Bí quyết xây dựng NTM của Mỹ Thịnh: Thành lập tổ dịch vụ nông nghiệp

Thứ ba, ngày 13/08/2013 10:14 AM (GMT+7)
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT), thành lập tổ dịch vụ, đẩy mạnh dạy nghề tạo việc làm tại chỗ cho người dân..., đó là cách xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc, Nam Định).
Bình luận 0
Không nằm trong nhóm xã điểm nên trong quá trình xây dựng NTM, xã Mỹ Thịnh chủ yếu dựa vào nội lực. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình năm 2010, xã đã chọn điểm nhấn là thay đổi hình thức sản xuất, cơ cấu lao động, trong đó lấy thôn Liêm Trại làm điểm.

img

Tổ dịch vụ cày bừa của Trưởng thôn Phạm Văn Tuấn đang hoạt động rất hiệu quả.

Chia sẻ về cách làm này, ông Nguyễn Thành Khang - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thịnh cho hay: “Là xã thuần nông nên để cải thiện đời sống cho người dân, trước tiên là phải hoàn thành DĐĐT, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang học nghề để cải thiện thu nhập. Thôn Liêm Trại đã áp dụng rất thành công mô hình này”.

Ông Phạm Văn Tuấn – Trưởng thôn Liêm Trại cho biết, năm 2009, thấy chuột phá lúa nhiều nên ông đã xin nhận đánh chuột cho bà con với cam kết. Từ sự thành công của dịch vụ diệt chuột, ông Tuấn nảy ra ý tưởng mua máy cày, bừa về làm dịch vụ cho nông dân. Tuy nhiên, do đồng ruộng manh mún nên việc đưa máy móc vào rất khó khăn, ông Tuấn đã họp dân để bàn phương án DĐĐT. Cũng có hộ đồng ý, có hộ phản đối vì sợ lấy phải ruộng xấu. “Đối với các hộ đồng ý DĐĐT, tôi cho họ chọn ruộng trước, mình lấy sau. Phần ruộng DĐĐT của chúng tôi canh tác thuận lợi, năng suất cao nên khi xã triển khai DĐĐT đồng loạt, các hộ còn lại đã vui vẻ dồn ô. Có ruộng rộng, bằng phẳng, tôi đã vận động 6 hộ chung vốn mua 7 máy cày bừa, trong đó có 2 máy cấy để thành lập tổ dịch vụ cày cấy cho bà con” – ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, bây giờ các hộ chỉ phải đóng 200.000 đồng/sào/vụ và 5.000 đồng/sào diệt chuột, tổ dịch vụ sẽ có trách nhiệm làm đất, mua giống, ủ mạ rồi gieo sạ hoặc cấy, đến khi cây lúa lên 3 lá mới bàn giao cho các hộ chăm sóc. “Với cách này, người dân tiết kiệm được 30% chi phí, 50% lao động, năng suất tăng 20%. Số lao động dôi dư đã được xã hỗ trợ học nghề tại một số xưởng may, sau khi học nghề, hầu hết lao động đã có việc làm, đời sống ngày càng được nâng cao. Hiện, thôn chỉ còn 4 hộ nghèo, giảm 14 hộ so với 2012”.
"Mấy năm nay nhờ có tổ dịch vụ cày bừa nên việc đồng áng của tôi đỡ hơn rất nhiều. Thời gian rỗi, tôi đi làm may, mỗi tháng bỏ ra được hơn 2 triệu đồng”.
Chị Nguyễn Thị Lan

Chị Nguyễn Thị Lan phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 6 sào ruộng, mấy năm nay nhờ có tổ dịch vụ cày bừa nên việc đồng áng đỡ hơn rất nhiều. Thời gian rỗi, tôi đi làm may, mỗi tháng bỏ ra được hơn 2 triệu đồng, đời sống gia đình khá hơn hẳn”. Ông Nguyễn Thành Khang cho biết, mặc dù mô hình của thôn Liêm Trại rất thành công, nhưng việc nhân rộng tổ dịch vụ ra cả xã không dễ do không có người đủ năng lực đứng đầu. “Hiện, Mỹ Thịnh mới đạt 8/19 tiêu chí và 2 tiêu chí gần đạt. Mặc dù Chính phủ đã sửa lại 5 tiêu chí, song với một xã nông nghiệp còn nhiều khó khăn, kinh phí eo hẹp như Mỹ Thịnh, chúng tôi sẽ phải mất thời gian dài để thực hiện các tiêu chí như thu nhập, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa…” – ông Khang chia sẻ.
Việt Tùng ( Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem