Ông Ba cho biết: “Trước đây gia đình tôi cũng là một trong những hộ nghèo của huyện. Năm 1999, toàn bộ diện tích 6,6ha trang trại bây giờ là đất hoang hóa. Thấy đất ở đây thuận lợi cho phát triển một số loại cây ăn quả nên tôi đã mạnh dạn xin địa phương cấp đất, rồi vay vốn của người thân để đầu tư cải tạo vườn, trồng nhãn và vải…”.
Vợ chồng ông Đoàn Văn Ba vẫn duy trì 1 diện tích nhất định vườn vải chín muộn để phục vụ du khách. Ảnh: D.T
Trang trại gia đình ông Đoàn Văn Ba mỗi năm cung cấp
40 tấn cam đường Canh
20 tấn cam Vinh
20 tấn vải
15 tấn nhãn
3 tỷ đồng là tổng doanh thu |
Đến năm 2008, trang trại cây ăn quả của ông Ba bắt đầu cho thu hoạch, giai đoạn này vải và nhãn đều có giá cao, ổn định nên mỗi năm trừ chi phí, cho thu nhập từ 300-500 triệu đồng.
Tuy nhiên, năm 2012, sản lượng nhãn, vải bấp bênh do mất mùa, đầu ra không ổn định, gia đình ông Ba chuyển đổi một phần diện tích sang loại cây trồng mới. Năm 2014 ông bắt đầu trồng 1ha cây cam đường Canh, năm 2015 tiếp tục mở rộng thêm 2ha cây cam Vinh, bưởi Diễn… Theo ông Ba, đầu tư trồng cây cam đường Canh, cam Vinh đòi hỏi vốn lớn, trung bình mỗi ha gần 200 triệu đồng. Ngoài vốn của gia đình, ông còn phải huy động từ nhiều nguồn khác nhau để không bị gián đoạn đầu tư. Trong lúc loay hoay vì thiếu vốn, ông đã được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ HTND huyện Hoành Bồ. Với 40 triệu đồng vay được, ông Ba đã lắp đặt hệ thống tưới tự động, mua phân bón.
Toàn bộ mô hình trồng cam Canh, cam Vinh, bưởi Diễn đều được ông Ba áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP từ quy trình chăm sóc, tưới, phun thuốc, bón phân sử dụng thuốc vi sinh an toàn,... Không chỉ được hỗ trợ giải ngân vốn Quỹ HTND nhanh, cán bộ Hội ND huyện Hoành Bồ cũng thường xuyên xuống thăm mô hình, trao đổi với gia đình ông Ba về cách chăm sóc cây trồng để tránh dịch bệnh.
Một du khách nước ngoài thích thú chụp ảnh bên những cây cam đường Canh sai trĩu quả của gia đình ông Ba.
Đến nay, 6,6ha đất hoang hóa năm nào đã trở thành "Trang trại sinh thái 360", chuyên sản xuất hoa quả sạch và phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, đưa du khách tới trải nghiệm. Trang trại của ông Ba đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 10 lao động, chủ yếu người địa phương với thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Ba chia sẻ, thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng nhà sơ chế hoa quả; nhà sàn phục vụ du khách tham quan nghỉ ngơi, thưởng thức sản phẩm; làm đường đi bộ nhiều khu vực trong vườn... Để làm được điều này, ngoài việc bản thân tự tìm tòi, ông rất mong muốn Hội ND các cấp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tham quan mô hình du lịch sinh thái ở những địa phương có thế mạnh để hội viên được thực tế, trao đổi kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Chi - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Hoành Bồ, khẳng định: Từ mô hình phát triển trang trại của ông Ba, nhiều hội viên, nông dân của Hoành Bồ đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó có vốn Quỹ HTND để đầu tư những mô hình sản xuất mới, phù hợp với điều kiện địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.