BLV Ngô Quang Tùng – Sợ cô độc trong cabin và luôn hướng đến sự chân thực

Huỳnh Đặng Thứ bảy, ngày 25/07/2020 15:10 PM (GMT+7)
Suốt một “mùa Covid-19” không bóng đá, NHM nhớ vô cùng những lời bình luận trực tiếp khi bóng lăn trên sân. Thật may mắn khi 2 tháng gần đây, bóng đá Việt Nam đã trở lại và chúng tôi đã có 1 cuộc trò chuyện với BLV Ngô Quang Tùng về hành trình trên con đường trở thành BLV bóng đá chuyên nghiệp của anh.
Bình luận 0

PV: Xin chào BLV Ngô Quang Tùng! Anh đến với nghề bình luận bóng đá như thế nào?

BLV Ngô Quang Tùng: Tôi bắt đầu vào nghề từ năm 1997 với điểm xuất phát là một người yêu thể thao, thích bóng đá, hay xem bóng đá. Thời điểm đó là khoảng 1 năm thành lập kênh VTV3, ban Thể thao có tuyển Phóng viên, Biên tập viên và tôi có đọc được thông báo đó rồi ứng tuyển.

BLV Ngô Quang Tùng – Sợ cô độc trong cabin và luôn hướng đến sự chân… - Ảnh 1.

BLV Quang Tùng trong lần giao lưu với Thể thao Dân Việt.

Thực ra tôi cũng có những mối quan hệ gần gũi với Đài truyền hình. Người lãnh đạo phòng thể thao lúc đó là cựu cầu thủ của đội Thể công, chú Vũ Huy Hùng – người đã dẫn dắt tôi rất nhiều, do đó cũng có nhiều thuận lợi.

Và từ đó – tháng 10/1997, tôi bắt đầu bước vào nghề BLV. Lúc đó VTV3 gần như là kênh truyền hình duy nhất có tính giải trí. Do các chương trình khác chưa bùng nổ nên thể thao có rất nhiều đất diễn, có nhiều điều kiện để những người mới vào nghề như tôi có cơ hội việc làm và phát triển năng lực của mình. Sau này vì nhiều lý do tôi đã chuyển sang làm ở Viettel, nhưng vẫn cộng tác với VTV.

PV: Theo anh, nghề BLV là nghề nói ra điều mình thấy hay nói ra điều mình nghĩ?

BLV Ngô Quang Tùng: Chắc chắn là phải kết hợp cả hai. Trong lịch sử ngành truyền hình Việt Nam, có lẽ BLV bóng đá là những người ngay từ giây phút đầu tiên đã phải nói những điều mình nghĩ, nói những cái của riêng mình.

Còn nói những điều mình thấy thì cần phải có sự quan sát. Người bình luận phải có sự kết hợp giữa tường thuật và phần bình luận. Với truyền hình phần tường thuật ít nhưng không thể không có bởi mình phải có sự mô tả nào đó. Cái hay, cái khéo của người làm tường thuật là làm sao đủ để cho người khác hiểu được mình đang truyền tải thông điệp nào đó chứ không mô tả hết cái nhìn thấy trên truyền hình.

PV: Có 1 cổ động viên đã nói rằng: "Trong số các BLV bóng đá Việt Nam thì có 2 người được hâm mộ nhất là Ngô Quang Tùng và Vũ Quang Huy". Anh nghĩ sao về lời nhận xét này?

BLV Ngô Quang Tùng: Chắc là cũng có nhiều sự ưu ái ở đây nhưng tôi cho rằng lời nhận xét này cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là chính bản thân mình cũng có những đóng góp, những ấn tượng riêng và để lại được một điều gì đó khi bình luận bóng đá.

Thứ hai là mình có may mắn khi làm ở Đài Truyền hình Việt Nam trong nhiều năm, đúng vào giai đoạn bùng nổ của thể thao truyền hình với nhiều sự kiện như Tiger Cup, Sea Games và bóng đá thế giới như World Cup, Euro… kể cả V.League.

Do tần suất trận đấu nhiều, bình luận liên tục và được làm việc ở một kênh truyền hình có tên tuổi, được truyền thông mạnh nên đã hằn vào ký ức của mọi người, được mọi người nhớ tới. Và một điều nữa, có vẻ mọi người có phần hơi ưu ái quá với thế hệ đi trước và khắt khe hơn với thế hệ sau này dẫn tới có những sự so sánh như vậy.

PV: Cũng có một nhận xét rằng khán giả thường thích các BLV nói tiếng Bắc nhiều hơn. Anh thấy điều này có đúng không và nói lên điều gì?

BLV: Tôi nghĩ rằng, cái đó cũng là một phần do cảm quan của mỗi người. Theo hiểu biết của tôi, ở khu vực Nam bộ họ khó nghe tiếng Bắc vì giọng Bắc nói nhanh. Mỗi một vùng miền có giọng địa phương khác nhau, khác ở âm điệu, tốc độ và cả từ ngữ địa phương.

Tuy nhiên có lẽ một số BLV bóng đá có yếu tố bề dày, sự sôi nổi trong phong cách và có thể là lý do khiến các BLV nói giọng Bắc có một tỉ lệ ưu ái hơn. Nhưng chắc chắn không phải là tất cả. Tôi nghĩ là yếu tố chuyên môn, yếu tố phong cách khiến cho các BLV miền Bắc có lợi thế nhất định.

PV: Nhiều BLV thường thiên vị và có một chút yêu ghét khác nhau với một đội bóng nào đó. Anh có thấy như vậy không? Riêng anh đã từng thể hiện yêu ghét đội nào chưa?

BLV: Đó là chuyện tương đối phổ biến. Trên thế có một số CLB được yêu nhiều hơn, họ có lượng fan rất lớn. Các BLV thường có cảm xúc đặc biệt hơn. Ở Việt Nam khoảng 4, 5 năm vừa rồi có Hoàng Anh Gia Lai với lứa cầu thủ được yêu mến cũng được một số BLV thể hiện tình cảm có phần hơi quá.

Đó là chuyện đúng với nhiều người sẽ không thực sự khiến người khác hài lòng. Cái yêu mến đó là những điều không tránh khỏi. Đối với tôi, không cần phải giấu giếm chuyện mình thích một đội bóng này hơn một đội bóng khác. Đó là chuyện bình thường nhưng trong công tác bình luận, cái sự yêu ghét không nên được thể hiện qua một tình huống cụ thể. Cái đội bóng mình yêu có sai cũng nên phê bình một cách tinh tế để làm sao người khác hiểu rằng, tôi yêu nó nhưng cũng phải thừa nhận rằng nó cũng có những cái kém. Nên tiết chế tình cảm của mình trong bình luận, nhất là bình luận trực tiếp có thể dễ gây ra những phản cảm.

Quan điểm của tôi là không có vấn đề gì lớn khi một BLV thể hiện rằng mình yêu đội bóng này nhiều hơn một chút. Điều đó không sao cả. Vì yêu họ mới có được những cảm xúc, người ta có được sự thăng hoa.

PV: Các BLV bóng đá thường hay dùng các từ có màu sắc quân sự để mô tả về trận đấu. Anh giải thích thế nào về việc này?

BLV: Bóng đá là một cuộc chiến mà. Đây là môn thể thao đối kháng trực tiếp, có va chạm, có đấu tay đôi, đấu hội nhóm… Đó là một cuộc chiến đấu nên ý chí chiến đấu đôi khi sẽ mang tính quyết định rằng đội nào là đội chiến thắng. Do đó các BLV sử dụng các từ ngữ theo ngôn ngữ quân sự thì cũng không có gì là lạ và khá phù hợp. Tôi cho rằng cũng không có từ ngữ khác hợp hơn cho việc tổ chức trận đánh. Vì bóng đá mà, giống như một trận đánh, có sự chuẩn bị và diễn biến cũng như chiến thuật chiến đấu. Chiến thuật trong bóng đá và trong quân sự cũng có nhiều điểm giống nhau, có trận giả, có vu hồi… Đó là những từ ngữ hết sức hình ảnh, mình không có nhiều từ khác tương đương.

Tất nhiên cũng có sự tìm tòi sáng tạo khiến cho bình luận màu sắc hơn. Quan điểm của tôi trong việc này là hạn chế tối đa không nói lặp lại. Nếu như đã nói "không chiến" thì lần sau phải là "một pha bóng bổng"…

PV: Tại sao lại có ít BLV bóng đá là nữ?

BLV: Tôi cho rằng, những người thực sự hiểu biết về bóng đá ở phái nữ chưa đủ nhiều và những người đó chưa thực sự đam mê với công việc bình luận và đôi khi có cả những tố chất nữa. Các bạn nữ thiệt thòi vì vấn đề sức khỏe và chất giọng. Giọng để làm bình luận cần đủ dày và có âm vực trung hoặc trầm. Đối với nữ giới thường là khó hơn. Đó là ý kiến ban đầu của tôi.

PV: Anh có thể chia sẻ về quy trình tuyển dụng BLV ở đài truyền hình ?

BLV: Trước đây, trong giai đoạn đầu 2006 chúng tôi có tổ chức một cuộc tuyển chọn. Sau đó đến năm 2013, 2014 tôi có tham gia đợt tuyển chọn khác cho kênh K+.

Trước tiên, sẽ kiểm tra kiến thức nền về bóng đá và thể thao nói chung. Thường đánh giá cao những người có kiến thức toàn diện, kể cả kiến thức của các ngành khoa học xã hội khác.

Thứ hai sẽ kiểm tra vấn đề tố chất ở khả năng diễn đạt, chất giọng, sức khỏe và cả ngoại hình. Thông thường sẽ có một clip về các tình huống bóng đá phổ biến để các ứng viên thể hiện năng lực.

PV: Anh có phải là người chơi bóng giỏi không?

BLV Ngô Quang Tùng: Thực ra cũng giống như nhiều cậu bé tầm tuổi 7X, 8X lớn lên với vỉa hè Hà Nội, tôi cũng đá bóng suốt ngày và cũng có một ước mơ trở thành cầu thủ.

Tôi tự nhận là trong lúc bé mình đá bóng cũng không kém ai cả. Nhưng trên thực tế, tôi chưa bao giờ được tham gia vào các lớp huấn luyện, tập đá bóng nghiêm túc, chính thống. Mặc dù tôi sinh ra trong gia đình thể thao, bố là lãnh đạo đơn vị thể thao lớn nhất của quân đội.

Lẽ ra mình phải có điều kiện được tập luyện một cách bài bản nhất, nhưng điều đó đã không xảy ra. Lý do cơ bản là bố tôi thấy tôi không phải là người có tài năng để chơi chuyên nghiệp. Có thể ông nhìn thấy những vấn đề khác trong cuộc đời bóng đá mà nếu như chơi bóng đá chuyên nghiệp sẽ dẫn mình tới những cái rất khác trong cuộc đời mà mình không thể tự nhận thấy.

Điều quan trọng nhất là mình có đủ tài năng để đá bóng đỉnh cao không? Nếu không thì chỉ nên chơi theo kiểu phong trào, lấy sức khỏe, lấy niềm vui, không thể chơi chuyên nghiệp được. Càng về sau tôi càng thấy đúng vì mình không có năng khiếu để trở thành cầu thủ giỏi.

Còn đá bóng, tôi đá rất nhiều và đá bằng tất cả sự hiểu biết, sự say mê và nhờ sống trong môi trường thể thao, bóng đá từ bé nên cảm nhận và hiểu biết của tôi về thực tế trò chơi này khá đầy đủ cho dù không là một cầu thủ giỏi được.

PV: Vậy thì người bình luận bóng đá có nhất thiết phải biết đá bóng không hay cần những yếu tố nào khác?

BLV Ngô Quang Tùng: Trên thế giới, trong khuôn khổ trò chơi bóng đá cũng có trường hợp như sau: không phải cầu thủ giỏi, thậm chí chưa đá bóng chuyên nghiệp người ta cũng có thể trở thành HLV rất nổi tiếng. Với BLV, điều này thực ra không cần thiết nhưng phải có sự cảm nhận đầy đủ, có sự hiểu biết đầy đủ. Những người từng chơi trò chơi này, chơi để hiểu biết chắc chắn sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn. Còn thực ra không nhất thiết phải là cầu thủ, đá bóng giỏi mới có thể làm BLV.

Thực chất đây là một nghề cần giọng nói, khả năng diễn đạt và là câu chuyện tư duy. Những yếu tố đó quan trọng hơn vấn đề có đá bóng giỏi hay không. Đá bóng tốt sẽ hậu thuẫn mình nhiều hơn. Còn hiểu biết về trò chơi này, kiến thức bóng đá thuần túy chuyên môn, kiến thức lịch sử thì có lẽ không cần phải đá bóng giỏi người ta cũng có thể tự trải nghiệm được.

PV: Anh có nhớ trận đấu đầu tiên anh bình luận trực tiếp là trận nào không?

BLV Ngô Quang Tùng: Đó là trận đấu ở giải vô địch quốc gia năm 1998, trận Công An TP Hồ Chí Minh với Sông Lam Nghệ An. Một trận hòa 2 đều trên sân Thống Nhất.

Thực sự lúc đó tôi rất hồi hộp bởi đây là trận đấu đầu tiên tôi bình luận trực tiếp dù trước đó đã có rất nhiều trận đọc băng ghi hình rồi. Lần đầu tiên đó tôi nói rất nhiều, nói nhiều hơn những gì nên làm. Với người mới làm lúc nào cũng lo thiếu, không biết nói thế này có đủ không nhỉ, mọi người có hài lòng không?

PV: Mỗi khi bình luận trực tiếp một trận đấu, điều anh lo lắng nhất là gì?

BLV Ngô Quang Tùng: Bình luận một trận đấu trực tiếp có rất nhiều điều phải lo lắng. Riêng việc nắm bắt thông tin để truyền tải cũng khiến tôi lo lắng vì không phải lúc nào mình cũng nắm hết được những chuyện đã xảy ra.

Nhưng đôi khi có những lo lắng rất đời thường như sau: Tôi sợ nỗi cô độc trong cabin. Bình luận bóng đá Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong công việc của tôi, còn chủ yếu là bình luận bóng đá thế giới. Khi đó mình ngồi tại một địa điểm, có đường truyền tín hiệu gửi về và chỉ có hình ảnh chứ không có tiếng động hay còn gọi là tiếng nền.

Bình luận những trận đấu đó, tôi ngồi trong cabin một mình, nói một mình nhưng thực chất là nói cho rất nhiều người nghe. Nếu như có tiếng động thì mình sẽ có cảm giác được sống trong không khí đó. Nhưng nếu không có tiếng động thì nỗi cô độc sẽ bị đẩy lên rất nhiều lần. Đó là cảm giác khiến tôi sợ nhất.

PV: Nghề bình luận trực tiếp chắc chắn không tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp…?

BLV Ngô Quang Tùng: Cái khó của BLV là phải xử lý trực tiếp khi các tình huống bóng đá trôi qua rất nhanh. 90 phút có thể ngắn vô cùng bởi các tình huống bóng nối tiếp nhau và những tai nạn nghề nghiệp chắc chắn không thể nào tránh khỏi.

Người bình luận chỉ có thể hạn chế được những tai nạn đó bằng cách chuẩn bị cho mình một cái nền đủ tốt, một bề dày kiến thức, sự hiểu biết và sự mẫn cảm nghề nghiệp để luôn ứng xử phù hợp.

Trong khi nói trực tiếp, chuyện gì cũng có thể xảy ra và việc tập trung, chuẩn bị một sức khỏe tốt, sự minh mẫn cũng như kiến thức nghề nghiệp là những yêu cầu bắt buộc.

PV: Anh có thấy nghề BLV là một nghề vất vả không?

BLV Ngô Quang Tùng: Tôi nghĩ là khó để khẳng định chuyện này. Nếu chỉ có phần việc là bình luận các trận đấu thì không phải là công việc vất vả. Bởi vì cái khó là cái kiến thức thì đã được bồi đắp trong nhiều năm, những thông tin về trận đấu thì chỉ cần chuẩn bị trong một khoảng thời gian và thời gian để làm một trận đấu mỗi ngày mất khoảng 2 tiếng.

Nếu chỉ làm bình luận, không làm công tác biên tập thì đây là công việc không vất vả. Tôi được làm công việc mình yêu thích và công việc đó nuôi sống được tôi nên chủ yếu vui là chính, hạnh phúc là chính còn những điều vất vả hoặc không hài lòng thì không đáng kể.

Khi làm nghề bình luận, cái tôi có được nhiều hơn cái mất đi. Dù rằng trong số hàng trăm, hàng nghìn trận đấu đã bình luận, tôi cũng có những lần rất muốn được làm lại. Nếu như được làm lại có thể mình sẽ nói cái khác, xử lý theo một cách khác.

PV: Vậy xin hỏi anh một câu để kết thúc cuộc trò chuyện lần này, anh có đặt ra một câu "slogan" nào trong nghề bình luận của mình không?

BLV Ngô Quang Tùng: Tôi ít khi đặt ra những tuyên ngôn cho bản thân mình. Nhưng nếu để nói một câu về nghề, tôi có thể nói một câu này và đó cũng chính là quan điểm sống của tôi: "Luôn luôn hướng theo sự chân thành đúng mực".

Khi làm nghề, tôi luôn luôn lấy sự chân thành để cố gắng làm theo, lấy hiểu biết của mình và dựa vào con mắt của mình với môn thể thao này để trò chuyện với người xem về trận đấu.

Tôi dùng hiểu biết của mình để mời mọi người cùng xem, cùng hiểu và cùng thích bóng đá với tôi. Đó cũng là lối đi tôi chọn cho riêng mình – lối đi trung thành với con đường chuyên môn về bóng đá.

PV: Cảm ơn anh rất nhiều về cuộc nói chuyện lần này! Hẹn gặp lại anh ở những trận đấu bóng đá trực tiếp sắp tới và tất nhiên là cả những cuộc nói chuyện sau này!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem