Bệnh viện đổi mới, bác sĩ than đi làm như... ra trận

Diệu Linh Thứ tư, ngày 20/07/2016 06:19 AM (GMT+7)
“87,67% người bệnh hài lòng về dịch vụ khám chữa bệnh” là kết quả khảo sát Bộ Y tế thông tin tại hội nghị sau 1 năm thực hiện phong trào “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” ngày 19.7. Tuy nhiên, nhiều bác sĩ phản ánh, họ đi làm như... ra trận.
Bình luận 0

Không nên sớm lạc quan

Theo ông Phạm Văn Tác - Vụ trưởng Vụ  Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), sau 1 năm triển khai phong trào, hầu hết các bệnh viện (BV) đã có sự thay đổi rõ rệt. Qua điều tra sơ bộ của Bộ Y tế tại 10 BV từ T.Ư đến huyện, 70% người bệnh được phỏng vấn cho biết đã được nhân viên y tế hướng dẫn thủ tục khám bệnh tận tình hơn, được giải thích về bệnh trạng rõ ràng hơn…

img

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận kiểm tra công tác phục vụ đón tiếp, phục vụ người bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.    ảnh:  BVBT

Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh hài lòng về thủ tục hành chính và minh bạch thông tin còn thấp, chỉ đạt xấp xỉ 60%. Nhiều người dân cho biết, quy trình khám bệnh vẫn phức tạp, do điều kiện phòng ốc ở các BV T.Ư chật chội, cơi nới nhiều nên cho dù có được hướng dẫn, bệnh nhân và người nhà vẫn như lạc vào mê cung, tìm đến được các phòng xét nghiệm, chiếu chụp cũng “tướt bơ”. Mặc dù đã có cải tiến quy trình khám chữa bệnh, nhưng cũng chỉ hơn 60% người bệnh thấy thời gian chờ đợi khám đã giảm.

  Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký kế hoạch triển khai cơ sở y tế “Xanh – sạch- đẹp”, hướng tới 100% cơ sở y tế đạt mục tiêu này. Theo đó, các cơ sở y tế cần tăng cường nhiều cây xanh; giữ sạch cơ sở y tế, có đầy đủ nước uống và sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh có bồn rửa tay, xà phòng…; phân loại thu gom, xử lý rác thải theo quy định; bố trí khoa phòng đẹp, ngăn nắp, trang phục gọn gàng, sạch sẽ...
 

Cũng theo ông Tác, Bộ Y tế đang triển khai cơ sở y tế xanh sạch đẹp, trong đó nhấn mạnh các BV phải đạt điều kiện về vệ sinh môi trường, vệ sinh buồng bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn tới 42% người bệnh chưa hài lòng vì các khu vệ sinh khai khẳn, thiếu sạch sẽ...

Tuy “chẻ nhỏ” các vấn đề thì bệnh nhân chưa hài lòng nhưng về mức độ hài lòng chung vẫn rất cao, 87,67% số bệnh nhân được hỏi hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại 10 BV được khảo sát.  “Với mức độ hài lòng gần 88%, chỉ số hài lòng của các BV đã sớm đạt được theo yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ (hơn 80% vào năm 2020)” – ông Tác đánh giá.

Tuy nhiên, trao đổi với NTNN, một chuyên gia y tế cho rằng chỉ số hài lòng của các BV đã “vượt chỉ tiêu” là quá lạc quan. Vì ngành y tế vẫn còn ngổn ngang các vấn đề cần giải quyết như quá tải BV, nhập nhằng công – tư dẫn đến các BV lạm dụng dịch vụ, thái độ phục vụ dù đã cải thiện nhưng người bệnh vẫn bức xúc, mệt mỏi, viện phí cao trong khi còn hơn 20% người dân chưa tham gia BHYT...

Ông Tác cũng nhận định, một số cán bộ y tế mặc dù đã được tập huấn, nhưng còn cứng nhắc trong giao tiếp, ứng xử với người bệnh, nhận thức của một bộ phận cán bộ y tế còn chậm chuyển đổi, mang nặng tâm lý “xin - cho”, “ban ơn”…

Người dân cũng cần thay đổi

Bác sĩ La Đức Cương – Giám đốc BV Tâm thần T.Ư 1 nhận định, việc thay đổi phong cách phục vụ thì bác sĩ phục vụ bệnh nhân tâm thần được “lợi” nhiều nhất. “Nếu bác sĩ nhẹ nhàng, gần gũi thì người bệnh tâm thần sẽ đỡ phát bệnh hơn, không chửi mắng, tấn công bác sĩ, bác sĩ an toàn hơn, nhàn hơn” - bác sĩ Cương nhận định.

Theo ông Cương, cả BV Tâm thần T.Ư 1 có hơn 600 cán bộ và liên tục phải điều trị, chăm sóc cho hơn 600 bệnh nhân nội trú. Hầu hết gia đình người bệnh đều hiểu sự vất vả của y bác sĩ vì họ cũng đã phải chịu nỗi khổ như vậy. Tuy nhiên vẫn có người nhà nhiều khi cũng không thấu hiểu nên trách mắng các bác sĩ một cách oan uổng. Cho dù thế, các bác sĩ vẫn đành “cười tươi” nghe mắng và nhẹ nhàng giải thích.

Một bác sĩ BV Bạch Mai cũng chia sẻ, từ hồi có phong trào “Đổi mới thái độ” mỗi ngày đi làm của anh giống như “ra trận”. Bình thường công việc đã căng thẳng, mỗi ngày làm việc từ 6 giờ 30 phút, khám bệnh cho 50-70 bệnh nhân, thời gian quay cuồng. Mà theo quy định, việc tư vấn cho bệnh nhân phải kỹ càng, nên anh càng phải gắn chặt với cái ghế, không có thời gian uống nước, lắm khi đến đi vệ sinh cũng… nhịn.

Còn một điều dưỡng tại BV tỉnh Ninh Bình chia sẻ, nhân viên điều dưỡng phải làm “thượng vàng hạ cám” từ tiếp đón, chăm sóc bệnh nhân đến làm các thủ tục hành chính, nhập thông tin bệnh nhân… “Gần như cả ngày chúng tôi đều đứng, tay chân, mắt miệng đều hoạt động đến nhức mỏi. Nhưng bệnh nhân đòi hỏi được phục vụ ngày càng cao, chỉ chậm trễ là bị quát mắng, hạch sách “lấy tiền rồi còn thái độ” thậm chí còn chửi vỗ mặt” – điều dưỡng này tâm sự. 

Đồng tình với nỗi vất vả của các nhân viên y tế, PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, BV Bạch Mai mở cửa đón bệnh nhân từ 4 giờ 30, khám bệnh từ 6 giờ, khám đến khi hết bệnh nhân cũng 18-19 giờ. “Ngày làm việc 10-12 tiếng nên bác sĩ rất mệt mỏi, giữ được thái độ hoà nhã, vui vẻ không dễ dàng gì.

Trong khi đó, nhiều bệnh nhân đặc biệt là người nhà thiếu hợp tác, cứ thích làm theo ý mình mà không tuân thủ trật tự, yêu cầu của BV. Do đó, chúng tôi mong lắm được người dân chia sẻ nỗi vất vả, khó khăn trong môi trường làm việc ở BV, cùng cộng tác với BV để tạo môi trường điều trị tốt hơn cho người bệnh” – TS Anh tâm sự./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem