Kẻ nói xuôi, người nói ngược
BigC về tay người Thái, người tiêu dùng Việt có không ít những quan điểm trái chiều. Chị Nguyễn Ngọc Minh Khánh (khu đô thị Trung Yên – Hà Nội) chia sẻ: “Thị phần bán lẻ của Việt Nam có thể sẽ bị chết nhưng người dân thì lại được hưởng lợi vì từ quản lý, phục vụ, chăm sóc khách hàng, hậu mãi…và ngay cả chất lượng hàng hóa của Thái Lan vẫn luôn hơn hàng Việt. Trong khi, doanh nghiệp trong nước có cả một thời gian dài được bảo hộ ở lĩnh vực bán lẻ, có cơ hội không biết tận dụng thì phải chịu thiệt theo luật chơi chung”.
Cùng chung quan điểm trên, chị Thu Hà, từng là chủ một siêu thị mini tại phố Đào Tấn – Hà Nội) cho rằng: “Cứ để doanh nghiệp của Thái Lan "dạy" cho doanh nghiệp của Việt Nam biết cạnh tranh sòng phẳng hơn. Người tiêu dùng chỉ quan tâm siêu thị nào hàng hóa có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh thì tìm đến”.
Tuy nhiên, cũng có những quan điểm lo ngại khi sản phẩm của Thái Lan vào thị trường Việt Nam có thể được đặt hàng sản xuất ở một nước thứ 3. Bạn đọc Hoàng Xuân chia sẻ: “Những năm gần đây hàng Thái được đặt sản xuất tại Trung Quốc, giá có rẻ nhưng chất lượng rất kém”.
Bạn đọc Trần Văn Hiệp cũng lo lắng, “Người Thái họ không thiếu hàng hoá để cung ứng cho siêu thị nên khi BigC về tay họ các nhà cung ứng của Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào siêu thị BigC chắc chắn sẽ bị hạn chế, thậm chí là không còn “cửa” để vào nữa. Từ đó, không chỉ thị phần bán lẻ mà cả thị phần hàng hóa sẽ bị hàng Thái lấn át. Khi đó người Việt lại dùng hàng Thái chứ chẳng “ưu tiên” dùng hàng Việt nữa.
Cạnh tranh là tất yếu
Đại diện siêu thị Saigon Co.op mart cho biết: “Mặc dù Saigon Co.op đã vượt qua được những khó khăn về huy động vốn để trở thành ứng viên tiềm năng nhất của thương vụ mua BigC Việt Nam nhưng do chưa có giấy phép đầu tư ra nước ngoài nên kết quả chưa được như mong muốn. Mặc dù được Thủ tướng và các Bộ ngành hết sức ủng hộ nhưng do phía đối tác cần thanh khoản nhanh nên đã chọn chốt thương vụ sớm. Có thể thấy rằng, nếu Saigon Co.op thành công trong thương vụ này thì thương hiệu bán lẻ trong nước sẽ tạo được đối trọng cần thiết và chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh thị phần nội địa so với khối ngoại.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là nếu không thành công trong việc mua lại BigC thì chúng ta không thể giữ vững thị phần và tiếp tục làm bệ phóng cho hàng Việt. Nếu có thêm được BigC, chúng ta sẽ có thêm yếu tố cộng hưởng để thuận lợi hơn, nếu không có được BigC, Saigon Co.op sẽ vẫn chủ động phát triển nhanh mạng lưới và đa dạng hóa các mô hình bán lẻ để kịp thời đáp ứng xu hướng và hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước”, đại diện Saigon Co.op cho biết .
Trao đổi với Danviet, TS. Vương Ngọc Tuấn – Phó Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, trong thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng, việc một siêu thị hay một thương hiệu lớn nào đó được mua đi, bán lại, chuyển từ tay ông chủ này sang ông chủ khác cũng hết sức bình thường. Ngay như câu chuyện BigC, có thể hôm nay về tay người Thái nhưng đến một lúc nào đó lại được chuyển sang một ông chủ khác.
“Tôi cho rằng việc vào tay doanh nghiệp nội hay doanh nghiệp ngoại cũng hết sức bình thường, điều quan trọng là doanh nghiệp mới có tiếp tục thực hiện các cam kết với người tiêu dùng hay không? Doanh nghiệp có xây dựng được niềm tin và thực hiện trách nhiệm xã hội với người tiêu dùng hay không”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, sản phẩm của siêu thị nào tốt, giá cả hợp lý thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn. Qua câu chuyện này, ông Tuấn cũng khuyên các doanh nghiệp trong nước phải tự vươn lên, đảm bảo các dịch vụ cung cấp tốt hơn, hàng hóa có chất lượng cao hơn, giá cả hợp lý hơn…để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.