Ngày 10.4, ông Phạm Văn Thành - Giám đốc Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản yêu cầu Công ty ông tạm dừng việc đổ đá, xà bần trên diện tích 7ha đất mặt nước chưa sử dụng (trong tổng diện tích đã được UBND tỉnh cho công ty này thuê tại Quyết định số 666/QĐ-UBND, ngày 14.9.2009).
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát lại quy hoạch mặt bằng sử dụng đất của Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn cho phù hợp với thực tế, báo cáo đề xuất với UBND tỉnh.
“Sau khi có văn bản của tỉnh, chúng tôi đã tạm dừng việc đổ xà bần và chờ kết quả từ cuộc họp của Sở xây dựng trong tháng 4 này. Vụ việc nhùng nhằng giữa cảng hàng và cảng cá, doanh nghiệp mong muốn được chính quyền giải quyết 1 cách thấu đáo, công bằng để đảm bảo quyền lợi, phát triển cảng ổn định”, ông Thành cho hay.
Nhiều khối lượng đá, xà bần được lấn xuống mặt nước khi vực gần cảng cá Quy Nhơn
Theo ông Thành, UBND tỉnh Bình Định đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho công ty ông tại vị trí phía tây của Cảng cá Quy Nhơn. Theo đó, UBND tỉnh cho thuê 121.560m2 (trong đó, trên 12.761m2 đất và trên 108.798m2 mặt nước), mục đích để sản xuất kinh doanh, xây dựng cảng container 30.000 DWT. Doanh nghiệp sẽ phải trả tiền thuê đất hàng năm, thời hạn thuê đất 50 năm.
Hiện tại, Công ty chỉ mới xây có 2 cầu cảng, 2 bãi chứa dăm. Diện tích 7ha mặt nước còn lại, sẽ tiếp tục lấp hết để làm bãi chứa.
Ông Thành xác nhận việc đổ đất đá, xà bần xuống biển: “Đó là vật liệu tận dụng thi công công trình trong cảng, tạm thời đổ để mở rộng bãi container trên phần đất của chúng tôi. Chuyện này không có gì sai trái, thuộc thẩm quyền của đơn vị nên không hỏi ý kiến cơ quan chức năng. Hiện, các tàu cá ngư dân vẫn đang đậu trên đất chúng tôi, do họ chưa biết nên hiểu lầm tưởng đó là luồng neo đậu trú bão”.
Liên quan đến vấn đề trên, Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, dự án xây dựng cảng container 30.000 DWT do Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn làm chủ đầu tư.
Theo hồ sơ, ngày 4.6.2007, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam xin chủ trương đầu tư cảng container 30.000 DWT và mở rộng luồng tàu vào Cảng Quy Nhơn.
Ngày 18.12.2007, Bộ GTVT có văn bản chấp thuận bổ sung 1 cầu cảng container 30.000 DWT vào quy hoạch cảng biển Quy Nhơn. Ngày 27.10.2008, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản thỏa thuận vị trí tuyến mép bến cảng container 30.000 DWT – Cảng Quy Nhơn. Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu cảng 30.000DWT do Công ty làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại QĐ số 534/QĐ-CTUBND (ngày 9.3.2009) và sau đó được UBND tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư.
Tiếp đó, ngày 14.9.2009, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra quyết định cho Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn thuê 121.560m2 đất để xây dựng cảng container 30.000 DWT, thời hạn 50 năm (trong đó: có 12.761,5m2 đất và 108.798,5m2 mặt nước).
Lo ngại từ dự án xây dựng cảng container 30.000 DWT do Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn làm chủ đầu tư đang bắt đầu.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, đối với 108.798,5m2 mặt nước được thuê, giai đoạn 1 Công ty đã xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng các hạng mục, gồm: Cầu tàu, kè sau cầu, xây dựng 1 phần đường kết nối phục vụ khai thác, san lấp tạo bãi rộng 4ha. Giai đoạn 2, với diện tích 7ha mặt nước Công ty chưa thực hiện, hiện được tàu thuyền ngư dân neo đậu.
Ông Đặng Trung Thành - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho rằng, trong quá trình sửa chữa bãi container của Cảng Quy Nhơn, đá, xà bần thải ra đã được Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tận dụng đổ san lấp 150m2 trên phần diện tích 7ha mặt nước chưa thực hiện. Khoảng cách từ vị trí đổ đá, xà bần tính tới mép ngoài luồng tàu khoảng hơn 200m, do đó chưa ảnh hưởng đến dòng chảy, chưa gây mắc cạn tàu thuyền qua lại.
Tuy nhiên, theo nhận định của Sở TN&MT Bình Định, nếu Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 thì chiều rộng của luồng tàu chỉ còn 100m, không đảm bảo tàu thuyền ra vào. Do đó, Sở TN&MT yêu cầu Công ty tạm dừng việc đổ đá, xà bần trên diện tích 7ha đất mặt nước chưa sử dụng để tính toán.
Chính quyền tỉnh Bình Định yêu cầu Tân cảng Quy Nhơn tạm dừng đổ xà bần, chờ đưa ra phương án xử lý phù hợp
Trong khi đó, ông Đào Xuân Thiện - Giám đốc BQL cảng cá Bình Định lo lắng, khi Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn thực hiện giai đoạn 2 thì chiều rộng của luồng tàu bị thu hẹp, tàu thuyền không neo đậu được, gây khó khăn trong việc cập cảng cá bán sản phẩm.
Bình Định là tỉnh dẫn đầu về số lượng tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP. Đến nay, ngư dân Bình Định đã ký Hợp đồng tín dụng đóng mới 48 tàu vỏ thép, 8 composite và 5 gỗ công suất lớn.
“Thêm nữa, tàu vỏ thép đều có chiều dài ít nhất là 30m, theo nguyên lý, khi chiếc tàu dài 30m quay trở thì sẽ chiếm diện tích mặt nước gấp 2,5 lần chiều dài con tàu, vị chi là 75m, vậy còn đâu chỗ cho tàu khác ra vào”, ông Thiện cho hay.
Theo ông Thiện, điều đáng ngại vào mùa mưa bão, lượng tàu vào neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn lớn, gây “quá tải” ở cảng cá. Trong khi đó, ở Bình Định chỉ có mỗi cảng cá Quy Nhơn là đủ độ sâu có thể tiếp nhận tàu cá vỏ thép và đội tàu gỗ đánh bắt xa bờ công suất lớn của ngư dân.
Trước đó, Dân Việt đã đăng tải bài viết: Nỗi lo cảng hàng “đè” cảng cá, phản ánh tình trạng Công ty CP Tân cảng Quy Nhơn đổ đá, xà bần với mục đích mở rộng bãi container khiến luồng lạch ra vào cảng cá Quy Nhơn bị đe dọa. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn tạm dừng việc đổ đá, xà bần trên diện tích 7ha đất mặt nước chưa sử dụng và giao Sở Xây dựng rà soát lại quy hoạch mặt bằng sử dụng đất của Công ty CP Tân Cảng Quy Nhơn, báo cáo đề xuất với UBND tỉnh để có hướng xử lý phù hợp.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.