Bộ Tài chính sẽ quản lý kiểm toán độc lập

Thứ bảy, ngày 20/11/2010 07:33 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ Tài chính được quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, đồng thời là nơi cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập của doanh nghiệp kiểm toán chi nhánh.
Bình luận 0
img
Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ngày 19-11.

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 19-11 về dự án Luật Kiểm toán độc lập.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu tán thành việc cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập để góp phần ngăn ngừa và phát hiện lãng phí, góp phần thu hút vốn đầu tư, công khai minh bạch thông tin tài chính, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành kinh tế- tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên một số ý kiến khác cho rằng, sau 19 năm hoạt động, kiểm toán độc lập đã bộc lộ một số tồn tại và hạn chế, trong đó có nguyên nhân về mặt pháp lý.

Để giải quyết, các đại biểu nhất trí giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Theo đó, Bộ Tài chính được quy định việc tổ chức thi, cấp, thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, đồng thời là nơi cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập của doanh nghiệp kiểm toán chi nhánh.

Sáng 19-11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Lưu trữ với đa số ý kiến tán đồng sự cần thiết phải ban hành luật nhằm giải quyết những bất cập về mặt pháp lý và thực tiễn, góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội đối với công tác lưu trữ.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), vai trò quản lý của Nhà nước với kiểm toán độc lập cần tập trung vào một đầu mối là Bộ Tài chính, với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước đủ khả năng thực hiện quản lý kiểm tra, giám sát chất lượng, xử vi phạm trong lĩnh vực dịch vụ kiểm toán để cấp giấy phép và thu hồi giấy phép hoạt động.

Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm, đó là chất lượng thông tin được kiểm toán. Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) và Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), kiểm toán viên hành nghề bắt buộc phải có trình độ, có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, công tâm, kiên quyết, liêm khiết và tuân thủ pháp luật. Ông Tâm cho rằng: Trong dự thảo luật đã có nhiều quy định đối với điều kiện về trình độ năng lực của kiểm toán viên của doanh nghiệp nhưng các quy định về đạo đức nghề nghiệp chưa được cụ thể. Do đó cần có những cơ chế ràng buộc trách nhiệm, đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem