Bi kịch người gốc Hoa tại Mỹ lừa đảo chính đồng bào của mình

Chủ nhật, ngày 18/02/2018 11:00 AM (GMT+7)
Nhiều người phụ nữ cao tuổi gốc Hoa sinh sống ở Mỹ mất trắng tài sản tích cóp cả đời vào tay của nhóm lừa đảo người đồng hương.
Bình luận 0

img

Bà Wang Jing bị một nhóm phụ nữ đồng hương người Trung Quốc lừa toàn bộ số tiền của dành dụm suốt 30 năm. Ảnh minh họa: New York Times.

Bà Wang Jing cảm thấy quá xấu hổ khi nhớ lại những gì đã xảy ra. Trong suốt một tiếng đồng hồ đầu tiên trò chuyện với phóng viên của tạp chí New Yorker, người phụ nữ gốc Hoa này luôn lảng tránh ánh mắt của người đối diện. Bà Wang rụt rè kể lại câu chuyện mình bị một nhóm phụ nữ đồng hương lừa đảo. Cậu con trai ngoài 20 tuổi, ngồi cạnh bà, nét mặt không biểu hiện cảm xúc chỉ tập trung quan sát và chăm chú lắng nghe. Giống như cách những đứa con căng mình ra bảo vệ cha mẹ là người nhập cư, cậu thanh niên không muốn mẹ mình bị lợi dụng. 

Bà Wang hiện kiếm sống bằng nghề chăm sóc người cao tuổi Trung Quốc sống ở New York. Dáng vẻ bà trông mệt mỏi như phải gánh vác nhiều mối lo. Mí mắt người phụ nữ 61 tuổi này rũ xuống với những vân máu nổi chằng chịt. Kể từ khi đặt chân đến nước Mỹ 32 năm trước, bà Wang mới chỉ ra khỏi thành phố New York đúng một lần. Thế giới của bà bó gọn trong những khu phố Tàu ở Manhattan và Brooklyn. 

"Con ma ở khu phố Tàu"

Vào một buổi chiều cuối tháng 4 năm ngoái, bà Wang trên đường trở về nhà sau một ngày làm việc. Khi bà vừa bước chân ra khỏi chuỗi siêu thị Marshalls nằm trong khu phố Tàu ở Brooklyn, một người phụ nữ tầm 40 tuổi lao về phía bà và cầu khẩn với giọng hoảng hốt: "Tôi đang tìm vị bác sĩ họ Xu. Việc này rất gấp vì tính mạng của con gái tôi".  

Dù biết nhiều thầy lang trị bệnh theo phương pháp cổ truyền, bà Wang chưa bao giờ nghe tới bác sĩ họ Xu. Trong lúc bà Wang bối rối, người phụ nữ lạ mặt tiếp tục khẩn thiết: "Ông ấy rất nổi tiếng ở khu này. Ông ấy là hy vọng duy nhất của con gái tôi". Người phụ nữ này kể con gái bị rong kinh suốt hai tuần qua mà không có cách nào cầm được máu. Theo lời mách của bạn bè, bác sĩ Xu là một "thần y" nhưng không ai biết chính xác địa chỉ của ông. 

Bất ngờ một người phụ nữ khác đi ngang qua, như thể tình cờ nghe được câu chuyện, xen ngang cho biết vị bác sĩ danh tiếng này "đã lui về ở ẩn trong mấy năm gần đây. "Tôi không chắc ông ấy có còn thăm khám cho bệnh nhân nữa hay không", người phụ nữ mới xuất hiện tỏ ra bí hiểm. 

Lúc này, bà Wang bắt đầu tò mò. Bản thân bà và chồng đều bị đau lưng dưới sau một thời gian dài lao động 12 giờ cật lực mỗi ngày trong các xưởng may gia công. Càng nói chuyện với hai người lạ này, bà Wang càng cảm thấy tin tưởng họ. Một người phụ nữ tự giới thiệu mang họ Liu hỏi về gia cảnh nhà bà Wang, thậm chí còn mời bà và chồng con có dịp cùng đi uống trà. Bà Wang ngay lập tức có cảm giác như được quay trở lại thời còn sống ở quê nhà, nơi tất cả mọi người đều quen biết và tin tưởng lẫn nhau, thế hệ này qua thế hệ khác, thân thiết như người một nhà. 

"Nếu ở Trung Quốc, khi gặp khó khăn, anh trông cậy vào "shu ren" tức "người quen". Nhưng trên đất Mỹ, người Trung Quốc ít quan tâm đến nhau. Tất cả chỉ xoay quay chuyện làm ăn", bà Wang nói. 

Khi câu chuyện giữa ba người phụ nữ đang rôm rả, bà Liu đột ngột lớn tiếng gọi một người phụ nữ đeo kính đen to bản đang đi về phía họ. "Chúng tôi tìm ông của cô mãi!", bà Liu reo lên. Người được cho là cháu gái "thần y" cho biết bác sĩ Xu đã ngừng thăm khám bệnh nhân được một thời gian do sức khỏe không tốt. Hiện ông chỉ tập trung làm việc thiện gia tăng phúc đức chờ ngày từ biệt cõi đời. "Ông tôi sẽ từ chối nhận tiền của bệnh nhân. Nếu ông đồng ý khám cũng chỉ vì coi như đang giúp đỡ một người bạn mà thôi", cô cháu gái nói rồi quay trở về nhà để hỏi ý của ông.

Nghe hai bên đối thoại, bà Wang cảm thấy lần đầu tiên trong đời thần may mắn đang mỉm cười với mình. "Cuộc sống của tôi là một chuỗi ngày chịu đựng, giống như một ấm nước đang sôi sùng sục vậy", bà Wang nói. 

Ba người phụ nữ đứng trên phố đợi tin tức của cô cháu gái. Vừa quay trở lại, người cháu, với khuôn mặt tối sầm, liền chỉ thẳng vào bà Wang và nói: "Ông tôi phán về cậu con trai chưa kết hôn của bà". Bà Wang choáng váng hơn khi nhận tin dữ: tính mạng của con trai bà đang bị đe dọa. "Ông tôi nhìn thấy một con hổ trắng, đây là một điềm rất dữ", cô cháu cảnh báo. Bà Wang lắp bắp hỏi nếu con trai bà hạn chế ra ngoài đường thì có thể tránh được kiếp nạn không? Người phụ nữ lắc đầu và quả quyết rằng: "Con trai bà có thể chết nghẹn vì một ngụm nước". Cách duy nhất cứu con trai là làm phép cho mọi đồ vật có giá trị trong nhà. Người phụ này đồng thời khuyên bà Wang không nói việc này cho bất cứ ai để tránh "kinh động đến linh hồn ma nữ".

"Nó liên quan đến tính mạng của con trai tôi", bà Wang nhớ lại ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu vào lúc đó. "Làm sao tôi có thể mạo hiểm với tính mạng của con trai mình cơ chứ?" Ngay sau đó, bà Wang nhanh chóng về nhà và thu gom những đồ vật có giá trị. Giống như nhiều người dân nhập cư khác, người phụ nữ Trung Quốc này chưa bao giờ mở tài khoản ngân hàng. Khoảng 1.500 USD tiền mặt tiết kiệm được bà cất kỹ trong một chiếc hộp gỗ trong phòng ngủ. Bà bỏ toàn bộ số tiền cùng một số món đồ trang sức sắm từ hồi kết hôn vào túi nylon rồi lồng thêm một chiếc túi đi chợ có khóa kéo bên ngoài. 

Xong xuôi bà quay trở lại điểm hẹn. Đứng ở góc phố, cô cháu gái của "thần y" vội vàng đỡ lấy chiếc túi rồi nắm lấy tay bà Wang thực hiện một nghi lễ cầu nguyện. "Nguyện bình an đến với con trai con, xin Đức Bồ Tát che chở", bà Wang lẩm bẩm cầu khấn. Nghi lễ kết thúc nhanh như lúc bắt đầu. Khi trả lại chiếc túi cho bà Wang, cháu gái của "thần y" còn tặng bà hai chai "nước thánh", dặn dò bà 49 ngày sau mới được mở chiếc túi. Họ chia tay nhau trong bịn rịn.

Trên đường trở về nhà, bà Wang cảm thấy chiếc túi nhẹ một cách kỳ lạ. Tay nắm chặt, chân rảo bước thật nhanh, bà Wang vừa về đến nhà liền mở phanh chiếc túi ra kiểm tra. Bên trong là một chiếc hộp đựng đầy bột giặt và bột ngô. Tối hôm đó, bà cùng con trai ra cảnh sát trình báo. 

