Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Phó Chủ tịch Hội NDVN gợi mở nhiều vấn đề trọng tâm tại Đại hội Hội ND tỉnh

Cảnh Thắng - Nguyễn Tình Thứ năm, ngày 28/09/2023 18:03 PM (GMT+7)
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý; Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội NDVN Bùi Thị Thơm đã gợi mở những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân tỉnh Nghệ An trong nhiệm kỳ mới.
Bình luận 0

Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong kinh tế của Nghệ An

Dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An đã ghi nhận, biểu dương nhưng kết quả to lớn mà Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 1.

Dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An có ông Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Thắng Tình

Phát biểu tại Đại hội, ông Thái Thanh Qúy – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, Nghệ An là tỉnh có diện tích đất nông nghiệp lớn với khoảng 1,48 triệu ha, hội tụ đầy đủ các vùng địa lý, cư dân nông thôn chiếm trên 80% dân số toàn tỉnh và có truyền thống, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong nền kinh tế của tỉnh và là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu.

Thực tế thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất tích cực vào thành tựu chung của tỉnh, là trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế. Diện mạo vùng nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống của Nhân dân được nâng lên, môi trường ngày càng được chú trọng bảo vệ. Trong những kết quả đó, có vai trò đóng góp trực tiếp, rất quan trọng của các cấp Hội, cán bộ, hội viên nông dân toàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 2.

Ông Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Thắng Tình

Thông qua việc triển khai sáng tạo, có hiệu quả các phong trào, cuộc vận động như: "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững", "xây dựng nông thôn mới", "xây dựng, phát triển mô hình kinh tế"... đã phát huy vai trò chủ thể, khích lệ nông dân nỗ lực sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, đóng góp xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Minh chứng là, trong 5 năm qua, đã có 150.000 lượt hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi với hàng trăm mô hình kinh tế tiêu biểu. Hội viên Hội nông dân trên địa bàn tỉnh đã đóng góp trên 3.500 tỷ đồng, hiến trên 930.000 m2 đất, tham gia trên 1,5 triệu ngày công xây dựng nông thôn mới… Qua đó, góp phần quan trọng đưa Nghệ An là địa phương tiêu biểu của cả nước có cách làm sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 2.

Bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều thay đổi. Ảnh: Thắng Tình

Đến nay, Nghệ An đã có 309 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Nghệ An là địa phương đứng tốp đầu toàn quốc về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An tặng bức trướng chúc mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An lần thứ X. Ảnh: Thắng Tình

Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn

Tại Đại Hội, ông Thái Thanh Qúy - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã gợi mở 5 nhiệm vụ để Đại hội cùng thảo luận, quyết định.

Thứ nhất, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2045, xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao là một trong 5 lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi sản xuất còn manh mún, hiệu quả chưa cao. Người nông dân còn luôn phải lo lắng với nghịch cảnh "được mùa mất giá", thu nhập còn bấp bênh. Mục tiêu giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế nhưng phải tăng được giá trị sản xuất là một thách thức không nhỏ. Để nâng cao hiệu quả canh tác, để người nông dân thực sự giàu lên trên đồng đất của mình, nhất thiết phải đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân thích ứng với điều kiện mới. Đó là tư duy hợp tác, liên kết trong sản xuất, sẵn sàng đi cùng nhau để đi được xa hơn. Liên kết với doanh nghiệp để dẫn dắt hình thành các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, biết sản xuất ra những sản phẩm thị trường cần, không phải sản xuất theo ý của mình.

Đó là tư duy về sản xuất an toàn, bền vững, biết nghĩ đến sức khoẻ của người khác, không làm tổn thương lợi ích chung của cộng đồng. Đây là cách làm ăn lớn, lâu dài, chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia cho một số nông sản có thế mạnh gắn với chỉ dẫn địa lý, hướng tới thị trường xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn.

Cùng với đó, thường xuyên sát cánh hỗ trợ người nông dân về vay vốn, tập huấn, đào tạo nghề, cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất. 

Đặc biệt, cần chú ý hỗ trợ người nông dân nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, internet, công nghệ số để có thể dễ dàng bước chân ra khỏi lũy tre làng, tìm hiểu thị trường, học tập kinh nghiệm sản xuất bên ngoài, đưa sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nhanh hơn, nhiều hơn, xa hơn, hiệu quả hơn trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng online, giúp người nông dân trở thành lực lượng sản xuất chuyên nghiệp, năng động, văn minh, hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 5.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An và Phó chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng hoa chúc mừng Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Thắng Tình

Thứ hai: Nghệ An tiếp tục xác định, xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ lớn, trọng tâm của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu đặt ra, đến năm 2030 toàn tỉnh có 90% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 15% xã đạt nông thôn mới nâng cao. Từ những bài học thành công trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới thời gian qua, Hội nông dân tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò "trung tâm, nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới", khơi dậy mạnh mẽ sức dân, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu trong cán bộ, hội viên nông dân.

Quan tâm vận động, đồng hành, hỗ trợ để mỗi hội viên trở thành một nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế hiệu quả, xây dựng tình làng nghĩa xóm. Mỗi hộ gia đình có một khu vườn đẹp. Mỗi ngõ xóm đảm nhận thực hiện một công trình "đường quê sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có chất lượng sẽ góp phần làm cho những vùng quê trên địa bàn tỉnh yên bình, hài hòa, bản sắc, đáng sống, hiện thực hóa mục tiêu lớn về phát triển "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".

Thứ ba, cần phân tích, đánh giá rõ nét hơn yếu tố đa dạng, đặc thù các vùng địa lý của tỉnh để xác định các nhiệm vụ, giải pháp đồng hành, hỗ trợ hiệu quả người nông dân trong phát triển sản xuất cũng như xây dựng tổ chức Hội. Với khu vực miền Tây rộng lớn chiếm hơn 83% diện tích và hơn 36% dân số toàn tỉnh, có thế mạnh về phát triển kinh tế rừng, kinh tế dưới tán rừng, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 3.

Thời gian quan, nông nghiệp, kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Nhiều trang trại công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thắng Tình

Thời gian qua, những đồi chè, ruộng lúa, vườn cam, vườn mận, vường hồng, tổ dệt thổ cẩm của người nông dân đã trở thành tài nguyên và là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Du lịch nông nghiệp, nông thôn bước đầu được thúc đẩy ở nhiều địa phương như huyện Con Cuông, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Thanh Chương... trở thành một hướng đi mới, giàu tiềm năng ở tỉnh ta. Hội Nông dân cần nắm bắt cơ hội này và giành sự quan tâm thỏa đáng để tiên phong, hỗ trợ, kết nối, đồng hành với hội viên nông dân của mình trong quá trình phát triển đó.

Với vùng trung du, quan tâm hỗ trợ hội viên phát triển chuyên canh cây công nghiệp gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; cây ăn quả đặc sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, trang trại gắn với xử lý tốt môi trường. Với vùng đồng bằng, ven biển tích cực động viên hội viên phát triển các vựa hoa màu đạt tiêu chuẩn về chất lượng phục vụ các đô thị và du lịch; đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững gắn với chế biến. Từ cách tiếp cận này, hình thức, phương thức sinh hoạt của Hội cũng phải được tổ chức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp, ưu tiên hình thành các nhóm, tổ, đội, hợp tác xã sản xuất theo ngành, nghề, địa bàn.

Với tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp của tỉnh ta như hiện nay, lực lượng lao động trong lĩnh vực này sẽ tăng lên nhanh chóng, ước tính năm 2025 sẽ tăng thêm khoảng 80.000 đến 100.000 lao động, ngược lại lực lượng lao động nông nghiệp sẽ dịch chuyển dần sang phi nông nghiệp và có xu hướng già hóa. Đại hội cần dành sự quan tâm thỏa đáng, phân tích sâu kỹ vấn đề này để có giải pháp thích ứng hiệu quả, nhất là việc hỗ trợ chuyển đổi nghề, trang bị kỹ năng nghề, cách thức tổ chức hoạt động, tập hợp hội viên...    

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 7.

303 đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: Thắng Tình

Thứ tư: Tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhất là chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững, các chương trình dự án xây dựng công trình kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội; động viên hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Nắm chắc, hiểu sâu tâm tư, nguyện vọng hội viên nông dân, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và hợp pháp của hội viên.

Cuối cùng là thường xuyên quan tâm, chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ làm công tác Hội nông dân có tính kế thừa, bản lĩnh vững vàng; sâu sát, gần gũi với hội viên; hiệu quả trong tham mưu; khéo léo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm tôn vinh, khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu để truyền cảm hứng cho nhiều hội viên khác tự tin, vươn lên khẳng định mình.

Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tập trung các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống nông dân, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các cấp Hội trong tỉnh hoạt động có hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội NDVN gợi mở 5 nhiệm vụ trọng tâm 

Phát biểu tại Đại hội, bà Bùi Thị Thơm - Phó chủ tịch Ban chấp hành TƯ Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận những kết quả mà Hội Nông dân tỉnh Nghệ An đã đạt được. Đặc biệt, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. 

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 8.

Bà Bùi Thị Thơm -Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân VN phát biểu tại Đại Hội. Ảnh: Thắng Tình

Đồng thời, Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam nhất trí cao với những phương hướng, mục tiêu mà Đại hội đã đề ra: "Về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khóa IX trình Đại hội đã đề ra mục tiêu và 15 chỉ tiêu cơ bản, 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; 9 chương trình đề án trọng điểm. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giải pháp, các chương trình, đề án cơ bản đã quán triệt toàn diện những tư tưởng, quan điểm của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; thể hiện sự quyết tâm chính trị rất cao.

Tại Đại hội, bà Bùi Thị Thơm thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát biểu nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ để Đại hội tiếp tục thảo luận, xem xét, quyết định.

Một là, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là liên quan nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà trọng tâm là nghị quyết số 19 – NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 để giúp nông dân nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; vai trò chủ thể của nông dân: vừa là người thực hiện, vừa là người hưởng thụ thành quả; tuyên truyền các chương trình Nghị quyết của Hội cần gắn với các nhiệm vụ chính trị địa phương với các hình thức phù hợp, hấp dẫn nông dân. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hiệu quả, các gương điển hình tiên tiến, các cách làm mới, sáng tạo thông qua, thông qua đó giúp cho nông dân có những tư duy mới, cách làm mới trong sản xuất nông nghiệp đó là: Phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường; phải liên kết hợp tác, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; phải coi trọng chất lượng, giá trị; phải ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; phải chú trọng mẫu mã, thương hiệu, nguồn gốc sản phẩm; kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch theo hướng tích hợp đa giá trị nhằm tăng gia giá trị, tăng thu nhập cho nông dân. Tăng cường công tác tuyên truyền truyền thống lịch sử, văn hóa, cách làm của nông dân quê Bác gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, khơi dậy khát vọng mạnh mẽ, quyết tâm vươn lên, khắc phục khó khăn, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 9.

Phó chủ tịch Ban chấp hành Hội Nông dân Việt Nam tặng hoa chúc mừng Đại hội. Ảnh: Thắng Tình

Hai là, chăm lo củng cố tổ chức Hội vững mạnh toàn diện, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở hội; nhiệm vụ then chốt là xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp có trình độ, năng lực, am hiểu nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có kỹ năng nông vận, tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở với công tác Hội và phong trào nông dân nhất là người đứng đầu. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả theo hướng: "sát cơ sở, gần hội viên nông dân, lấy chi tổ hội là đơn vị hành động, lấy quyền, lợi ích chính đáng, tập hợp của hội viên làm mục tiêu, động lực, lấy nông dân sản xuất kinh doanh giỏi làm nòng cốt, lấy hiệu quả công việc làm thước đo". Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên. Quan tâm phát triển hội viên là các nhà khoa học, tri thức chủ trang trại, giám đốc các doanh nghiệp, các hợp tác xã, để có cơ hội, điều kiện liên kết, hợp tác, hỗ trợ nông dân; kết nạp hội viên là lao động phi nông nghiệp ở nông thôn. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ hội viên. Nâng cao chất lượng, tính thực chất của hoạt động chi hội, tổ hội nông dân theo nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp tổ chức các Phong trào thi đua đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả và có sức lan tỏa rộng rãi; trong đó, trọng tâm là phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội trong chỉ đạo, tạo môi trường thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Lãnh đạo chỉ đạo thực hiện phong trào bằng những giải pháp cụ thể để tạo động lực cho hộ nông dân tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào.

Nghệ An có tiềm năng, thế mạnh có biển, có rừng, có biên giới, có hệ thống giao thông đầy đủ, kết nối quốc tế; có hệ thống di tích – văn hóa với nhiều thắng cảnh đẹp, có diện tích đất đai rộng lớn là tiềm năng để phát triển sản xuất nông lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung; có con người bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cần cù chịu khó, khát vọng vươn lên... Các cấp Hội Nông dân cần  bám sát các chủ trương, định hướng, nghị quyết của Đảng nhất là Nghị quyết quyết 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện. Phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị; gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch; phát triển rừng theo hướng bền vững, trong đó cần nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuẩn bị các điều kiện và sớm được tiếp cận, tham gia thị trường tín chỉ các bon trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An: Nông dân Nghệ An cần hợp tác, liên kết sản xuất, đi cùng nhau để đi được xa hơn - Ảnh 10.

Phong trào, công tác Hội tại Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều mô hình kinh tế xây dựng, nhân rộng mang lại thu nhập cao. Ảnh: Thắng Tình

Bốn là, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả nhiệm kỳ, trong đó chú trọng phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ nông dân, các nguồn vốn ưu đãi và vốn tín dụng cho nông dân vay phát triển sản xuất, kinh doanh; phối hợp với các cơ quan chức năng trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số, thông tin thị trường cho nông dân; đẩy mạnh phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất theo chuỗi giá trị; hướng dẫn nông dân kết nối, giới thiệu, tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân theo hướng đào tạo những nghề thiết thực, phù hợp, đào tạo theo thực tế, theo hình thức "cầm tay chỉ việc", theo mô hình "nông dân dạy nông dân"; phối hợp với doanh nghiệp đào tạo theo nhu cầu; cần nâng cao năng lực, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp trong hoạt động hỗ trợ nông dân.

Năm là, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; tăng cường tổ chức các hoạt động đối ngoại nhân dân nhất là các địa phương chung đường biên giới của nước bạn Lào anh em; phát huy tốt vai trò của các cấp hội nông dân trong thực hiện giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, làm cầu nối giữa Đảng và nông dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi cán bộ Hội các cấp phải sâu sát cơ sở, nhiệt tình, thường xuyên nắm chắc tình hình nông nghiệp, nông thôn; tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của nông dân, phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với nông dân, hiểu nông dân và vì nông dân, đồng hành, sát cánh cùng nông dân; nắm được những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở địa phương để tham mưu cho Đảng, Chính quyền các cấp kịp thời chỉ đạo, giải quyết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem