Mùa lũ năm nay, nhiều người dân chuyển hướng sang Campuchia thuê đồng để đánh bắt thủy sản… Dọc biên giới Tây Nam, các chủ đất Campuchia thường cho người dân thuê đồng. Tùy theo diện tích lớn nhỏ mà mức tiền khác nhau, từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.
Thu hoạch cá linh ở Kamnab, huyện Kirivong, tỉnh Ta Keo (Campuchia).
Đối với diện tích tự nhiên do Nhà nước quản lý, mức giá cho thuê từ vài chục đến vài trăm triệu đồng và chỉ dành cho những ngư dân “chuyên nghiệp”. Người dân Campuchia không quan tâm nhiều đến việc đánh bắt thủy sản nên mùa lũ mặc nhiên trở thành “mùa kiếm ăn” của nông dân Việt.
Thuê đồng làm “lô”
Từ xã An Phú (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), chúng tôi theo chiếc ghe tam bản của anh Lê Văn Vũ sang cánh đồng nước lũ của xã Kamnab, huyện Kirivong, tỉnh Ta Keo, Campuchia xem thu hoạch cá. Mùa khô, muốn “xuất ngoại” phải xuôi theo kênh Vĩnh Tế rồi rẽ vào những nhánh sông nhỏ. Đang mùa lũ, “tài công” Vũ chỉ việc vặn đều ga cái máy ô tô gắn trên ghe là ghe lao phăm trên cánh đồng mênh mông nước. Thỉnh thoảng, Vũ lại nhấc chân vịt lên, chiếc ghe lướt êm qua hàng dớn (phương tiện đánh bắt cá của người dân) giăng dưới sông.
Ban đêm, gió thổi lạnh cắt da. Vũ rút thuốc ra châm lửa hút. Anh bảo, lát nữa trước khi nhảy xuống nước phải uống một ly rượu cho ấm người. Vũ hút xong điếu thuốc thì ghe đã tới địa phận Campuchia. Anh bảo cánh đồng này diện tích hơn 10km2, được những người trong gia đình anh hùn tiền thuê với giá 180 triệu đồng/mùa.
“Giá thuê mặt nước ở khu vực này rẻ nhất là 15 triệu đồng/km chiều dài. Đường dớn của tôi dài 2km, giá 30 triệu đồng, còn của ba tôi ở khu vực cá nhiều hơn có giá tới 30 triệu đồng/km. Có nơi một đường dài có giá thuê đến vài trăm triệu đồng. Mình không có tiền nên “mua lẻ” thế này, chứ dân có tiền họ mua cả lô, giá có khi lên tới cả tỷ bạc.
Trên đường dớn lưới dài 2km của mình, anh Vũ làm 8 cái rọ lớn để đón cá vào. Mỗi rọ có 2 đường dẫn cá men theo viền lưới chạy vào bụng rọ, cuối rọ lại có 2 miệng của túi lưới chứa cá. Cá lớn, cá nhỏ bơi theo luồng, đụng phải lưới chắn, nó sẽ không quay đầu mà cứ men theo viền lưới tìm chỗ thủng để chui qua, không ngờ lọt vào miệng rọ. Khi vào bụng rọ, chúng lại chui vào những chiếc hom và không cách nào thoát ra được. Khi ghe đã cập đường dớn, anh Vũ tắt máy và tóm lấy rọ, rồi xổ xuống lòng ghe hàng chục ký cá đủ loại. Xong, anh Vũ lại lần theo mép dớn để thu hoạch các rọ còn lại.
Từ thuê đồng đến… cho không
Giáp Tịnh Biên (An Giang) thì cho thuê mặt nước theo chiều dọc, tức tính theo từng km. Còn ở khu vực Pẹc Chạy, Mương Vú, huyện Ko Thum, tỉnh Kandal - giáp đầu nguồn huyện An Phú (An Giang), thì cho thuê mặt nước theo chiều ngang. Còn bên kia biên giới huyện An Phú, ngoài những diện tích lớn cho thuê theo kiểu “bao lô”, phần mặt nước ngoài rìa và những “lõm da beo” cho thuê tính theo đầu xuồng.
Theo khảo sát của NTNN, hầu hết các địa phương vùng lũ của Campuchia, chính quyền xã thường đấu giá cho thuê mặt kênh. Nguồn thu từ việc cho thuê kênh ở mỗi xã từ 20 – 30 triệu đồng. Ở những khu vực “cho thuê”, dân sở tại được phép đánh bắt đủ ăn chứ không được đánh bắt lớn để đem bán…
Dọc biên giới Long An, bên kia sông Cái Cỏ, người dân đánh bắt cá không cần tốn tiền thuê mặt nước bởi bạn “cho không”, miễn là không dùng xung điện và lưới lỗ nhỏ. Người dân ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang) hầu như không sống nhờ vào lúa mà nhờ vào cá, cua. Cả ấp có 700 hộ dân, 2.500 nhân khẩu, nhưng chỉ có 16ha đất nông nghiệp nên người dân chủ yếu chỉ sống khỏe vào mùa lũ. Hầu hết dân ở đây đều là tay “sát cá”. Đầu mùa lũ, mỗi xuồng nộp 2,5 triệu đồng “phí khai thác” để được đánh bắt đến hết mùa (từ tháng 7 - tháng 11). Nước rút sẽ chuyển sang mua bắt cá lóc. Lúc này, “phí khai thác” lên đến 7 triệu đồng/mùa.
Mùa nước nổi, trước cổng UBND xã Vĩnh Hội Đông tự động hình thành “chợ dã chiến”, buổi sáng chủ yếu thu mua cá, buổi chiều là cua, ốc… Theo anh Trần Văn Hải – thương lái chuyên mua thủy sản cung cấp cho các nhà hàng ở TP.HCM, cá tôm, cua ốc có xuất xứ Campuchia thường được mua với giá cao bởi chất lượng vượt trội so với cá tôm đánh bắt trong nước. “Bên mình đánh bắt bằng xung điện, bằng lưới lỗ nhỏ nên cá không kịp lớn, còn phía bạn, họ phạt nặng nên không ai dám bắt cá nhỏ” – anh Hải lý giải.
Ông Lê Minh Hương (ngụ ấp Bình Nam, xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) kể lại, vài năm trước đây, ông đóng đáy dưới sông Vàm Cỏ Tây. Nhiều đợt trúng luồng cá nhiều cả tấn, ông buộc phải xả cho cá thoát ra vì sợ sập đáy. Nay thì nghề này hết ăn, ông sắm vài trăm cần câu qua bên kia biên giới câu ếch. “Ở xã Hưng Điền (huyện Tân Hưng, Long An), nông dân cũng có thể thoải mái sang Campuchia giăng lưới, thả câu mà không phải tốn phí".
------------------
Bài 2: Bắt sạch, giết sạch
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.