Bị dồn đường cùng, ngư dân tàu 67 chấp nhận giữ lại thép Trung Quốc

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 08/09/2017 18:25 PM (GMT+7)
Nợ nần chồng chất, tàu nằm bờ dài ngày, gia sản phơi nắng mưa, ngư dân Bình Định đành “xuống nước” chấp nhận giữ lại thép Trung Quốc trên tàu của mình, tuy nhiên nỗi lo vẫn in hằn lên hành trình đòi công lý đầy gian khổ của họ.
Bình luận 0

Ngày 8.9, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã có cuộc họp với 5 ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67 tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, đại diện doanh nghiệp đóng tàu… để thống nhất phương án khắc phục. Trong đó, ngư dân Nguyễn Văn Lý (huyện Phù Mỹ) vắng mặt.

Đánh giá của chuyên gia: lập lờ đánh lận?

img

4 con tàu vỏ thép bị rỉ sét, hư hỏng được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương.  Ảnh: D.T

Đối với việc đánh giá lại chất lượng của con tàu thì trách nhiệm thuộc về ngân hàng cho vay vốn. Tàu có tuổi thọ hoạt động 15 năm nhưng sau này chỉ còn lại 10 năm thì nếu có vấn đề gì thì các đơn vị này phải chịu. Vì vậy, các ngân hàng cần có phương án để giải quyết vấn đề này”.

Ông Phan Trọng Hổ

Trong 5 tàu vỏ thép đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, chỉ có duy nhất tàu BĐ 99018 TS của ngư dân Võ Tuân (ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) được thống nhất sửa chữa.  Riêng 4 chiếc tàu của các ngư dân Trần Minh Vương, Mai Văn Chương, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Mạnh, theo kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng thì vỏ tàu không đạt chuẩn mác A vì yếu tố Mn  (măng gan) không đạt. Vì vậy, tỉnh Bình Định đã thuê chuyên gia kiểm tra lại chất lượng thép để đưa ra phương án khắc phục.

Sau khi kiểm tra 4 tàu, ông Đặng Vũ Ngoạn- PGS - TS chuyên ngành vật liệu kim loại - luyện kim cho rằng, việc vỏ thép bị han gỉ nguyên nhân chủ yếu không phải là do vật liệu làm vỏ tàu mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo đúng quy định. Còn thành phần Mn trong thép thấp hơn QCVN 21:2010/BGTVT có thể chấp nhận được do 2 yêu cầu cơ bản của nhóm thép này là cơ tính và tính công nghệ đạt yêu cầu. Tuy nhiên, ông Ngoạn thừa nhận trong quá trình kiểm tra thì tài liệu cung cấp để giám định vật liệu vỏ tàu trước và sau còn ít, không có ảnh kim tương của vật liệu, các quy trình hàn và sơn, vật liệu sơn chưa rõ thành phần nên không thể có cái nhìn toàn cảnh về vật liệu và công nghệ chế tạo vỏ tàu. Trong khi đó, ông Hoàng Trọng Bá- PGS - TS ngành luyện kim - vật liệu kim loại đưa ra ý kiến, việc vỏ tàu bị gỉ sét là do quá trình xử lý chống ăn mòn không hợp lý chứ không phải do yếu tố Mn thấp. Từ bản thiết kế đến quy trình công nghệ xử lý bề mặt vỏ tàu của Công ty Đại Nguyên Dương vừa thiếu, vừa không hợp lý. “Bản thiết kế thiếu hẳn việc tính toán và lắp đặt thanh kẽm chống rỉ. Khi đến hiện trường, tôi thấy một số cục kẽm đã gắn lên mạn tàu nhưng lại sai về hình dáng kích thước, kết cấu, số lượng và mới được gắn lên. Về lớp sơn, một số điểm thiếu và chưa hợp lý”- ông Bá lý giải.

Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) đã có văn bản thống nhất với ý kiến kết luận của 2 chuyên gia, với nội dung: “Vỏ thép bị han gỉ nguyên nhân chủ yếu không phải là do vật liệu làm vỏ tàu mà do không có biện pháp bảo vệ vỏ tàu theo đúng quy định. Thành phần Mn thấp hơn QCVN 21:2010/BGTVT và Mn không ảnh hưởng đánh kể đến ăn mòn với hàm lượng đó. Đề nghị cho sửa chữa và sơn lại toàn bộ 4 tàu trên theo quy định”. Tuy nhiên, ông Hà Ngọc Tân- Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ lại cho rằng: “Đánh giá của chuyên gia chỉ là ý kiến cá nhân, còn về mặt pháp lý thì không ổn. 2 chuyên gia nói tàu không ảnh hưởng gì dù thép thiếu yếu tố Mn là vô lý, nếu không có ảnh hưởng thì tại sao Chính phủ đưa vào quy chuẩn làm gì? Đưa ra quy chuẩn thì bắt buộc phải làm theo quy chuẩn mới đúng”.

Theo ông Tân, việc lựa chọn phương án chấp nhận giữ lại thép Trung Quốc là để ngư dân được ra khơi sớm, còn khi ra khơi hỏng thì sẽ quay lại với việc khiếu kiện, lúc đó đăng kiểm phải chịu trách nhiệm. “Để kéo dài thời gian thì ngư dân là người chịu thiệt hại nhất”- ông Tân chia sẻ.

Ngư dân nắm phần “lưỡi dao”

Ông Nguyễn Xuân Nguyên- Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đưa ra lời hứa, nếu ngư dân thống nhất sửa chữa, công ty sẽ điều công nhân vào Bình Định khắc phục trong vòng 15 ngày.

Tại cuộc họp, 2 ngư dân Nguyễn Văn Mạnh và Mai Văn Chương đề nghị công ty tháo thép Trung Quốc, đóng lại đúng hợp đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần đắn đo, sợ tàu nằm bờ quá lâu, nợ chồng nợ nên họ chấp nhận “xuống nước”, đồng ý giữ lại thép Trung Quốc. Ngư dân Mạnh bức xúc: “Thú thực, việc đồng ý của tôi hôm nay, giống như việc người đàn bà chửa rồi thì phải đẻ, chứ chẳng ai muốn. Ngư dân thanh toán tiền thép Hàn Quốc nhưng công ty đóng thép Trung Quốc là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi rất lo lắng về tuổi thọ con tàu, sau khi sửa chữa xong ra khơi mà vẫn hư hỏng thì biết kêu ai”.

Để sở hữu con tàu hư hỏng, ngư dân Võ Tuân (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) phải mất gần 16 tỷ đồng. Cũng chính những vết hư hỏng trên con tàu này đã khiến ông suýt mất mạng trong lúc lao động. “Đúng ngày 30.8, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải sửa chữa xong tàu để tôi vươn khơi đánh bắt. Thế nhưng, nhà máy đóng tàu cố tình kéo dài thời hạn khắc phục, không thực hiện đúng cam kết khiến tôi rất lo lắng vì cảnh nằm bờ, nợ nần chồng chất. Tôi đề nghị công ty nhanh chóng sửa chữa, đền bù thiệt hại cũng như tính toán lại phần chênh lệch giá thép cho chúng tôi”- ông Tuân nói.

Trước lo lắng của ngư dân, ông Nguyễn Văn Cường - Phó trưởng Phòng đăng kiểm Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) vẫn chưa biết chắc chắn tàu có tuổi thọ bao nhiêu năm sau khi sửa chữa? “Cái này đăng kiểm không thể nói được. Tùy theo việc kiểm tra, bảo hành định kỳ con tàu”- ông Cường viện lý do.

Ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết: “4 ngư dân đã đồng ý phương án sửa chữa, riêng ngư dân Nguyễn Văn Lý nếu không đồng ý thì có thể khiếu kiện công ty ra tòa. Chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh để có ý kiến thống nhất phương án, chậm nhất ngày 27.9 phải sửa chữa xong”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem