Xóm Nhì có 182 hộ đang canh tác 262.235m2 đất. Thực hiện chủ trương của tỉnh, cuối năm 2011, xóm Nhì đã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa, sau đó triển khai đến người dân.
Từ bạn thân thành thù hận
Qua nhiều lần tổ chức họp, lấy ý kiến, một số hộ vẫn chưa đồng thuận. Tuy nhiên Tiểu ban dồn điền, đổi thửa của xóm vẫn tổ chức cho người dân gắp thăm, nhưng những hộ không đồng ý với phương án trên không tham gia. Mặc dù vậy, tháng Giêng 2013, xóm Nhì đã tổ chức triển khai chuyển đổi ruộng đất. Vậy là hơn 30 hộ dân làm đơn khiếu kiện. “Dân xóm Nhì bỗng thành hai phe, người được ruộng gần, ruộng tốt thì hả hê. Người bị chuyển ruộng đi đồng xa thì buồn rười rượi, nói cạnh nói khóe lẫn nhau –như mặt trăng, mặt trời”- chị Vũ Thị Hồng- một người dân xóm Nhì cho biết.
Chị Nguyễn Thị Hải kể chuyện “bờ xôi, ruộng mật” bỗng vào tay người khác.
Biết tin chúng tôi đến, mặc dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng bà Nguyễn Thị Thịnh vẫn cố gắng tìm đến để gặp. Bà kể, trước đây gia đình bà cấy hơn 1 sào ruộng ở khu Dàn Hoa, chỉ cách nhà hơn 100m.
Khi dồn điền đổi thửa, xóm lại chuyển ruộng của bà cho bà Hải. Còn bà thì chuyển đến canh tác ở ruộng của bà Yến (là em gái chồng). Tuy đây là ruộng tốt, gần đường, nhưng nếu nhận ruộng này, chị em sẽ sinh mâu thuẫn, nên bà từ chối và vẫn canh tác ở ruộng cũ. Đến lúc thu hoạch thì bà Hải cho người ra gặt.
Trong tâm trạng ấm ức, bà Thịnh nói: “Nhà tôi và nhà bà Hải chỉ cách nhau cái giậu, chị em chơi thân với nhau suốt gần 50 năm qua, những lúc bà Hải trái gió trở trời, tôi vẫn sang chăm bẵm. Khi con bà Hải đi làm việc ở Czéch, thiếu tiền tôi còn đứng ra vay ngân hàng để giúp. Chị em “con chấy cắn đôi”… Vậy mà bây giờ không nhìn mặt nhau nữa…”.
Nhiều người dân xóm Nhì bức xúc về việc dồn điền, đổi thửa chưa hợp lý.
Cụ Bùi Thị Thanh (81 tuổi) thều thào kể, trước đây gia đình cụ có hơn 3 sào ruộng ở khu Dàn Hoa, cũng chỉ cách nhà hơn 100m. Đây là đất hai lúa vừa cho năng suất cao vừa thuận lợi trong việc canh tác. Dẫu chẳng làm được gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng ghé thăm đồng, cũng đỡ đần con cháu được chút ít. Nhưng khi đồn điền, đổi thửa, xóm lại chuyển ruộng của gia đình cụ lên tận khu đồng Rắc, cách đó khoảng 3 cây số. “Chẳng còn luân thường đạo lý gì nữa”- cụ Thanh bức xúc nói.
Khi biết ruộng của nhà mình bị chuyển cho chị Chuyện, chị Trần Thị Lợi đến gặp chị Chuyện nói không nhất trí với việc chuyển đổi và đề nghị chị Chuyện không cấy ở đó. Tuy nhiên, chị Chuyện không chấp nhận bởi cho rằng, xã đã chia cho mình. Rồi chị Chuyện cho người phá lúa của gia đình chị Lợi. “Buồn nhất là trước đây đôi bên gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng. Bây giờ không còn tình làng nghĩa xóm”- chị Lợi than thở.
Đánh vợ phải nhập viện Anh Phạm Đắc Sơn và vợ là Trần Thị Tuyến có 3 sào ruộng ở khu vực cánh đồng Vông, chỉ cách nhà khoảng 100m. Khi dồn điền, đổi thửa, ruộng phân cho anh chị chuyển đi cách đó khoảng 5km. Chị Tuyến kể, mặt buồn rười rượi:
“Chỉ vì chuyện ruộng nương mà hai vợ chồng suốt ngày cắn cấu nhau. Một hôm em đang ở nhà chuẩn bị hàng để ra chợ bán thì chồng em nói tao nhận ruộng rồi, mày không phải nhận nữa. Em bảo không đồng ý với cách làm của xã, ruộng của nhà mình trước ở đâu, cứ cấy ở đó. Vừa dứt lời, chồng em lao vào đấm em thâm tím mặt mũi... Em phải đi Bệnh viện Nam Định điều trị 1 tuần. Giấy tờ, đơn thuốc vẫn còn…”.
Thế bây giờ quan hệ vợ chồng ra sao - chúng tôi hỏi. Khẽ cười, chị Tuyến trả lời: “Được cái sau đận đó, chồng em cũng ân hận và biết lỗi, nên bây giờ cũng đồng cảm, chia sẻ với em…”.
Theo phản ánh của một số người dân thì khu ruộng họ bị chuyển đi (Dàn Hoa, Mả Dài), nay có không ít người là cán bộ, đảng viên, họ hàng của cán bộ, thậm chí có cả những người trước đây đã bán ruộng, đến canh tác. Chúng tôi đem những băn khoăn ấy của người dân đến gặp ông Nguyễn Văn Đỉnh - Chủ tịch UBND xã Trung Thành.
Ông Đỉnh cho biết: Khi một số hộ không nhất trí, UBND xã đã đưa ra phương án lấy đất quỹ công ích của xã (ở khu Văn Chỉ, Làng Mai) để chuyển đổi cho những hộ trên và thành lập Tổ công tác để xác minh khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân xóm Nhì... Khi phóng viên cho biết là theo tìm hiểu thì phương án này không được bà con chấp nhận, UBND xã sẽ giải quyết thế nào, ông Đỉnh trầm tư: Chúng tôi tiếp tục tìm biện pháp để giải quyết thỏa đáng yêu cầu chính đáng của bà con. Cán bộ, đảng viên nào tư lợi, làm sai sẽ xử lý nghiêm.
Chia tay phóng viên, nhiều người dân xóm Nhì bày tỏ rằng họ đang từng giờ, từng phút trông đợi vào những quyết sách thấu tình, đạt lý của UBND xã Trung Thành để sự bình yên trở lại trên mảnh đất này, và nụ cười rạng ngời cùng những cái bắt tay thắm thiết mỗi lúc người dân gặp nhau...
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Đại Nam): Dồn điền đổi thửa là cuộc vận động và triển khai nhằm tạo nên cánh đồng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa đạt hiệu quả cao. Việc này phải tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, công khai với sự đồng thuận cao của nông dân; quá trình thực hiện phải đảm bảo đoàn kết, nhất trí, ổn định tình hình an ninh, theo đúng Kế hoạch 45 ngày 30.8.2011 của UBND tỉnh Nam Định. Nhưng ở xóm Nhì nhiều người dân chưa đồng ý với phương án dồn điền đổi thửa mà Tiểu ban dồn điền đổi thửa của xóm vẫn tổ chức gắp thăm, rồi triển khai thực hiện là mang tính áp đặt, đi ngược nguyên tắc tự nguyện, vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở.
|
Lê Chiên (Lê Chiên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.