“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội

Khánh Ly Thứ sáu, ngày 17/02/2023 06:17 AM (GMT+7)
Dù phải tiếp xúc trực tiếp với rác, nước thải sinh hoạt có mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch... nhưng nhóm các bạn trẻ "Hà Nội Xanh" vẫn tình nguyện, quyết tâm lội bẩn vớt rác, làm sạch những con sông đen ở Hà Nội.
Bình luận 0

Những bạn trẻ làm việc không giống ai

Chúng tôi có hẹn gặp các bạn trẻ Hà Nội Xanh vào ngày nắng nóng giữa tháng 2 tại chân Cầu Am (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Xuất hiện trước mắt tôi là những dòng nước đen kịt, bạt ngàn những bọc rác, vỏ chai nhựa, vỏ hộp giấy... nổi lềnh phềnh, bốc mùi hôi thối đến mức chẳng ai muốn lại gần.

Theo báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày thành phố Hà Nội thải ra ngoài môi trường khoảng 300.000 tấn nước thải từ nhiều nguồn khác nhau: Nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, nước thải đô thị. Đặc biệt, phần lớn lượng nước thải chưa qua xử lý nên hàm lượng chất độc hại, vi khuẩn cực kì cao. Cụ thể, lượng chất hữu cơ xả thẳng ra môi trường là 3.600 tấn/năm. Lượng dầu mỡ là 317 tấn. Cùng hàng chục tấn kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, sắt, asen...

Chỉ sau ít phút, những tình nguyện viên đã có mặt đông đủ. Ngoài những dụng cụ cơ bản như rổ lớn, bịch nilon, cào, dây, gậy... các bạn trẻ phải đeo 2 lớp găng tay cao su, mặc đồ bảo hộ không thấm nước... để đảm bảo an toàn.

Vừa mặc đồ bảo hộ, anh Nguyễn Tiến Huy (SN 1995) – Trưởng nhóm Hà Nội Xanh vừa tâm sự: "Nhóm ban đầu chỉ có 3 thành viên nhưng sau quá trình quay clip và đưa lên các nền tảng mạng xã hội, nhóm đã được nhiều bạn trẻ biết đến hơn. Thành viên của nhóm nay đã tăng lên gần 20 người, đa số là các bạn sinh viên đang đi học, vừa ra trường mới đi làm. Các bạn tranh thủ thời gian rảnh để tham gia, hỗ trợ nhóm".

Mặc xong đồ, anh Huy nhanh chóng chống gậy, bắt đầu lần mò xuống nước, kiểm tra độ sâu của sông để quyết định vớt rác từ trên bờ hay ra giữa sông để thu gom rác. Trong hơn 1 tháng qua – kể từ khi thành lập, nhóm đã tổ chức 10 buổi đi vớt rác trên khắp các con sông khu vực nội đô Hà Nội như: Sông Tô Lịch, kênh La Khê...

“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội - Ảnh 2.

Anh Huy cẩn thận nối cào để khều rác ở những khu vực sâu mà nhóm không thể ra tới. Ảnh: Khánh Ly

Công việc dọn rác của nhóm thường được bắt đầu từ rất sớm, tranh thủ thời gian rảnh do các thành viên còn phải đi làm để mưu sinh, trang trải cuộc sống. Để nhanh chóng hoàn thành công việc, các thành viên trong nhóm không ai bảo ai, mỗi người mỗi việc, phối hợp nhịp nhàng: 2 người cào rác, 2 người gom rác, 1 người kéo và gom rác trên bờ.

Bà Nguyễn Vân Mai – Người dân sinh sống cạnh kênh La Khê cho biết: "Vài chục năm nay, những ngày mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nắng nóng, nước sông bốc mùi chúng tôi không chịu nổi. Không chỉ mất cảnh quan đô thị, nước sông ô nhiễm, ngập rác thải, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm do muỗi, ruồi, vi khuẩn gây ra".

“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội - Ảnh 3.

Sau khi chuẩn bị dụng cụ, nhóm mặc đồ bảo hộ, đeo 2 lớp găng tay cao su, bắt đầu buổi lao động. Ảnh: Khánh Ly

Lan tỏa hi vọng, quyết tâm về một "Hà Nội Xanh"

Ấn tượng nhất với chúng tôi có lẽ là em Hoàng Trần Dưỡng – Chàng trai 17 tuổi theo bố mẹ lên Hà Nội sinh sống với dáng người nhỏ nhắn, nhưng vô cùng xông pha, nhiệt tình. Là tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất của "biệt đội", Dưỡng biết đến Hà Nội Xanh qua một video ngắn trên mạng xã hội Tik Tok. Thấy hành động của nhóm rất ý nghĩa nên em quyết định tham gia, góp chút sức mình để làm sạch những con kênh, con sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội - Ảnh 4.

Chẳng ngần ngại trước dòng nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, nhóm các bạn trẻ quyết tâm "thay áo" mới cho những con sông nội đô Hà Nội. Ảnh: Khánh Ly

Nhớ lại những ngày đầu thành lập, anh Lê Minh Hiếu – Phó nhóm Hà Nội Xanh chia sẻ: "Thật ra, chúng tôi đang làm công việc rất khó khăn, thậm chí là không giống ai, không ai làm vì hầu hết các loại rác thải dưới sông, kênh đều độc hại. Thi thoảng còn gặp phải những mảnh sành, kim tiêm đang dính máu...Nhưng khó mấy chúng tôi cũng động viên nhau làm vì một Hà Nội xanh, vì sức khỏe của người dân".

“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội - Ảnh 5.

Những "chiến lợi phẩm" đặc biệt - Cái tên mà các bạn gọi vui mỗi khi vớt được kim tiêm, mảnh sành… Ảnh: Khánh Ly

Tranh thủ giờ giải lao, anh Hiếu kể, hồi đầu chưa quen nước, chúng tôi ốm rồi ngứa khắp người. Được sự ủng hộ của người thân, bạn bè, đặc biệt là sự nhiệt tình của các bạn tình nguyện viên và những bình luận tích cực trên mạng xã hội, nhóm đã vượt qua những khó khăn, duy trì hoạt động trong suốt thời gian qua.

Hoạt động chưa lâu, Hà Nội Xanh đang cố gắng, cải thiện hoạt động, tìm kiếm giải pháp tốt hơn để xử lý rác. Thông thường, tùy số lượng tình nguyện viên tham gia, mỗi buổi lao động thu được khoảng 15 – 30 túi rác. Sau khi gom rác trên bờ, nhóm sẽ gọi các xe thu gom rác của địa phương hoặc gửi rác tại các bãi tập kết rác của người dân, chờ đưa đi xử lý.

“Biệt đội” tình nguyện vớt rác trên những con sông ở Hà Nội - Ảnh 6.

Qua những buổi lao động, Hà Nội Xanh nhắn nhủ tới mọi người: Chỉ cần mọi người có ý thức vứt rác đúng nơi quy định, dọn dẹp nơi các bạn sinh sống là đã có thể trở thành một thành viên của nhóm rồi. Ảnh: Khánh Ly

Hiện nay, toàn bộ chi phí mua đồ bảo hộ, công cụ vệ sinh đều do nhóm tự chi trả. Sau thời gian hoạt động, được mọi người biết đến nhiều hơn, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền, các đơn vị vệ sinh môi trường…

Nhiều người nói hành động của nhóm như "muối bỏ bể" vì họ cho rằng, rác sau khi được vớt và thu gom, dọn sạch hôm nay thì ngày mai vẫn sẽ xuất hiện trở lại. Nghe vậy nhưng anh Huy, anh Hiếu và các thành viên trong nhóm vẫn bỏ ngoài tai, thực hiện "đam mê nhặt rác" của mình. Dẫu vậy, cả nhóm vẫn luôn trăn trở về thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người dân hiện nay khiến môi trường bị ô nhiễm.

Anh Hiếu nói: "Chia sẻ những video ngắn trong các buổi lao động lên mạng xã hội, chúng tôi mong muốn mọi người thấy được sự vất vả để cân nhắc, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, bỏ rác đúng quy định để tương lai không xa, những dòng sông có thể được "thở", được chảy nguồn nước sạch mà chúng vốn có".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem