Bệnh tay chân miệng: Lây lan nhanh do chủ quan

Thứ năm, ngày 29/09/2011 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi các cơ quan chức năng tuyên bố quyết liệt chống dịch và không công bố dịch vì “đang trong tầm kiểm soát” thì bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn không ngừng gia tăng cả về tính chất lẫn quy mô.
Bình luận 0

Thông tin mới nhất từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngày 27.9, Sở Y tế tỉnh Bình Định ghi nhận thêm 1 bệnh nhi tử vong vì bệnh TCM, nâng tổng số bệnh nhi tử vong lên con số 112 trường hợp. Tuần trước, lần đầu tiên trong nhiều năm qua, miền Bắc (Hà Nội) có trẻ tử vong do bệnh TCM. Bệnh nhi tử vong là cháu H.T.B.N, 3 tuổi (Ba Đình, Hà Nội).

img
Bệnh TCM diễn biến phức tạp cả về tính chất lẫn quy mô (khám bệnh TCM tại BV Nhi T.Ư).

Diễn biến phức tạp

Đối chứng hai báo cáo giữa tuần thứ 27 và tuần thứ 28 năm 2011 (trong tháng 9) của Cục Y tế dự phòng gửi Bộ trưởng Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ cho thấy, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Báo cáo ở tuần thứ 27 cả nước có 52.321 ca, thì đến tuần thứ 28, cả nước đã có 57.000 ca mắc TCM, số ca tử vong cũng tăng 27 trường hợp so với cùng kỳ tháng 8. Như vậy, chỉ trong 1 tuần (từ 16 - 22.9), đã có thêm gần 5.000 ca mắc mới, số ca tử vong cũng tăng 9 ca, tỷ lệ tăng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã bác bỏ thông tin trên (?!) và khẳng định: "Trong tuần 28 chỉ có hơn 2.000 ca mắc mới và thực tế báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ có từng ấy ca. Bệnh vẫn chưa có gì đột biến, vẫn đang trong tầm kiểm soát của ngành y tế".

Ghi nhận từ Sở Y tế Thanh Hoá - tỉnh có số trẻ mắc TCM cao nhất nhì miền Bắc, tích luỹ từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã có 2.100 trẻ mắc bệnh, trong đó có 2 trẻ tử vong. Đặc biệt, số bệnh nhi mắc mới trong tháng 9 bằng toàn bộ số bệnh nhi mắc bệnh trong 8 tháng vừa rồi cộng lại, với 1.200 ca. Số huyện phát hiện có dịch TCM cũng đã tăng từ 17 huyện (đầu dịch bệnh) lên 26/27 huyện, thị toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hoá nhận định, so với đỉnh dịch hồi tháng 7 thì đỉnh dịch thứ 2 (từ tháng 9-11) sẽ còn diễn biến phức tạp hơn cả về tính chất lẫn quy mô, vì rơi vào thời điểm tựu trường, đặc biệt là thời tiết chuyển mùa, nóng, ẩm thất thường.

Không riêng gì Thanh Hoá, nhiều tỉnh mới nổi về bệnh TCM ở miền Bắc cũng đang phải đối mặt với tình hình bệnh lây lan nhanh. Tại tỉnh miền núi Hoà Bình - 1 trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về số ca mắc bệnh hiện nay, tuần vừa qua đã có 142 ca bệnh mới, nâng tổng số mắc TCM lên gần 1.000 ca.

Y tế địa phương vẫn chủ quan

Lý giải về việc dịch bệnh diễn biến phức tạp, tăng cao hơn so với các năm ở miền Bắc, một số chuyên gia trong ngành dịch tễ cho rằng: Bệnh TCM lây lan chủ yếu qua đường hô hấp và tiêu hoá, do đó cơ chế lây bệnh sẽ nhanh, quy mô rộng. Mặt khác, nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người dân còn kém, cộng thêm vào đó là điều kiện khách quan như thời tiết trong những năm gần đây có những diễn biến bất lợi; mật độ dân số đông đúc; môi trường ô nhiễm, hoặc trẻ vào mùa tựu trường...

Ngày 28.9, Sở Y tế Hà Nội có công văn khẩn yêu cầu các đơn vị y tế giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch tay chân miệng trên địa bàn thành phố. Các đơn vị phải kịp thời xử lý triệt để khi có ổ dịch xuất hiện, không để dịch lan rộng; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, hoá chất...

Nhìn nhận thực tế, ông Nguyễn Văn Bình cũng thừa nhận là Bộ Y tế đã chỉ đạo quyết liệt phòng, chống dịch nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Công tác phòng, chống dịch mới chỉ tập trung vào một số hoạt động vệ sinh môi trường như phun hoá chất diệt khuẩn mà chưa chú trọng vào khâu thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân như rửa tay, làm sạch đồ dùng sinh hoạt của người dân.

Trong khi đó, nhiều địa phương cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phòng, chống dịch. Ông Nguyễn Ngọc Thành kêu khó vì: "Kinh phí hạn chế, ý thức người dân về phòng dịch còn kém nên số ca mắc mới vẫn không ngừng tăng, thậm chí còn tăng cao hơn vào đợt đỉnh 2 của dịch bệnh".

Tại nhiều nơi, cán bộ y tế còn rất chủ quan như tỉnh Hoà Bình. Khi được hỏi về công tác phòng, chống bệnh TCM, một cán bộ Sở Y tế thản nhiên: "Dịch TCM cũng như bao dịch bệnh khác, chẳng có gì phải quan tâm thái quá như thế. Nhiều bệnh dịch còn quan trọng hơn như cúm, HIV...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem