![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/4-2010/images/2010-11-04/1435963779-2010-11-5-caykimcuong.jpg) |
Học sinh đội mưa đi săn cây kim cương trong giá rét. |
Giá trị bất ngờ
Chúng tôi có mặt dưới rặng rừng già rét buốt, cơn mưa rừng trút xuống tầm tã không dứt. Từng toán người ở khắp các huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông... (tỉnh Kon Tum), và các huyện lân cận thuộc tỉnh Quảng Ngãi đổ xô vào các cánh rừng để săn cây kim cương.
Loại cây này hiện đang gây bất ngờ vì giá trị của nó, nếu “trúng” 1-2kg có thể kiếm được cả triệu đồng. Già làng Vi Xây (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) A Nó cho biết: Cả làng mình có 24 hộ, hơn 100 nhân khẩu, những ngày này chỉ tụi trẻ con ở nhà thôi, còn tất cả đều vào rừng tìm kiếm cây kim cương.
Hỏi về tác dụng của loại cây này, già làng A Nó khoát tay: “Ồ, mình không biết đâu. Chỉ thấy mấy người buôn bán hỏi mua, có từng nào họ mua hết từng đó, giá 600.000 đồng/kg cây tươi, còn khô có giá tới 7 triệu đồng/kg. Ngay cả mình đây cũng suốt ngày đi tìm cây kim cương về bán mà…”.
Theo Trưởng thôn A Jơn, loại cây này thời trước mọc đầy xung quanh nhà, nhưng không ai để ý, đến khi có người đến hỏi mua, mọi người mới biết là cây quý. Do nhiều người tìm hái, nên bây giờ phải vào tận rừng già mới có.
Chúng tôi tìm đến một “đại lý” thu mua cây kim cương, anh Đ, chủ đại lý cho biết, lúc đầu còn dễ thu mua chứ bây giờ, do có quá nhiều người từ nơi khác đến gom hàng nên mỗi ngày cũng chỉ mua được vài chục cân, mà giá cả lại bị đẩy lên cao. Ngay cả anh Đ cũng không hề biết công dụng của loại cây này, chỉ biết bán giá cao ngất trời nên thu mua kiếm lời.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Lê Nam Khánh - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, cây kim cương được thu mua với giá cao, rồi vận chuyển bán sang Trung Quốc… chứ không tiêu thụ tại Việt Nam.
“Theo các sách y học thì loại cây này không được ghi nhận dùng để làm thuốc, chữa bệnh, tuy nhiên một số người cho rằng dùng cây kim cương để chữa bệnh tim mạch” – ông Khánh nói.
Bỏ học săn kim cương
Trong số hàng trăm người chúng tôi bắt gặp, có rất nhiều trẻ em bỏ bê việc học hành để gia nhập vào đoàn người lặn lội vào rừng sâu để săn tìm kim cương.
Không mũ nón, không một mảnh áo đi mưa, cậu học trò A Toàn, lớp 9A, Trường THCS Đăk Tăng, huyện Kon Plông mặt mày tím tái, cả mình mẩy đều ướt sũng, toàn thân run cầm cập, cho biết: “Em vào rừng từ hồi sáng, do biết được vùng cây kim cương mọc nhiều trước đây, nên em vào đó tìm”.
Trong chiếc túi của A Toàn có chừng 0,2kg cây kim cương. Theo A Toàn, số cây này bán được 120 nghìn đồng và chia cho nhóm bạn đi cùng. Em A Toài (lớp 7A), A Lài, A Vận (lớp 6B)… đều cho biết: Đã nhiều lần trốn học để vào rừng tìm hái cây kim cương.
“Vẫn biết là nhà trường nghiêm cấm, nhưng chúng em vẫn tranh thủ vào rừng tìm hái để kiếm ít tiền” – A Lài cho biết.
Từ ngày cây kim cương bị săn lùng ráo riết, nhiều lớp học vắng hoe học sinh, thầy cô giáo lại phải đến từng nhà để kêu gọi học sinh trở lại lớp. Trưởng thôn đã nhiều lần tổ chức họp dân, rồi cùng già làng quán triệt, nghiêm cấm nhưng xem ra không hiệu quả, bởi sức hút của cây kim cương quá lớn.
Thầy giáo Đinh Văn Kiểm cho biết: “Nhiều bữa đến lớp vắng hơn nửa, trừ một số em đau ốm, số còn lại là đi vào rừng tìm kiếm cây kim cương. Không biết sau cơn lốc này, hậu quả sẽ có bao nhiêu em thất học”.
Theo quan sát của chúng tôi, cây kim cương là loại thân mềm, có màu tím, mặt trên của lá có nhiều sọc trắng hình thoi… khi ăn vào có vị ngọt. Việc loại cây này có giá trị cao hay không, rất cần các cơ quan chuyên môn nghiên cứu kết luận, nếu là cây thuốc quý cần sớm có kế hoạch bảo tồn.
TIẾN THÀNH
Vui lòng nhập nội dung bình luận.