Bình Phước: Vì sao nông dân thiệt đơn thiệt kép với loại cây ra trái từng chùm từng coi là đặc sản này?

Thứ tư, ngày 22/09/2021 05:34 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, thời gian qua việc tiêu thụ nông sản của nông dân trong tỉnh Bình Phước gặp nhiều khó khăn. Mặc dù đã được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiêu thụ, nhưng hiện nay hàng chục hécta nhãn da bò của nông dân xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú vẫn gặp khó trong việc tìm đầu ra...
Bình luận 0
Chưa kể người trồng nhãn nơi đây còn phải chịu những thiệt hại do giá nhãn xuống thấp, trong khi giá phân bón và công thu hái tăng cao.

Gần 20 năm gắn bó với cây nhãn, chưa năm nào bà Lê Thị Hạnh ở ấp 5, xã Tân Hưng lại gặp khó như năm nay. Hiện vườn nhãn 1,8 ha của gia đình bà đã vào giai đoạn chín rộ, nhưng mới thu được vài tấn. Những năm trước, chỉ cần nhãn chín là thương lái đến tận vườn thu mua với giá cao hơn nhiều so với năm nay.

Bình Phước: Nông dân thiệt đơn thiệt kép với loại cây ra trái từng chùm này - Ảnh 1.

Nhãn đã quá kỳ thu hoạch, trái chín nứt đầy trên cây nhưng nông dân xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vẫn gặp khó trong tiêu thụ.


Bà Hạnh cho biết: “Năm nay, ước sản lượng vườn nhãn đạt khoảng 30 tấn. Hiện giá thu mua tại vườn dao động từ 5.500-6.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa so với năm trước. Với giá thu mua này, người trồng nhãn gần như không có lãi. 

Không chỉ khó khăn đầu ra, giá cả thấp, người trồng nhãn còn chịu thêm gánh nặng chi phí do giá phân bón tăng cao. Đặc biệt, nhãn chín để quá lâu trên cây, dẫn đến hao hụt từ 30-40%. Giờ chỉ mong bán đủ để trả tiền phân bón và nhân công là mừng rồi”.

Nhìn những chùm nhãn chín, bị nứt, rụng đầy vườn khiến ai cũng xót xa. Cũng theo bà Hạnh, phần lớn số nhãn bán được thời gian qua là nhờ các cá nhân, tổ chức, hội, đoàn thể ở địa phương vào cuộc hỗ trợ thông qua hình thức bán hàng online, nhưng chưa nhiều. 

Bà Hạnh cho biết thêm: “Năm trước, nhãn chín tới đâu thương lái vào vườn mua tới đó. Năm nay, nhà vườn phải tự gửi hàng đi và nhờ hội, đoàn thể hỗ trợ mới “ra” được hàng. Hiện nay, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ kênh bán hàng ổn định, đảm bảo đầu ra cho nông sản nói chung”.

Cạnh đó, vườn nhãn hơn 1 ha của hộ bà Vi Thị Tài cũng trong tình trạng tương tự - nhãn chín rụng đầy vườn và không có người thu mua.

Xã Tân Hưng hiện có hơn 30 ha nhãn đang cho thu. Sản lượng ước khoảng hơn 150 tấn. Đầu ra khó khăn, giá cả xuống thấp, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất tăng đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người trồng nhãn. 

Hiện tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ nên việc lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố và nội tỉnh gặp nhiều khó khăn, kéo theo việc tiêu thụ nông sản của nông dân càng thêm khó.

Ông Phạm Văn Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hưng cho hay: Với phương châm vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa tìm cách “giải cứu” nhằm giảm bớt phần nào khó khăn cho người dân, không chỉ hội mà Đảng ủy, UBND xã, MTTQ và các ban, đoàn thể ở xã đều chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, nhưng vẫn không “thấm vào đâu”. 

Do tiêu thu chậm, nhiều vườn nhãn rụng, hao hụt khá nhiều. Vụ nhãn này chắc chỉ mong thu đủ bù chi, chứ không có lợi nhuận.

Để đảm bảo nông dân “sống được” từ cây ăn trái, hiện địa phương tích cực kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Trước mắt, chúng tôi kêu gọi người dân chung tay hỗ trợ tiêu thụ nguồn nông sản này. Về lâu dài, chúng tôi định hướng người dân thâm canh, xen canh nhiều loại cây trồng, vật nuôi trên cùng đơn vị diện tích và hướng đến sản xuất sạch, ký kết bao tiêu sản phẩm để tránh những “thiệt đơn, thiệt kép”, ông MAI HÀ THANH, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước).

Điểu Vĩnh (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem