Nhà nông - doanh nghiệp hưởng lợi

Thứ sáu, ngày 17/08/2012 10:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp do Sở Công Thương Đồng Tháp phối hợp với Hội Nông dân tỉnh thực hiện cho thấy, liên kết "4 nhà" đã phát huy hiệu quả.
Bình luận 0

Vụ hè thu năm 2012, ND huyện Tam Nông, Lấp Vò được Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Võ Thị Thu Hà ký hợp đồng tiêu thụ lúa ở những cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 600ha, sản lượng thu mua khoảng 4.200 tấn lúa. ND sau khi thu hoạch lúa chất lượng cao bán cho doanh nghiệp với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg.

img
Thương lái thu mua ớt của bà con nông dân ở huyện Thanh Bình.

Tiếp tục đầu tư cho ND

Ông Nguyễn Thái Bình - xã viên HTX Tân Tiến (xã Phú Đức, huyện Tam Nông) phấn khởi cho biết: "Lúc bắt đầu mùa vụ, lãnh đạo công ty đến địa phương ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng cao nhưng không ai tin. Bởi từ trước đến nay ND chưa quen ràng buộc bởi hợp đồng. Tuy nhiên đến cuối vụ, doanh nghiệp đến thu mua lúa cao hơn giá thị trường, thanh toán sòng phẳng, ai cũng vui mừng". Gia đình ông Bình canh tác 5,5ha lúa OM 4900 nhưng chỉ có 3,5ha được bao tiêu sản phẩm, diện tích còn lại bán cho thương lái với giá thấp hơn. Ông và ND ở địa phương đều mong muốn được doanh nghiệp ký hợp đồng với diện tích lớn hơn nữa để an tâm sản xuất.

Ông Đoàn Văn Hiền - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại Võ Thị Thu Hà cho biết: "Doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với ND sẽ ổn định nguyên liệu, chất lượng sản phẩm rất tốt. Mua lúa thông qua thương lái thường bị trộn lẫn các loại lúa nên chất lượng không đồng đều”. Doanh nghiệp tư nhân Dũng Ớt (huyện Thanh Bình) năm nay liên kết với ND trồng 200ha ớt với sản lượng khoảng 5.000 tấn. Ông Nguyễn Hồng Hà - Chủ doanh nghiệp Dũng Ớt, cho biết: "Với mô hình liên kết này, doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng đảm bảo để an tâm đầu tư công nghệ, phát triển sản xuất".

Tạo chất "keo" để liên kết

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cung ứng vật tư nông nghiệp giữa Docimexco và ND cũng gặp không ít vướng mắc. Như vụ đông xuân 2011-2012, hai bên không thống nhất thời điểm thu hoạch, doanh nghiệp cung ứng vật tư với giá cao hơn thị trường… Hơn nữa, vụ vùa rồi do diện tích trồng ớt tăng nhanh (vụ năm 2010-2011 chỉ có 900ha, vụ năm 2011- 2012 tăng lên 1.300ha) nên ớt rớt giá.

Tại Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức ngày 15.8, bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị: Tỉnh cần quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo điều kiện cho ND cơ giới hóa để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Những doanh nghiệp nào làm tốt nên có chính sách để giúp họ liên kết với nông dân.

Theo ông Nguyễn Văn Chính- Trưởng ban Kinh tế T.Ư Hội NDVN: "ND thật sự hưởng lợi từ mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp. Hội ND cần đẩy mạnh tuyên truyền để ND hiểu lợi ích của việc liên kết trong tiêu thụ nông sản. Khi ND hiểu, tích cực tham gia thì họ an tâm sản xuất…".

Tiến sĩ Nguyễn Phú Son- Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho biết: "Việc liên kết giữa ND và doanh nghiệp chuyển từ cách làm ăn "hên xui" sang làm ăn chắc chắn hơn. Doanh nghiệp nên tăng cường liên kết với HTX khâu đầu vào như: Đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp; nhà nước có chính sách hỗ trợ để ND tiếp cận nguồn vốn; các nhà khoa học tăng cường tư vấn trong chuỗi liên kết để tạo "chất keo" kết dính giữa các chủ thể trong mô hình…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem