Rau rừng Bình Phước tên nghe lạ tai nấu món đặc sản 10 người ăn đều khen cả 10
Bình Phước: Rau bép-rau lạ đặc sản thêm 1-2 con cá suối thì 10 người ăn thì cả 10 người đều tấm tắc khen ngon
Chủ nhật, ngày 13/06/2021 18:46 PM (GMT+7)
Rau bép là một loại rau rừng phổ biến ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) và được người dân địa phương sử dụng làm nguyên liệu chính cho nhiều món ăn đặc sản truyền thống.
Rau bép hay còn gọi là rau Nhíp (người địa phương-dân tộc S’tiêng còn gọi là Har Piếp) là loại rau rừng mọc phổ biến ở các cánh rừng Bình Phước và khu vực Nam Tây Nguyên.
Cây rau bép có hàm lượng dinh dưỡng cao, có sức sống mãnh liệt, và lá bép có thể thu hái quanh năm. Vì vậy, người dân địa phương thường thu hái ngọn (đọt), lá non của cây để sử dụng và chế biến các món ăn.
Người dân địa phương dùng rau bép để chế biến nhiều món ăn đặc sắc.
Trước hết, việc sử dụng các rau bép để làm món ăn phải kể đến các món ăn truyền thống của người địa phương như rau bép nấu canh thục, rau bép nấu canh cá suối, rau bép nấu canh cua.
Sau này, người dân sử dụng rau bép để làm các món như rau bép xào tỏi, rau bép xào thịt bò, rau bép nấu mì.
Vì vậy, để hiểu hơn về truyền thống của người dân địa phương, chúng ta có thể tìm hiểu thêm về cách chế biến món ăn đặc trưng nhất từ rau bép của cộng đồng người dân tộc tại chỗ.
Trong số các món ăn truyền thống, món rau bép nấu canh thục (canh thụt) là món ăn truyền thống đặc trưng tiêu biểu cho nét văn hóa của cộng đồng người dân tộc tại chỗ.
Việc nấu canh thục đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ và công phu để có được món ăn như ý. Trước hết, rau bép được người dân địa phương hái từ rừng và cho vào ống lồ ô để nấu canh thục cùng với một số gia vị khác bao gồm đọt mây, cà đắng, ớt xanh hoặc các nguyên liệu sẵn có khác.
Sau đó, chúng ta cho một lượng nước suối vừa phải và nướng trên bếp lửa hồng. Khi ống canh vừa chuyển sang màu vàng, chúng ta cho thêm cá suối, muối và một ít bột ngọt.
Khi nấu canh thục, người làm bếp cần xoay đều ống để món canh chín và dùng một cây tre dài thụt liên tục để các thành phần trong ống canh nát nhuyễn và hòa quyện cùng nhau.
Chính sự tác động này đã đặt cho món canh một tên gọi đặc biệt đó là canh thục.
Sau khi canh thục được chế biến công phu, chúng ta sẽ thưởng thức món ăn đặc biệt thể hiện cả truyền thống ẩm thực núi rừng và nét văn hóa cộng đồng.
Khi thưởng thức món canh thục, chúng ta sẽ cảm nhận vị đắng mà ngọt hậu từ đọt mây, cà đắng, vị cay của ớt, dẻo bùi của rau bép hòa với vị ngọt tươi ngon của cá suối càng làm cho món ăn thêm đậm đà hương vị của núi rừng.
Món canh thục cũng là món ăn thể hiện tính cộng đồng rất cao bởi tất cả các vị rau rừng, cá suối dù ít hay nhiều cũng được chia đều cho tất cả những người tham gia thưởng thức món ăn (nếu có 1 đến 2 con cá suối mà đem chia cho 10 người ăn thì rất khó nhưng với 1 hoặc 2 con cá suối khi cho vào món canh thụt thì có thể chia đều cho 10 người cùng ăn).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.