Bệnh than có thể gây tử vong

Thứ ba, ngày 19/07/2011 13:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không riêng gì Lai Châu, Điện Biên, trong năm 2010-2011, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng đã ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện đến từ các tỉnh Thanh Hoá, Hà Giang…
Bình luận 0

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), trong điều kiện địa hình và khí hậu như Việt Nam, không thể xác định vùng dịch tễ rõ ràng được. "Những năm gần đây, bệnh than đã được kiểm soát tốt nhưng vì tâm lý chủ quan của cơ quan kiểm dịch thú y và thái độ lơ là của người dân mà dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát trở lại"- bác sĩ Cấp nói.

Theo bác sĩ Cấp, bệnh than là căn bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm trực tiếp từ động vật (chủ yếu là trâu, bò, ngựa...) sang người. Bệnh lây lan phần lớn qua đường hô hấp và tiêu hoá, gây nên những tổn thương ngoài da, tổn thương viêm loét hệ tiêu hoá và cả hệ hô hấp. Dịch bệnh than gần đây ít xuất hiện vì công tác kiểm dịch của cơ quan thú y đã tốt hơn.

Tuy nhiên, tại một số vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn nhận thức về bệnh và việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn kém. Tình trạng trâu, bò, ngựa… chết vẫn xả thịt để ăn và đem bán mà không được kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn khá phổ biến. Trong khi đó, hệ thống kiểm dịch của cơ quan thú y lại yếu kém, cơ sở không bao phủ nên việc nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi.

Các chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cũng nhận định: Bệnh tuy không phổ biến, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, mất nước, mất máu, thủng ruột, thậm chí tổn thương não. Trong đó, nguy hiểm nhất vẫn là các bệnh nhân bị nhiễm bệnh qua đường hô hấp. Khi nhiễm bệnh, người bệnh thường có triệu chứng khó thở, hôn mê, cơ thể rét run dẫn đến suy hô hấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời, trong vòng từ 1-3 ngày bệnh nhân có thể tử vong.

Với những vùng có dịch bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo, các cơ sở thú y cần tăng cường giám sát, khoanh vùng dịch bệnh. Trong trường hợp phát hiện gia súc mắc bệnh cần phối hợp với các đơn vị y tế thực hiện tiêu huỷ và khử trùng nghiêm ngặt, không để bà con xả thịt. Tuy nhiên, biện pháp tích cực nhất vẫn là tuyên truyền và kêu gọi sự chủ động của người dân trong việc nâng cao ý thức, không sử dụng thịt động vật chết để ăn và bán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem