Hơn một phần đời lênh đênh mưu sinh theo dòng nước hạ nguồn sông Lam, cũng bằng ấy thời gian sống trong sự đọa đày cả thể xác và tinh thần, phải đến khi dừng chân ở chợ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bằng nghề bán cá và... làm thơ, một phụ nữ mới học hết lớp 7 như tôi mới hiểu thế nào là hạnh phúc.
Đám cưới năm 17 tuổi là kết quả viên mãn giữa tình yêu của tôi với chàng thanh niên làng bên kia sông hiền lành, chất phác.
Sang sông theo chồng, khi đứa con đầu lòng tròn 1 tuổi, tai họa bắt đầu ập xuống gia đình chúng tôi. Chồng tôi bỗng dưng phát cơn điên và liền sau đó, một cơn bão lớn đã phá đổ ngôi nhà che mưa nắng.
Không chốn nương thân, tôi mua một con thuyền nhỏ để cả nhà tá túc và sinh nhai bằng cách xuôi thuyền xuống cảng Cửa Hội mua cá rồi lại ngược dòng Lam lên chợ huyện Đức Thọ để bán. Chặng đường sông cả đi lẫn về mấy chục cây số, ngày nắng cũng như ngày mưa, khi trời yên cũng như mùa lũ chỉ mình đôi tay tôi chèo chống.
Chính cái nơi gọi là tổ ấm ấy, tôi lại bị đọa đày cả về thể xác lẫn tinh thần. Cứ tối đến người chồng điên lại lên cơn đánh tôi và con. Có đêm mùa đông, anh nổi điên múc nước dưới sông lạnh như băng đổ lên người cả mẹ lẫn con, mặc cho mấy mẹ con van xin, kêu khóc, ôm chặt lấy nhau ngồi ép vào mạn thuyền rét run cầm cập. Những khi ấy tôi chỉ mong sao sớm đến bình minh và dòng sông quạnh quẽ đừng cướp mất các con.
Không thể sống mãi cảnh địa ngục trên thuyền, tôi gửi chồng cho bố mẹ chồng rồi dẫn hai con trai khăn gói lên huyện miền núi Quỳ Hợp với hy vọng mong manh tìm được cuộc sống mới. Nhưng nơi đó đất đai cằn cỗi, trong tay chẳng một đồng vốn, trường học lại quá xa xôi nên mấy mẹ con lại ngược đường về quê ngoại.
Chật vật lắm mới mua được một mảnh đất nhỏ ở cuối làng ngay sát dòng sông Lam, tôi dựng lên một túp lều tạm che mưa nắng và ngày ngày xách mẹt ra chợ kiếm tiền nuôi con bằng nghề bán tôm bán cá.
Những khi vắng khách, ngồi một mình, tôi làm thơ và chép vào quyển sổ con luôn mang theo mình. Những bài thơ ra đời ngay bên mẹt tôm cá tanh nồng. Tình yêu thơ đã ngấm vào tôi từ thuở nhỏ. Trong những lúc bi đát nhất của cuộc đời, tôi lại “vịn” vào thơ để đứng dậy.
Khi bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trang trọng trên tạp chí Cửa Việt, tôi vui mừng đến trào nước mắt. Tiếp đó, Đài Tiếng nói Việt Nam, tạp chí Hồng Lĩnh, tạp chí Sông Lam… cùng dùng thơ của tôi. Tôi được nhiều người biết đến, được gặp gỡ, làm bạn với nhiều văn nghệ sĩ, được mời đi đây đó dự các hội thảo văn thơ nhưng thời gian còn lại tôi vẫn đi bán cá và vẫn làm thơ giữa chợ.
Năm 2002, Nhà xuất bản Thanh Niên đã in tập thơ "Mười hai bến đợi" của tôi, rồi tôi được kết nạp vào Hội Văn nghệ Hà Tĩnh và cũng nhờ những vần thơ, tôi đã tìm được hạnh phúc đích thực của đời mình ở cái tuổi tưởng như đã tắt lửa lòng...
Giờ đây, cuộc sống của tôi đã đỡ vất vả, cực nhọc. Niềm vui được nhân lên khi hai con trai của tôi đều đã trưởng thành. Thôi bán cá ngoài chợ, ngày ngày trong căn nhà nhỏ mới xây, tôi làm thơ, viết báo, sống thanh đạm bằng tiền nhuận bút. Mỗi khi có thời gian ngồi ngắm dòng sông Lam tha thiết chảy bồi đắp phù sa cho đôi bờ, tôi lại hàm ơn cuộc sống này đã cho tôi nghị lực để tìm về được với bến đậu hạnh phúc...
Chị Quỳnh Hoa
(Làng Đáy, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh)
Lam Hồng (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.