Thủ đoạn lừa bịp dựa vào sự mê tín

img

Khu phố Tàu cở Brooklyn, New York, Mỹ. Ảnh: Kenn Tam/ Airbnb.

Những vụ lừa đảo lợi dụng sự mê tín vốn khá phổ biến ở Trung Quốc. Theo cơ quan điều tra, những kẻ tình nghi hầu hết là phụ nữ trung niên, hoạt động theo nhóm 3-4 người, đa phần xuất thân từ các tỉnh ven biển miền Nam Trung Quốc. Những nhóm này ban đầu hoạt động mạnh ở Đài Loan và Hong Kong sau đó mở rộng địa bàn ra nhiều thành phố ở châu Á rồi vượt đại dương tới các cộng đồng người Hoa ở Mỹ, Canada và Australia.

Chỉ tính riêng trong mùa hè năm 2012, ở thành phố San Francisco, bang California, Mỹ, đã có hơn 50 vụ lừa đảo với hình thức tương tự. Các nạn nhân, hầu hết là phụ nữ cao tuổi gốc Trung Quốc, mất tổng số tiền lên đến 1,5 triệu USD. Cảnh sát sau đó đã tóm gọn nhóm lừa đảo bao gồm 9 thành viên này. Kiểm tra hộ chiếu, cơ quan chức năng Mỹ phát hiện những kẻ này từng hoạt động ở nhiều nơi trên khắp thế giới như Indonesia, Malaysia, Brunei, Campuchia và Nhật Bản.

Nhiều tháng sau khi bà Wang trình báo, cảnh sát New York thu thập bằng chứng từ nhiều vụ việc tương tự và khoanh vùng 8 đối tượng. Mất nhiều công sức theo dõi, cuối cùng cảnh sát bắt giữ 4 nghi phạm. Trong số những người bị bắt, nhân viên điều tra xác định nghi phạm Su Xuekun chính là người phụ nữ tự xưng họ Liu tham gia vào vụ lừa đảo bà Wang.

Trước tòa án, nghi phạm Su nói bằng tiếng Quảng Đông, giọng đầy lo lắng và đôi lúc bất lực thở dài. Nghi phạm lớn lên ở một vùng quê thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 10 tuổi đã phải bắt đầu ra đồng làm ruộng, người phụ nữ họ Su chỉ khát khao vươn ra thành phố đổi đời. "Ở quê, dù anh vắt  kiệt đến giọt mồ hôi cuối cùng, cuộc đời anh cũng không khá lên được", người phụ nữ trung niên nhớ lại. Cuối cùng, Su cũng chuyển lên thành phố, cách quê nhà hơn 200 cây số, và lập gia đình riêng. Bà Su cùng chồng lao động miệt mài trong xưởng sản xuất găng tay của gia đình. Cách đây khoảng 9 tháng, sau khi phát hiện chồng ngoại tình với một nữ nhân viên trong nhà máy, bà Su quyết định tới Toronto, Canada du lịch.

Thuê phòng tại một khách sạn hạng ba trong khu phố Tàu ở Toronto, bà Su hàng ngày đi bộ ra tiệm bánh gần đó và tại đây tình cờ gặp gỡ một phụ nữ người Quảng Đông "trông giàu có với mái tóc búi cao như một minh-tinh" với tên gọi thân mật "chị Ping". Người đàn bà này, tình cờ là một tay buôn người khét tiếng ở Bắc Mỹ, nói sẽ có cách giúp bà Su đưa các con sang Mỹ học hành. "Chị Ping" hứa lo tìm công việc dọn dẹp, kiếm chỗ ở và chạy thủ tục cư trú hợp pháp cho bà Su. Tất cả chỉ tốn 3.000 USD. Bà Su đặt hoàn toàn tin tưởng vào "người quen" này và cùng bà ta bắt tàu đến New York. Khi không tìm được công việc dọn dẹp như hứa hẹn, "chị Ping bảo rằng tôi nợ khoản tiền kia và chỉ có một cách để trả lại", bà Su nhớ lại thời điểm "sa chân lỡ bước" vào con đường lừa đảo.

"Tôi hiểu mình đã gây ra những điều kinh khủng với những người phụ nữ đó. Tôi cũng có cha mẹ già ở quê nhà. Tôi hiểu họ đau đớn ra sao. Ước gì tôi có thể quay ngược thời gian", bà Su hối hận nói. Khi cảnh sát thẩm vấn về các đồng phạm, bà Su không biết danh tính thật của bất cứ ai.

Bà Su thú nhận cảm thấy nhẹ nhõm khi bị bắt. "Tôi không phải nói dối thêm nữa như thể trút được gánh nặng vậy". Dường như người phụ này không ý thức được mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và cho rằng có thể dễ dàng thoát khỏi sự trừng phạt của hệ thống pháp luật Mỹ. Thậm chí, bà Su còn tâm sự, sau khi kết thúc vụ án, sẽ tìm cách quay trở lại Mỹ để tiếp tục tìm trường đại cho các con.

Xấu hổ

img

Hai người đàn ông đứng nói chuyện sau một nhà hàng Trung Hoa trên phố Bensonhurst, Brooklyn, New York. Anrh: Kenn Tam.

Vào một chiều Chủ nhật nắng ấm tháng 6, phóng viên New York gặp lại bà Wang và con trai tại một nhà hàng đông đúc người Hoa. Cậu con trai nói nhỏ với phóng viên hãy cư xử tự nhiên như một người bạn của gia đình vì bà Wang tuyệt đối không tiết lộ việc bị lừa đảo với bất cứ người quen nào. 

Kể từ sau khi mất hết số tiền tích cóp nhiều năm, bà Wang cho biết cuộc sống vẫn tiếp diễn như không có chuyện gì xảy ra. Đặt đôi đũa xuống bàn, bà Wang nhớ lại những năm đầu tiên sống ở New York. "Anh không biết khi đó Trung Quốc nghèo khổ như thế nào đâu, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nước Mỹ là giấc mơ vàng của chúng tôi. Ai cũng muốn đặt chân đến mảnh đất này nhưng rất ít người làm được. Ấy vậy mà tôi cưới được người đàn ông có thể đưa tôi đến Mỹ, nó không khác gì tôi nhặt được báu vật, khiến tất cả mọi người đều ghen tị". 

Tuy nhiên, chỉ khi đến Mỹ, bà Wang mới biết rằng cuộc sống không dễ dàng như bà tưởng. Để kiếm sống, chồng bà phải sang bang khác làm việc. Hai vợ chồng gặp nhau một tuần một lần. "Sống ở khu đông Broadway chẳng khác gì sống ở Trung Quốc. Anh không nghe thấy người ta nói tiếng Anh. Anh cũng chẳng giao tiếp câu nào bằng tiếng Anh".

Sau vụ lừa đảo, chồng bà Wang liên tục động viên vợ quên đi khoản tiền đã mất. "Ông ấy nói với tôi rằng hãy nghĩ chúng ta như những người nhập cư tay trắng mới đến Mỹ. Bước xuống máy bay, chúng ta không có gì ngoài quần áo và vài cent trong túi. Nhưng làm sao tôi có thể xóa khỏi tâm trí thành quả của 30 năm lao động chăm chỉ cơ chứ?", bà Wang thở dài. 

"Tôi sẽ không bao giờ tin vào thần thánh hay ma quỷ nữa", bà Wang quả quyết. Lần đầu tiên, sự giận giữ thoáng hiện trên khuôn mặt người phụ nữ 61 tuổi. Khi những người quen ở các bàn bên cạnh đứng lên chào ra về, nét mặt bà Wang giãn ra. Với nụ cười rạng rỡ, bà chào hỏi đồng hương. 

Gia đình bà Wang không ai đề cập lại vụ lừa đảo vì sợ cảm giác tiếc nuối. "Nhưng nỗi đau vẫn còn đó, từng giây trôi qua, như một hòn đá lạnh lẽo đè lên ngực tôi. Nó nặng đến mức tôi không thể thở được", bà Wang tâm sự, tay bà mân mê khăn trải bàn và ánh mắt lảng tránh người đối diện. "Thi thoảng vào buổi tối, tôi đi dạo trong một công viên gần nhà. Tôi chọn một chiếc ghế băng dưới một tán cây sồi và mở căng lồng ngực hét lên thật lớn", bà Wang thì thầm. "Người ta nhìn chằm chằm nhưng tôi kệ vì trong bóng tối tất cả đều là người xa lạ". 

An Hồng (VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem