Bình Định: Làm nghề "ăn cơm đứng", bán cả nong "vàng trắng" dân miền núi đổi đời

Diệp Thị Diệu Thứ tư, ngày 19/01/2022 13:45 PM (GMT+7)
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến giá một số mặt hàng nông sản xuống thấp và khó tiêu thụ. Tuy nhiên, người trồng dâu nuôi tằm tại thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định vẫn có thu nhập ổn định nhờ tham gia chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bình luận 0

Được thành lập năm 2017 trên cơ sở Đề án số 24 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổ hội trồng dâu nuôi tằm thôn Vạn Khánh, xã An Hòa có 25 thành viên tham gia liên kết sản xuất với hơn 40ha dâu tằm. 

Thời gian qua, Tổ hội liên kết với các ngành chức năng huyện để hỗ trợ các hộ dân tham gia chuỗi sản xuất về kỹ thuật trồng, chăm sóc dâu, nuôi tằm lấy kén, vật tư làm trại. Đồng thời liên kết với doanh nghiệp thu mua kén tằm tại thị trấn Bồng Sơn cung cấp giống và thu mua sản phẩm kén tằm với giá ổn định.

Ổn định kinh tế nhờ liên kết trồng dâu nuôi tằm - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, huyện An Lão, tỉnh Bình Định giới thiệu nong kén của gia đình. Ảnh: Diệp Thị Diệu

Nhận thấy trồng dâu, nuôi tằm đem lại lợi nhuận kinh tế cao nên hơn 10 năm nay gia đình anh Nguyễn Ngọc Tuấn (ở thôn Vạn Khánh, xã An Hòa) đã phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm với gần 2ha dâu. Đặc biệt, sau khi tham gia vào tổ hội trồng dâu, nuôi tằm ở địa phương, anh đã có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các hộ cùng trồng dâu, nuôi tằm. Điều này giúp anh rất nhiều trong việc lựa chọn giống cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm.

Anh Tuấn chia sẻ: "Khi tham gia tổ hội, tôi được hướng dẫn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm lấy kén... Đặc biệt, doanh nghiệp cung cấp giống tằm chất lượng nên tỷ lệ sống cao, kén đạt chất lượng. Trung bình mỗi tháng, tôi nuôi 2 hộp tằm giống, thu 1-1,5 tạ kén. Với giá bán dao động khoảng 130.000-150.000 đồng/kg kén, sau khi trừ chi phí, tôi thu về 7-9 triệu đồng/tháng".

Tương tự, từ khi chuyển toàn bộ diện tích đất bãi bồi sang trồng dâu nuôi tằm, cuộc sống của gia đình ông Sử Thành Công dần đi vào ổn định. "Với gần 1ha dâu, mỗi tháng, tôi nuôi 1-2 hộp tằm giống, mỗi hộp thu khoảng 50kg kén. Công ty bao tiêu với giá trên 130.000 đồng/kg kén, gia đình tích lũy được 5 -6 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trồng lúa…" - ông Công cho hay.

Ông Trần Văn Mót – Tổ trưởng tổ hội trồng dâu nuôi tằm thôn Vạn Khánh cho hay: Tổ hội ra đời là để đổi mới cách làm ăn, các thành viên có điều kiện phát triển kinh tế. Khi mọi người cùng chung tay, hợp sức sẽ có được vùng nguyên liệu quy mô lớn. Như vậy mới thoát được kiểu sản xuất nhỏ lẻ, tự phát. Từ khi thành lập đến nay, Tổ hội hoạt động rất ổn định; ai cũng vui vì gặp rất nhiều thuận lợi, sản phẩm làm ra bán được giá không thông qua thương lái, tạo việc làm ổn định cho một số lao động tại địa phương từ việc trồng dâu, nuôi tằm…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem