe ô tô cũ, mua từ chợ trời ở Campuchia.

Thậm chí, có ghe loại lớn còn gắn hẳn động cơ xe tải, đặt dưới lòng ghe. Chỉ cần chừng 30 triệu đồng là dân cào đã có phương tiện bắt cá ngon lành. Do được trang bị động cơ công suất mạnh nên dân cào ít khi sử dụng bình ăc quy có gắn biến điện mà sử dụng nguồn điện do chính động cơ tạo ra. Các dây dẫn điện mắc vào phần đáy cào. Mỗi khi ghe di chuyển, cá lớn cá bé trúng phải nguồn điện đều rơi hết vào miệng cào.

Năm 2000, sản lượng đánh bắt cá tự nhiên của An Giang hơn 91.000 tấn. Năm 2010, dù phương tiện đánh bắt “tối tân” hơn nhưng chỉ còn khoảng 37.000 tấn và dự báo năm nay còn ít hơn, dù đây là mùa lũ lớn sau 3-4 năm qua.

Buổi tối, một “thổ địa” ở Vĩnh Bửu chở chúng tôi bằng vỏ lãi chạy trên kênh Ngang (xã Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng). Trời vừa sụp tối, tiếng động cơ đã bắt đầu gầm rú. Những chiếc đèn pha trên ghe cào quét loang loáng mặt nước.

Thỉnh thoảng, vài chiếc dừng lại, đổ xá cá từ đáy cào vào khoang ghe. Cá lớn thì thả vào thùng chứa, một lúc sau sẽ tỉnh lại. Còn cá bé, thường bị điện giật chết nên dân cào đổ hết vào thùng ướp đá để hôm sau bán cá mồi.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương gần như bất lực trước tình trạng khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt. Hiện nay, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao về cho công an xã. Tuy nhiên, điều khó là lực lượng này chỉ được giao nhiệm vụ chứ không được giao phương tiện.

“Công an chỉ được giao một chiếc vỏ lãi gắn máy nhỏ, làm sao truy đuổi được ghe cào gắn máy lớn? Hơn nữa, lực lượng không có kinh phí hoạt động, chỉ việc đi cắt “đuôi chuột” của mấy cái dớn, chúng tôi còn không làm xuể nói gì tháo dỡ?” – một trưởng công an xã ở huyện Tân Hưng trần tình. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem