Bỏ con tôm, nông dân Cần Giờ đổi đời nhờ chọn nuôi loài thuỷ sản này

Lê Giang Thứ năm, ngày 14/09/2023 07:00 AM (GMT+7)
Việc cá dứa ít rủi ro vì bệnh và có giá trị kinh tế khá cao, nhiều nông dân Cần Giờ chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá dứa khi họ có sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương và thành phố.
Bình luận 0

Xây nhà tậu xe nhờ nuôi cá dứa

Hàng năm huyện Cần Giờ (TP.HCM) có hơn 6.000 ha mặt nước được đưa vào nuôi tôm cá. Trong đó, 2.800 ha nuôi quảng canh, 3.300 ha ao nuôi. Vài năm trở lại đây, tôm liên tục rớt giá, nhiễm bệnh hàng loạt khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khó khăn. 

Do đó, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm sang nuôi các dứa để tránh rủi ro do tôm bệnh mà còn đảm bảo được nguồn thu ổn định.

Tại xã Lý Nhơn và xã An Thới Đông, từ nhiều năm nay, bà con chuyển sang nuôi cá dứa trong ao tôm sẵn có, điển hình như hộ ông Trần Hoài Sơn, ở ấp Lý Hòa Hiệp (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ). Với 4.000m2 thí điểm nuôi ban đầu, giờ đây diện tích mặt nước nuôi cá dứa của ông Sơn đã tăng lên hơn 1,5 ha. Thu nhập hàng trăm triệu đồng từ cá dứa mỗi vụ. Gia đình ông Sơn không những thoát khỏi nợ nần mà cuộc sống cũng trở nên khá giả, tận dụng mặt nước nuôi tôm cũ, chỉ tốn ít công cải tạo mà hiệu quả kinh tế lại cao.

Vì sao nông dân Cần Giờ chọn nuôi cá dứa thay vì nuôi tôm? - Ảnh 1.

Cá dứa là đặc sản nổi tiếng cở Cần Giờ đang được nhiều hộ nông dân đầu tư lớn.

Còn ông Văn Hữu Lạc ngụ ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (huyện Cân Giờ, TP.HCM) cũng chuyển sang nuôi cá dứa với hơn 10 ha ao cá. 

Ông chia sẻ: "Khoảng chục năm trước thì chỉ có vài hộ nuôi cá dứa nhưng nay thì nuôi nhiều lắm. Nhiều hộ bỏ nuôi tôm chuyển sang nuôi cá dứa. Nhờ đó, đời sống người dân ngày một nâng cao, nhiều người xây nhà lầu, mua xe hơi cũng từ nuôi cá dứa".

Theo ông Lạc, nuôi cá dứa ít rủi ro hơn nuôi tôm, và giá trị gấp 5 lần nuôi cá tra. Mỗi vụ nuôi cá dứa mất khoảng 1 năm. Lúc này, trọng lượng cá 1,5 – 2kg/con. Đây là thời điểm thu hoạch cá cho lợi nhuận cao nhất với mức giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg. Trừ hết chi phí, người dân lãi từ 200 - 500 triệu đồng/ha nuôi cá.

Vì sao nông dân Cần Giờ chọn nuôi cá dứa thay vì nuôi tôm? - Ảnh 2.

Nhiều nông dân Cần Giờ chuyển sang nuôi cá dứa ngay trên ao nuôi tôm trước đây.

Theo Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, hiện trên địa bàn có 15 hộ nuôi cá dứa với 30ha. Mỗi năm, huyện này cung cấp ra thị trường khoảng 300 tấn cá dứa. Cá dứa là đặc sản nổi tiếng nhất ở huyện Cần Giờ. Hai loại cá dứa phổ biến là cá tươi và khô dứa. Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, cá dứa Cần Giờ mỗi năm xuất khẩu hàng chục tấn đi các nước châu Âu. 

Hiện, Cần Giờ có gần 70 cơ sở làm khô cá dứa, trong đó có cả công ty sản xuất cá dứa xuất khẩu. Cũng nhờ có bước chuyển mình mạnh mẽ, nông dân Cần Giờ không chỉ phát triển kinh tế mà còn xây dựng được thương hiệu khô cá dứa cho vùng.

Chủ động nguồn giống để mở rộng thương hiệu cá dứa Cần Giờ

Cá dứa cũng là mặt hàng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Cần Giờ. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều thách thức để nâng cao sản lượng, chất lượng cũng như mở rộng các mô hình nuôi cá dứa. Địa phương và TP.HCM đã nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi cá dứa sao cho đạt hiệu quả tốt nhất.

Nuôi cá dứa không khó vì loài cá này có sức đề kháng tốt. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cá cũng bị bệnh ký sinh trùng. Vì thế, xử lý nước cho sạch bệnh trước khi thả giống và xử lý nước định kỳ mỗi tháng là hết sức quan trọng.

Vì sao nông dân Cần Giờ chọn nuôi cá dứa thay vì nuôi tôm? - Ảnh 3.

Với sản lượng ổn định và giá thành cao, người dân Cần Giờ đổi đời từ nuôi cá dứa.

 Cho đến nay, việc nuôi cá dứa hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn giống tự nhiên. Việc nuôi cá dứa có sản lượng ít hay nhiều mỗi vụ phải trông chờ vào nguồn cá trên sông.

"Bà con nuôi cá dứa không đủ sản lượng đáp ứng thị trường tiêu thụ. Tôi rất muốn mở rộng diện tích nhưng nguồn đất không còn. Quan trọng hơn, tôi không chủ động được nguồn cá dứa giống. Cá dứa giống chỉ có trong tự nhiên, chưa nơi nào ương được cá giống", ông Nguyễn Hữu Lân ở xã Lý Nhơn cho biết.

Mỗi năm từ tháng 10 đến tháng 12, người dân phải ra các cửa sông đợi cá dứa đẻ để bắt cá con về nuôi. Ở Việt Nam, chỉ một vài vùng biển như Cần Giờ, Côn Đảo mới nuôi được loại cá này.

"Khó khăn nhất khi nuôi cá dứa là con giống. Hiện giờ cá dứa chưa sinh sản nhân tạo được nên mình phải phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Khoảng tháng 10 âm lịch mình đi thu gom cá con rồi về thả vào hồ rồi chăm sóc. Khoảng 1 năm là thu hoạch được", ông Văn Hữu Lạc chia sẻ.

Hiện nay, người dân đã phần nào chủ động được nguồn giống khi nhập cá ép nhân tạo từ An Giang, Trà Vinh, Bạc Liêu. Dẫu vậy, ngay tại địa phương Cần Giờ vẫn chưa có trại giống cá dứa đủ cung cấp cho bà con nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem