Bình Định: Ông nông dân “kéo” cả làng cùng làm giàu với nấm bào ngư

Diệp Thị Diệu Thứ hai, ngày 13/12/2021 07:15 AM (GMT+7)
Nhờ mô hình sản xuất phôi nấm bào ngư xám, ông Lê Văn Ảnh - hội viên nông dân thôn Tân An, xã An Tân, huyện An Lão, Bình Định đã có thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng/năm.
Bình luận 0

Tiên phong sản xuất phôi nấm bào ngư

Ông Ảnh là nông dân đầu tiên trên địa bàn huyện An Lão thực hiện mô hình sản xuất phôi nấm bào ngư xám. Được biết những năm trước đây, đời sống gia đình của ông Ảnh cũng như bà con nông dân huyện An Lão còn nhiều khó khăn, thu nhập chủ yếu từ làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ gia súc, gia cầm.

“Kéo” cả làng cùng làm giàu với nấm bào ngư - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Ảnh làm trại để treo và thu hoạch nấm thành phẩm cho bà con nông dân tham quan. Ảnh: DTD

"Mình sản xuất phôi nấm phải đạt chất lượng, lựa chọn những nguyên liệu tốt, tuy lời lãi ít nhưng được số lượng nhiều. Bà con làm ăn được thì họ mới nhớ tới mình".

Ông Lê Văn Ảnh

Ông Ảnh cho biết, muốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập thì phải chuyển hướng sang một lĩnh vực phát triển kinh tế khác. Với suy nghĩ đó, năm 2018, ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và mượn thêm của anh em bà con xây dựng cơ sở sản xuất phôi nấm bào ngư xám với quy mô gần 300m2.

"Lúc mới bắt đầu làm phôi nấm, mặc dù có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các kỹ sư nông nghiệp và được tham dự các lớp tập huấn do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nhưng việc sản xuất phôi nấm vẫn thất bại nhiều lần. Tuy nhiên, nhờ những thất bại đó, mà tôi rút ra được bài học kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm chất lượng như hiện nay" - ông Ảnh giải thích.

Lấy chữ tín làm đầu

“Kéo” cả làng cùng làm giàu với nấm bào ngư - Ảnh 3.

Mô hình làm phôi nấm bào ngư xám giúp gia đình anh Lê Văn Ảnh (thôn Tân An, xã An Tân, huyện An Lão) có thu nhập ổn định, giữ uy tín trên thị trường. Ảnh: DTD

Đối với ông Ảnh, điều quan trọng với người làm kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là phải uy tín, đảm bảo chất lượng và có giá cả ưu đãi cho người nông dân.

"Khi phôi nấm tốt, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc của bà con thì chắc chắn đạt năng suất. Chính vì vậy, mình sản xuất phôi nấm phải đạt chất lượng, lựa chọn những nguyên liệu tốt, tuy lời lãi ít nhưng được số lượng nhiều. Bà con làm ăn được thì họ mới nhớ tới mình" - ông Ảnh chia sẻ.

Để đảm bảo chất lượng phôi, ông Ảnh tự mình làm tất cả các khâu. Đầu tiên là phải chọn 100% bộ gỗ lấy từ tỉnh Gia Lai cùng với cám gạo ở địa phương, các khâu từ ủ bã, vô bịch, hấp, vô meo... Mỗi công đoạn đều được ông thực hiện kỹ càng, đặc biệt khâu vô meo nấm được làm trong phòng kín và thường xuyên vệ sinh để đảm bảo meo nấm được phát triển trong môi trường sạch, không nhiễm bệnh.

Vừa làm phôi nấm, ông Ảnh còn làm trại để treo và thu hoạch nấm thành phẩm. "Làm trại nấm sẽ giúp mình theo dõi được chi tiết quá trình phát triển đầy đủ phôi nấm do chính cơ sở nghiên cứu. Đó là những kinh nghiệm giúp mình cải tiến năng suất nấm trên từng bịch phôi, như vậy sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, những trại nấm thành phẩm sẽ là mô hình mẫu thực tế để bà con đến tham quan, đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sao cho đạt kết quả tốt nhất" - ông Ảnh nhấn mạnh.

Nhờ chịu khó tìm hiểu, áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm từ thực tiễn, cơ sở sản xuất phôi nấm bào ngư xám của Lê Văn Ảnh đã dần khẳng định được uy tín trên thị trường. Hiện nay, mỗi tháng cơ sở của ông Ảnh cung cấp gần 2.500 bịch phôi nấm ra thị trường trong và ngoài huyện. Với giá 7.000 đồng/bịch phôi nấm, trừ các chi phí thu về cho gia đình từ 120 - 150 triệu đồng/năm.

Ông Đinh Văn Hùng - Phó Chủ tịch Hội ND huyện An Lão cho biết: "Mô hình sản xuất phôi nấm bào ngư xám của ông Lê Văn Ảnh là mô hình mang lại giá trị kinh tế cao được địa phương lựa chọn để tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nhân rộng. Đây là hướng đi mới trong định hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tại địa phương, giúp người dân có thêm lựa chọn, định hướng trong sản xuất.

Ngoài ra, để hỗ trợ người dân thực hiện mô hình, trong thời gian đến, Hội ND huyện sẽ phối hợp các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp các hộ trồng nấm vay vốn để phát triển và mở rộng sản xuất…".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem