Bệnh lúc trái nắng

Thứ năm, ngày 07/03/2013 15:50 PM (GMT+7)
Dân Việt - Cơ thể người già trở nên mong manh và dễ trái bệnh lúc trái nắng trở trời. Biết những bệnh này, chúng ta sẽ biết cách phòng và giảm triệu chứng của các bệnh có thể xảy ra.
Bình luận 0

Bệnh đường hô hấp

Lúc trái năng trở trời là cơ hội thuận lợi nhất cho bệnh đường hô hấp phát triển. Khi thì nóng sang lạnh như những ngày đầu đông, khi thì lạnh sang nóng như những ngày cuối xuân. Những lúc đó, các bệnh đường hô hấp thi nhau kéo về và “hành tỏi” sức khỏe người cao tuổi.

img
Ảnh minh họa.

Các bệnh đường hô hấp có thể kể ra đây đó là bệnh viêm khí phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh khí phế thũng, bệnh lao cũ tái phát. Những bệnh này vốn là các bệnh mãn tính của đường hô hấp, luôn thường trực trong cơ thể. Khi thời tiết biến động, chúng bùng nổ và phát bệnh thực sự.

Nguyên nhân của sự phát bệnh đó là do thời tiết thay đổi, làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Hàng rào miễn dịch của đường hô hấp trở nên yếu và không có đủ sức chống lại các mầm bệnh như vi khuẩn, vi rút. Các mạch máu của hệ thống đường thở bị co lại, hệ thống niêm mạc bị kém nuôi dưỡng. Các chất nhầy niêm mạc bảo vệ đường hô hấp ít tiết ra. Tất cả những yếu tố này làm tăng nặng bệnh.

Nhận biết: ho, khó thở, khạc đờm, có khi có sốt là những dấu hiệu điển hình. Một số người bệnh còn có triệu chứng ho ra máu.

Phòng chống: vào những ngày thời tiết chuyển mùa, chúng ta cần theo dõi thời tiết chặt chẽ. Không nên ra ngoài quá sớm hay về nhà quá muộn. Chúng ta chỉ ra ngoài lúc thời tiết ổn định. Tốt nhất chỉ nên ra ngoài sau 7h sáng và kết thúc trước 5h chiều. Các công việc thường nhật của các cụ như tập thể dục, dưỡng sinh, vệ sinh nên sau 7h. Không tiến hành quá sớm, hại đến sức khỏe. Buổi tối, khi đi ngủ, các cụ nên súc họng nước muối nhạt. Buổi sáng có thể ăn một quả quất ngâm mật ong, sẽ rất tốt cho đường hô hấp.

Bệnh xương khớp

Bệnh xương khớp là chứng bệnh thường gặp lúc về già. Gần như cụ nào cũng mắc. Càng về già, hệ thống xương càng trở nên kém hơn và dễ bị bệnh hơn. Đặc biệt vào lúc thời tiết thay đổi.

img
Ảnh minh họa.

Lý do là vì thời tiết thay đổi làm giảm khả năng thích ứng của mạch máu nuôi khớp. Mạch máu co lại, khớp vốn ít mạch máu nuôi dưỡng nay lại bị kém nuôi dưỡng hơn. Cùng với đó là sự giảm chế tiết dịch nhờn càng làm cho vấn đề thêm trầm trọng. dịch nhờn giảm, sụn bị lão hóa, xương bị loãng xương. Tất cả cùng cộng gộp với thời tiết làm bệnh xương khớp trở lên dễ xảy ra hơn lúc về già.

Các bệnh khớp có thể tái phát vào lúc trời thay đổi: bệnh thoái hóa khớp, bệnh viêm đa khớp dạng thấp, bệnh thấp khớp, bệnh viêm khớp gối, khớp háng…

Nhận biết: đau khớp, đau trong xương. Các khớp có khi sưng lên, đỏ ra. Đi lại rất khó khăn, gấp duỗi thấy rất đau. Thường bị ở khớp cổ tay, cổ chân, gối, háng. Có khi khớp rất cứng, phải xoa bóp chừng 15 phút mới có thể đi lại được

Cách xử lý: xoa bóp nhẹ nhàng trước khi vận động và trước khi ngủ. Nếu trời rét, cần ủ ấm bằng cách đi tất tay, tất chân loại mỏng. Nếu trời nóng không được nằm điều hòa quá lạnh dưới 250C. Buổi tối trước khi đi ngủ, xoa bóp khớp bằng dầu xoa khớp có bán rộng rãi trên các nhà thuốc. Loại dầu này có chứa chất làm giãn mạch, nóng da vùng khớp viêm có tác dụng giảm triệu chứng đau của bệnh. Nếu khớp bị cứng, co duỗi nhẹ nhàng, vận động nhẹ nhàng trên giường chứng 15-30 phút rồi mới đi lại. Nếu không có thể gây tổn thương màng khớp.

Bệnh tim mạch, huyết áp và đột qụy

Có thể nói rằng không có thứ bệnh nào lại dễ phát bệnh như bệnh tim mạch, huyết áp và đột qụy não đến vậy. Bản thân người già đã có sẵn chứng bệnh tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Một số cụ già còn bị chứng đột qụy não mà dân gian vẫn quen gọi là tai biến mạch máu não, trúng gió, trúng độc. Khi thời tiết thay đổi, sự thích nghi của hệ thống tim mạch rất kém càng làm cho các bệnh dễ xảy ra hơn.

img
Ảnh minh họa.

Tại sao lại như vậy: khi thời tiết thay đổi, mạch máu dễ bị co lại cấp tính, nhất là khi trời lạnh. Điều này gây ra tăng huyết áp. Khi trời chuyển nóng, cơ thể ra mồ hôi nhiều và rối loạn điện giải, càng làm cho hoạt động tim mạch bị rối loạn. Những tác động này làm cho rối loạn nhịp tim tăng, huyết áp tăng, đột qụy não xảy ra.

Nhận biết: người các cụ trở nên mệt mỏi, khó thở, tức ngực, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, chân tay yếu, đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tự động tại gia thấy nhịp tim tăng và huyết áp tăng lên, hồi hộp, đánh trống ngực.

Xử trí: khi có biến động về huyết áp, người bệnh cần ngồi xuống, bình tĩnh, ngả lưng vào chiếc ghế nửa nằm nửa ngồi cho dễ thở. Nhắm mắt lại, lấy 2 ngón tay nhẹ nhàng ấn và day vào hai nhãn cầu chừng 1 phút. Biện pháp này giúp hạ huyết áp xuống nhanh chóng. Khi người bệnh yếu bại nửa người, cần cho người bệnh nằm trên một mặt phẳng cứng và đưa đi viện nhanh chóng. Để người bệnh có thể thích nghi tốt, khuyên các cụ không nên ra ngoài trời sớm và không đi lại lúc ban đêm. Như vậy, sẽ giúp sức khỏe hệ tim mạch ít bị biến động. Không nên ăn mặn, không nên ăn nhiều chất béo. Các cụ cần giữ chế độ sinh hoạt điều độ và chế độ tập thể dục đều đặn. Chỉ cần một ngày 30 phút thể dục dưỡng sinh, các cụ sẽ thấy cuộc sống thật vui, khỏe và có ích.

Anh Khuê

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem