Bộ NNPTNT: Không nên quay lưng với cà phê Việt sau vụ "cà phê pin"

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 20/04/2018 15:31 PM (GMT+7)
Ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, người tiêu dùng không nên quay lưng lại với nông sản Việt chỉ vì một vụ việc cá biệt là cà phê nhuộm pin, vì hiện tại phần lớn nông sản đã được kiểm soát tốt về chất lượng.
Bình luận 0

Ông Tám cho biết, sau khi báo chí đưa tin vụ việc cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở chế biến cà phê bằng pin phế liệu, hiện tại vụ việc đang được ngành công an đang điều tra làm rõ. Ngành nông nghiệp cũng đang chờ xem kết quả điều tra thế nào.

img

Cơ quan chức năng phát hiện lô cà phê bị nhuộm pin tại Đắk Nông mới đây. 

Trả lời câu hỏi Bộ NNPTNT làm gì để người tiêu dùng an tâm sử dụng cà phê, ông Tám cho rằng đây là sự việc  rất đáng tiếc. Tuy nhiên, khi chưa có kết luận về vụ việc là sản phẩm của cơ sở này chế biến ra nguyên liệu để làm gì thì người tiêu dùng không nên chỉ vì vài trường hợp vi phạm cá biệt này mà quay lưng lại với nông sản Việt.

Theo ông Tám, hiện nay ngành nông nghiệp đã quản lý tương đối tốt chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Do đó, người tiêu dùng hãy an tâm sử dụng các sản phẩm có rõ nguồn gốc, được quản lý theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc…

“Người tiêu dùng không nên vì những trường hợp như vụ cà phê pin mà đánh giá đổ đồng nông sản Việt là mất an toàn hay là không sử dụng nữa. Ngành nông nghiệp cũng cho rằng, vụ việc cần tiếp tục điều tra làm rõ, thông tin công khai minh bạch cho tất cả người tiêu dùng”, ông Tám nói.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2018 và Nghị định 15/2018/NĐ-CP tổ chức sáng nay ở TP.HCM, ông Nguyễn Văn Chương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Đắk Nông) cho biết, đến thời điểm hiện tại, cơ sở vẫn chưa khai báo mục đích trộn phế phẩm cà phê, bột đá và lõi pin để làm gì?.

Cũng theo ông Chương, vào thời điểm kiểm tra, tại cơ sở không phát hiện có dụng cụ rang xay, không có bao bì cà phê, cũng không có cà phê rang xay. Họ chỉ khai báo lòng vòng rằng do cơ sở kinh doanh kém hiệu quả nên làm như vậy để giả hồ tiêu làm hồ sơ vay vốn ngân hàng.

Vốn là cán bộ từ Chi cục Bảo vệ thực vật vừa được chuyển về Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Đắk Nông chưa lâu, vụ việc khiến ông Chương “rất mệt mỏi” vì bị truy về trách nhiệm quản lý trên địa bàn.

"Sau vụ việc, nhiều người nói đùa lên Đắk Nông "uống cà phê pin" làm ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ cà phê tại địa phương. Tôi khẳng định các sản phẩm cà phê có thương hiệu vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và được giám sát tốt"- ông Chương khẳng định.

img

Vụ việc cà phê nhuộm pin đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tiêu thụ cà phê trong nước. 

Còn theo ông Phùng Hữu Hào – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, để phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính Phủ, ngành nông nghiệp đã lên kế hoạch sửa đổi các thông tư hiện có.

Một số thông tư được Bộ NNPTNT đề nghị công bố hết hiệu lực như Thông tư số 75/2011/TT-BNNPTNT ngày 31.10.2011 hướng dẫn xác nhận nội dung quảng cáo, Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 8.4.2010 hướng dẫn kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật…

Riêng với Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT Quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ sẽ được chỉnh sửa để phù hợp với Nghị định 15/2018/NĐ-CP. Cụ thể, sẽ bổ sung đối tượng cho phù hợp với khoản 1 điều 12 trong Nghị định 15, bao gồm sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ và kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ này không mang mối nguy về an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng lớn nên việc kiểm tra an toàn thực phẩm sẽ đơn giản hơn.

Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản tỉnh Bình Dương cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ mới là những cơ sở thường xuyên vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Như tại Bình Dương, một cặp vợ chồng đăng ký sản xuất chả lụa tại nhà, mỗi ngày chỉ có vài chục ký nhưng lại luôn cho hàn the vào để bảo quản sản phẩm. Hay như các sản phẩm rau muống bị ngâm hóa chất tẩy trắng, phần lớn các vụ việc bị phát hiện vi phạm là ở những hộ chẻ, sơ chế rau muống nhỏ lẻ.

img

Cơ quan chức năng cho rằng, các cơ sở nhỏ, lẻ thường vi phạm các vấn đề ATTP nhiều hơn là những cơ sở hiện đại, công nghiệp.

Do đó, vị này cho rằng, không nên bỏ qua việc kiểm tra các vấn đề về an toàn thực phẩm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ. Cũng theo vị này, ngành nông nghiệp đang bỏ sót một đối tượng cần quản lý trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là các kho lạnh được xây dựng để cho thuê, bảo quản sản phẩm.

Cụ thể, nhiều đơn vị không sản xuất, kinh doanh nhưng chỉ xây dựng kho lạnh để cho thuê, bảo quản “hầm bà lằng” các sản phẩm từ nông sản, thủy hải sản đến các sản phẩm đóng hộp như sữa… Khi cơ quan chức năng đến kiểm tra, các đối tượng này lại không thuộc đối tượng quản lý nào.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phan Xuân Thảo – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM cho rằng, các kho lạnh bảo quản sản phẩm theo mùa. Do đó, có mùa thì các sản phẩm nông sản có số lượng lớn nhưng có mùa các kho lạnh này chuyển sang trữ thủy hải sản hoặc thực phẩm chế biến… Do đó, có thể xảy ra tình trạng chỉ một cái kho lạnh nhưng cả ba cơ quan là nông nghiệp, y tế và công thương đều không thể kiểm tra, quản lý được vấn đề an toàn thực phẩm tại kho lạnh.

Ông Thảo đề nghị, phải xem kho lạnh như một đơn vị kinh doanh thực phẩm vì tại đây, các bên mua – bán thực hiện trao đổi, chuyển giao hàng hóa. Có như vậy, việc kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại kho lạnh mới đảm bảo chặt chẽ.

Sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất các cơ sở không đảm bảo ATTP

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng, việc Nghị định 15 ra đời thay thế cho Nghị định 38 về quản lý an toàn thực phẩm, giúp giảm các bước hành chính về quản lý, trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Công tác kiểm tra nhà nước sẽ chỉ thực hiện không quá 1 lần/năm, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm thì ngành nông nghiệp sẽ tiếp cận theo hướng phân tích và quản lý theo mối nguy, thứ hai là kiểm soát và quản lý hệ thống theo chuỗi sản phẩm. Như vậy, sẽ giải quyết được vấn đề bộ máy đơn giản nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu về kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Ví dụ, các cơ sở chế biến nông sản trong ngành nông nghiệp hiện nay được phân chia làm 3 loại A, B và C. Loại C là loại có nguy cơ cao và không đảm bảo thì sẽ tăng cường tần suất kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh để đảm bảo an toàn. Thứ hai là thông qua các hệ thống tổ chức quần chúng, phát hiện sớm các cơ sở làm ăn gian dối. Ngoài ra, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan công an, trinh sát để phát hiện các cơ sở vi phạm, từ đó chuyển từ kiểm tra theo kế hoạch sang kiểm tra đột xuất. Vì không cấm việc khi phát hiện dấu hiệu vi thì cơ quan chức năng được quyền kiểm ra đột xuất.

Dẫu vậy, Thứ trưởng Tám cũng thừa nhận rằng, trong ngành nông nghiệp hiện nay, việc quản lý chất lượng các sản phẩm như kiểm soát kháng sinh, chất cấm trong nuôi trồng thủy hải sản, tẩm ướp gia vị không an toàn tại các cơ sở làm hải sản khô.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem